Dầu vẫn giảm 3 tuần liên tiếp bất chấp đà phục hồi trong phiên
Giá dầu phục hồi vào ngày thứ Sáu (26/3) sau khi lao dốc một ngày trước đó, do lo ngại rằng một tàu container lớn bị mắc cạn ở kênh đào Suez có thể cản trở tuyến đường vận chuyển trong nhiều tuần, làm thắt chặt nguồn cung.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn ghi nhân tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 4.23% lên 64.57 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 4.12% lên 60.97 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng này đều giảm hơn 3% trong tuần qua sau khi sụt hơn 6% trong tuần trước.
Một tàu container bị mắc kẹt đang làm cản trở giao thông ở kênh đào Suez, một trong những kênh vận chuyển bận rộn nhất thế giới đối với dầu và nhiên liệu tinh chế, ngũ cốc và các hoạt động thương mại khác giữa châu Âu và châu Á.
Nhà chức trách đã buộc dừng tất cả các tàu đi vào kênh vào ngày 25/3, và một công ty trục vớt cho biết có thể mất đến vài tuần để giải quyết.
“Dự báo rằng sự tắc nghẽn của kênh đào Suez có thể kéo dài trong nhiều tuần đã làm tăng lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường dầu”, nhà nghiên cứu Yasushi Osada của Nissan Securities chia sẻ.
“Tuy nhiên, lo ngại kéo dài về làn sóng phong tỏa mới ở châu Âu và nhiều nơi khác có thể làm chậm đà phục hồi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu được dự báo sẽ hạn chế đà tăng của dầu”, ông Osada nói.
Các quốc gia châu Âu đang áp đặt các lệnh phong tỏa mới nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19, điều này có thể sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu từ khu vực. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã chứng kiến sự gia tăng lớn nhất về số ca nhiễm Covid-19 kể từ tháng 01/2021.
Tại khu vực phía Tây Ấn Độ, chính quyền đã yêu cầu người dân ở nhà khi số ca nhiễm mới vọt lên mức cao nhất trong 5 tháng.
Thị trường dầu toàn cầu cũng chịu áp lực khi các nhà sản xuất đối mặt với khó khăn khi bán sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Những khách hàng châu Á thay vì lấy dầu rẻ hơn từ kho dự trữ trong khi bảo trì các nhà máy lọc dầu đã làm giảm nhu cầu.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|