Dầu tăng nhẹ bất chấp các lệnh phong tỏa ở châu Âu
Giá dầu ổn định vào ngày thứ Hai (22/3), khi hy vọng nhu cầu tăng vào cuối năm nay đã giúp ngăn chặn đợt bán tháo rộng rãi hồi tuần trước, nhưng giá dầu vẫn chịu áp lực khi các lệnh phong tỏa mới ở châu Âu khiến khả năng phục hồi nhanh chóng ít có khả năng xảy ra.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent nhích 6 xu (tương đương 0.1%) lên 64.59 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 13 xu lên 61.55 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng này đều đã sụt hơn 6% trong tuần trước sau khi tăng ổn định trong nhiều tháng qua nhờ cắt giảm sản lượng và kỳ vọng nhu cầu phục hồi.
“Dầu đã có tuần tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay do lo ngại ngày càng tăng về sự bùng phát số ca nhiễm Covid-19 trên khắp châu Âu”, Ngân hàng ING của Hà Lan chia sẻ.
Các thị trường vật chất đang phải chịu sức ép khi các nhà máy lọc dầu trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu hoạt động bảo trì.
Nhà đầu tư cho biết mùa bảo trì nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sẽ đạt cao điểm vào tháng 5 và bắt đầu giảm dần vào tháng 6/2021.
Gần 1/3 người dân Pháp đã bước vào lệnh phong tỏa kéo dài 1 tháng vào ngày 20/3, trong khi Đức có kế hoạch kéo dài thời gian phong tỏa sang tháng thứ 5, theo một đề xuất dự thảo.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo vào ngày thứ Hai rằng làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 đang lan khắp châu Âu có thể hướng tới Anh.
“Các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin đã không diễn ra nhanh chóng như thị trường hy vọng và do đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu dầu, từ đó làm ảnh hưởng đến giá dầu”, Louise Dickson, các chuyên gia phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận định.
Trong khi đà phục hồi kinh tế trên diện rộng vẫn khó nắm bắt, Giám đốc điều hành Saudi Aramco, Amin Nasser, lạc quan về triển vọng trong dài hạn đối với nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Vào ngày 21/3, ông Nasser cho biết nhu cầu dầu toàn cầu đang trên đà đạt 99 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|