Nguyên do của tình hình “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Facebook, Google và báo chí Úc xuất phát từ một đạo luật được chính phủ Úc đệ trình lên quốc hội nước này mà nếu được thông qua sẽ buộc các công ty công nghệ như Facebook hay Google phải trả tiền cho các tờ báo của Úc thì mới được quyền trích dẫn nội dung các bài báo lên nền tảng của mình, kể cả xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
Luật mới được Hạ viện thông qua chưa đưa lên Thượng viện thì Facebook đã tung đòn phủ đầu, chặn hết dân Úc không cho nhìn thấy tin tức từ báo chí Úc xuất hiện trên Facebook nữa. Nói cụ thể thì báo chí Úc vẫn có thể tiếp tục duy trì trang Facebook của mình, vẫn có thể viết các mẩu giới thiệu và đưa đường dẫn tin bài của báo mình. Nhưng người dân Úc sẽ không nhìn thấy các mẩu Facebook này, cũng không thể chia sẻ đường dẫn tới các bài báo Úc nữa. Người dùng Facebook trên thế giới cũng không thể chia sẻ tin tức của báo chí Úc.
Tin tức về việc Facebook chặn người dùng Úc xem nội dung từ các báo Úc leo lên trang chủ các báo trên thế giới. Ảnh minh họa từ Daily Mail.
|
Người viết đã thử lấy một tin trên tờ The Australian để chia sẻ đường dẫn kèm vài câu giới thiệu trên Facebook thì xuất hiện thông báo: “Không thể chia sẻ. Để hồi đáp điều luật của chính phủ Úc, Facebook hạn chế việc đăng tải đường dẫn từ các trang tin ở Úc. Toàn cầu, việc đăng và chia sẻ đường dẫn tin tức từ các báo của Úc bị hạn chế”. Nó chẳng khác nào tình trạng Facebook “hủy kết bạn” với mọi tờ báo của Úc.
Cuộc "chia tay" không có lợi cho đôi bên
Khác với Facebook, Google chịu ngồi lại để đàm phán chuyện trả tiền cho báo chí Úc sau khi đe dọa sẽ cắt dịch vụ tìm kiếm thông tin cho dân Úc. Hiện nay, Google đang thương lượng với từng nhóm báo chí Úc và đã đạt được thỏa thuận ban đầu với nhiều nơi như với News Corp, tập đoàn đang nắm trong tay nhiều tờ báo, không chỉ ở Úc mà toàn cầu như tờ Wall Street Journal và New York Post ở Mỹ và The Times, The Sun ở Anh.
Nếu chuyện này xảy ra cách đây vài ba năm, ắt hẳn dân tình sẽ phản đối một điều luật trói tay các hãng công nghệ mà mới nhìn qua đang giúp cho báo chí đến tay nhiều độc giả hơn. Ắt sẽ có nhiều người lập luận kết quả tìm kiếm của Google hay chia sẻ đường dẫn tin tức trên Facebook sẽ giúp người đọc tìm đến các tin bài mà giả thử không có Google chỉ đường hay Facebook chia sẻ họ sẽ không đọc. Với nhiều tờ báo, giới thiệu của Google hay Facebook chiếm một tỷ lệ quan trọng trong tổng số người vào đọc.
Thế nhưng mấy năm gần đây Facebook đang đối diện với những cáo buộc giúp lan truyền tin giả, tin bịa đặt, thuyết âm mưu, các lời đồn vô căn cứ… Tin tức từ báo chí chính thống được kỳ vọng giúp Facebook lấy lại uy tín với người dùng. Nghỉ chơi với báo chí như đang diễn ra ở Úc sẽ làm suy yếu Facebook. Peter Lewis, Giám đốc Trung tâm vì Công nghệ có trách nhiệm thuộc Viện Úc cho rằng quyết định của Facebook “sẽ biến nó thành một mạng xã hội yếu hơn”. “Nếu không có tin tức dựa vào dữ kiện để neo lại, Facebook sẽ trở thành không hơn gì các chú mèo dễ thương và các thuyết âm mưu”, ông nói với tờ Time.
Giải thích lý do phản đối điều luật đang được đề xuất, đại diện Facebook ở Úc là William Easton cho rằng điều luật hiểu sai một cách cơ bản mối quan hệ giữa Facebook và các chủ báo. “Luật đòi phạt Facebook cho những nội dung mà Facebook không lấy hay không xin”, Easton nói. Cách lập luận của Facebook là chúng tôi xây một nền tảng để đó, người dùng vào tạo ra nội dung chứ chúng tôi đâu xin ai, bất kể nội dung đó là hình một món ăn hay trích đoạn và đường dẫn đến một bài báo. Vấn đề là họ đang kinh doanh trên những nội dung này; nếu không có chúng, Facebook là ngôi nhà rỗng. Hoặc Facebook trả tiền cho người dùng hoặc trả tiền cho các báo là nơi tạo ra nội dung nhiều người đọc nhất như một bước khởi đầu thay đổi mô hình kinh doanh có trách nhiệm xã hội hơn.
Giả thử báo chí khắp thế giới áp dụng chính sách tương tự như ở Úc và giả thử Facebook nghỉ chơi với báo chí toàn cầu, điều đó có nghĩa nội dung còn lại trên Facebook là loại nội dung chưa được kiểm chứng, qua một quy trình thu thập, biên tập và tường thuật bởi những người có chuyên môn. Ngược lại, báo chí mất kênh phân phối, truyền dẫn như Facebook cũng sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
Ai sẽ nhượng bộ trước?
Ở đây là một cuộc đối đầu xem ai nhượng bộ trước bởi nếu Facebook nhượng bộ ở Úc, họ sẽ lần lượt phải chịu trả tiền cho báo chí khắp thế giới. Chính phủ các nước ở châu Âu, Mỹ và Canada từng tuyên bố họ xem đây là một mô hình để có thể đưa ra những điều luật tương tự ở nước họ nhằm hỗ trợ nền báo chí sở tại.
Google sở dĩ đạt được một số thỏa thuận ban đầu là vì họ đưa ra dịch vụ mới, trả tiền cho báo để người dùng có thể đọc nội dung ngay trên trang của Google chứ không cần về lại trang chính chủ.
Mặc dù chi tiết chưa được tiết lộ, thỏa thuận giữa Google và News Corp kéo dài 3 năm, Google sẽ trả tiền cho các bài của các tờ báo thuộc News Corp sản xuất được hiển thị trên dịch vụ News Showcase mới của Google. Bên cạnh đó, Google sẽ phát triển nền tảng trả tiền mua báo, rồi chia sẻ doanh thu quảng cáo và các dự án báo nói, báo hình khác với News Corp. Nói cách khác đây là cách Google giảm nhẹ tác động của điều luật sắp ra đời chứ chưa giải quyết triệt để việc trả tiền cho nội dung xuất hiện trên kết quả tìm kiếm.
Trên thực tế Google và Facebook đã ký các thỏa thuận về chia sẻ nội dung với các tờ báo lớn như Financial Times thừa nhận trên một bài viết họ đã ký xong với cả hai. Năm ngoái, Google ký thỏa thuận khung với Pháp gồm hơn 100 báo để chi trả tổng cộng 26,5 triệu đô-la mỗi năm. Google cho biết họ dành ra 1 tỉ đô la trong ba năm để trả cho các báo trong dịch vụ News Showcase nói trên và đã thương lượng xong với hơn 500 đối tác.