G7 chú trọng kế hoạch tái thiết nền kinh tế hậu COVID-19
Ngày 19/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) theo hình thức trực tuyến.
Ngày 19/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) theo hình thức trực tuyến với lời kêu gọi về một kế hoạch tái thiết nền kinh tế toàn cầu vốn chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Phát biểu trong cuộc đàm thoại trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 khác, Thủ tướng Anh - nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên G7 - đã hoan nghênh tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và tân Thủ tướng Italy Mario Draghi.
Ông Johnson nói: "Chúng tôi muốn phối hợp cùng nhau để xây dựng lại tốt đẹp hơn sau đại dịch."
Thủ tướng Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cùng nỗ lực để đảm bảo mọi người dân trên thế giới đều được tiếp cận với vắcxin ngừa COVID-19.
Ông nêu rõ: "Chúng ta phải đảm bảo rằng toàn bộ thế giới được tiêm phòng (vắcxin ngừa COVID-19) bởi đây là dịch bệnh toàn cầu và không có lợi nếu một nước vượt xa các nước khác. Chúng ta phải đi cùng nhau!"
Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G7 kể từ tháng 4/2020 và đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một hội nghị quốc tế.
Dự kiến, Anh tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp G7 vào tháng 6 tới. Thủ tướng Johnson cho biết muốn tận dụng vai trò Chủ tịch G7 để thúc đẩy sự đồng thuận trong việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch, theo hướng bền vững và tự do thương mại.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020, theo kế hoạch do Mỹ tổ chức, đã bị hủy bỏ do đại dịch COVID-19. Cuộc họp trực tiếp lần gần đây nhất của các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Italy, Nhật Bản và Canada là vào năm 2019 tại Pháp.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Nhật Bản trong quyết tâm tổ chức thành công Thế vận hội mùa Hè Olympic và Paralympic tại Tokyo vào tháng 7 tới.
Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh lãnh đạo các nước G7 ủng hộ quyết tâm của nước chủ nhà Nhật Bản trong việc tổ chức sự kiện như một bằng chứng cho thấy sự đoàn kết của thế giới vượt qua dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết nước này sẽ làm tốt công tác chuẩn bị và hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) để đảm bảo tổ chức một kỳ Thế vận hội an toàn, thành công.
Hiện Nhật Bản đang đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 nhằm đảm bảo phổ cập tiêm chủng toàn dân trước thời điểm khai mạc Thế vận hội mùa Hè Olympic và Paralympic càng sớm càng tốt.
Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nhật Bản đang dần cải thiện tích cực nhưng chính phủ nước này vẫn đang cân nhắc khả năng duy trì tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh thành, trong đó có thủ đô Tokyo, nhằm thực hiện chương trình tiêm phòng vắcxin một cách suôn sẻ./.
Minh Châu
Vietnam+
|