Thứ Ba, 23/02/2021 14:10

Vì sao vũ khí đất hiếm của Trung Quốc không còn tác dụng

Trung Quốc từng khiến cả thế giới sợ hãi khi đe dọa hạn chế nguồn cung đất hiếm. Nhưng gió đã đổi chiều.

Trên Bloomberg, nhà phân tích David Fickling cho biết thông tin chính quyền Trung Quốc muốn cấm xuất khẩu công nghệ tinh luyện đất hiếm chẳng hề gây bất kỳ chấn động nào trên thị trường. Trên thực tế, chiêu "vũ khí hóa đất hiếm" có thể phản tác dụng đối với Bắc Kinh.

Năm 2010, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản bùng lên, Bắc Kinh quyết định hạn chế xuất khẩu 17 loại đất hiếm để trả đũa Tokyo. Khi đó, Nhật Bản gặp khó vì phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn cung neodymium, dysprosi và terbi từ Trung Quốc để sản xuất động cơ, đèn LED, laser và pin nhiên liệu.

Ở thời điểm đó, Trung Quốc gần như độc quyền sản xuất đất hiếm. Không có nguồn cung cấp thay thế, ngành công nghệ cao của Nhật Bản đối mặt nguy cơ tê liệt.

Các nước nhận ra bài học từ cuộc khủng hoảng này. Đó là với việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng đất hiếm như một loại vũ khí địa chính trị, thế giới cần lập tức đa dạng hóa nguồn cung loại khoáng sản cần thiết này.

vũ khí đất hiếm của Trung Quốc ảnh 1
Sản lượng đất hiếm của Mỹ và các nước tăng mạnh trong những năm qua. Ảnh: Bloomberg.

Nhật Bản thành lập Tập đoàn Dầu, Khí và Kim loại Quốc gia (Jogmec) để đảm bảo sự ổn định nguồn cung khoáng sản. Jogmec đầu tư vào nhà sản xuất Lynas Rare Earths Ltd (Australia) để tạo ra chuỗi cung ứng đất hiếm không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nhờ khoản đầu tư đó, Lynas giờ sản xuất gần 20.000 tấn oxit đất hiếm mỗi năm từ mỏ Mount Weld ở Australia và tại nhà máy chế biến tại Malaysia. Con số này đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Mỹ.

Tháng trước, Lynas ký hợp đồng xây một nhà máy mới với công suất chế biến 5.000 tấn đất hiếm mỗi năm ở Texas. Dự án này nhận được sự hỗ trợ tài chính của Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm ngoái, Lầu Năm Góc cũng hỗ trợ tài trợ một loạt dự án sản xuất đất hiếm khác.

Nhờ đó, thị trường đất hiếm toàn cầu thay đổi lớn. Năm 2010, Trung Quốc chiếm 98% thị phần sản xuất đất hiếm toàn cầu. Đến năm 2020, tỷ lệ này giảm xuống còn 58%. Lầu Năm Góc cũng lập một kho dự trữ đất hiếm tương tự Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, và mua thêm 5.000 tấn hồi năm ngoái.

Ngoài ra, các hãng nhập khẩu còn thắng kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong một vụ tranh chấp về đất hiếm.

Thời gian qua, các nhà sản xuất quốc tế liên tục mở rộng năng lực khai thác và chế biến đất hiếm. Tháng 8/2020, Lynas huy động được 335 triệu USD khi bán cổ phần để xây nhà máy chế biến ở Australia và nâng cấp cơ sở tại Malaysia. Giá trị vốn hóa của MP đã tăng hơn 10 lần kể từ khi khi phát hành cổ phiếu hồi tháng 7/2020.

Hiện tượng này từng xảy ra trên thị trường dầu mỏ quốc tế. Hồi thập niên 1970, khi các nước Ả Rập dùng sức mạnh độc quyền để đẩy giá dầu thô, hàng loạt quốc gia chuyển hướng xây nhà máy điện chạy than và năng lượng hạt nhân, đồng thời đẩy mạnh khai thác dầu tại Biển Bắc, Siberia, Mexico và Texas.

Khi Tổng thống Richard Nixon ra lệnh cấm xuất khẩu đậu nành hồi năm 1973, Nhật Bản lập tức tìm cách xoay xở bởi 92% lượng đậu nành nhập khẩu vào nước này đến từ Mỹ. Chính quyền Tokyo hỗ trợ Brazil phát triển ngành công nghiệp đậu này và hiện Brazil là quốc gia sản xuất đậu nành hàng đầu thế giới.

"Do đó, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm chỉ càng khiến các nhà nhập khẩu thêm quyết tâm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Vũ khí đất hiếm của Trung Quốc giờ chỉ là một con hổ giấy không hơn không kém", nhà phân tích David Fickling nhấn mạnh.

An Chi

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cứu trợ 1.900 tỷ USD (23/02/2021)

>   Gần 50% người Cộng hòa muốn gia nhập đảng của Trump (22/02/2021)

>   Hàn Quốc đối mặt khủng hoảng thất nghiệp trầm trọng nhất kể từ năm 1997 (22/02/2021)

>   Tồn tại hay không tồn tại (22/02/2021)

>   Nhà khoa học Đức có chứng cứ Covid-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán? (21/02/2021)

>   Doanh số bán hàng online tại Trung Quốc vượt xa bán lẻ truyền thống (20/02/2021)

>   Vì sao Facebook và báo chí Úc đòi chia tay? (20/02/2021)

>   Mỹ mất vị trí đối tác thương mại số 1 với châu Âu (20/02/2021)

>   G7 chú trọng kế hoạch tái thiết nền kinh tế hậu COVID-19 (20/02/2021)

>   Janet Yellen: Mỹ sẽ giữ nguyên hàng rào thuế quan với hàng hóa Trung Quốc (19/02/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật