Tình trạng kéo dài dai dẳng của đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề cho thị trường lao động ở Hàn Quốc, tàn phá giấc mơ nghề nghiệp của người lao động trẻ.
Một người tìm việc xem bảng thông tin tuyển dụng ở một văn phòng của Cơ quan Dịch vụ thông tin việc làm ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
|
Số lao động có việc làm giảm gần một triệu người
Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, công bố trung tuần tháng 2 cho thấy rõ tình trạng gay go của thị trường lao động ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Báo cáo cho biết trong tháng 1-2021, số lao động có việc làm ở Hàn Quốc giảm 982.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 25,82 triệu người. Đây là tháng suy giảm thứ 11 liên tiếp và mức giảm số lao động có việc làm trong tháng 1 là lớn nhất kể từ tháng 12-1998 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997.
Người lao động trẻ chịu tác động nặng nề nhất trong cơn khủng hoảng thất nghiệp này. Trong tháng 1-2021, lao động ở nhóm tuổi 15-29 chứng kiến 310.000 việc làm bị mất mát so với cùng kỳ năm ngoái do các điều kiện kinh doanh khó khăn trong những ngành sử dụng nhiều lao động trẻ, chẳng hạn như nhà hàng, khách sạn, du lịch. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi này tăng 1,8 điểm phần trăm lên mức 9,5%.
Số việc làm ở nhóm lao động lớn tuổi cũng suy giảm nhưng ở mức nhẹ hơn. Trong tháng 1, số lao động có việc làm ở nhóm tuổi 60 tuổi trở lên giảm 15.000 người so với mức tăng 250.000 người trong tháng 12-2020.
Koo Seo Jin, 25 tuổi, người tốt nghiệp ngành hàng không, phải tạm gác lại giấc mơ trở thành viên hàng không. Sau khi cô tốt nghiệp đại học vào mùa xuân năm ngoái, đại dịch Covid-19 ập đến, khiến các kỳ thi tuyển dụng tiếp viên bị hủy bỏ. Cô hy vọng kỳ thi sẽ được nối lại nhưng các làn sóng lây nhiễm Covid-19 liên tiếp xảy ra, làm ảm đạm thêm triển vọng kinh doanh của các hãng hàng không. Cuối cùng, cô xin làm công việc tiếp tân bán thời gian ở một tổ chức tài chính vào hồi đầu năm nay.
Đại dịch Covid-19 cũng phá hỏng kế hoạch nghề nghiệp của Kim Seung A, 23 tuổi, người tốt nghiệp chuyên ngành múa ở một trường đại học. Trước đại dịch, cô hy vọng trở thành một huấn luyện viên dạy múa và Pilates (một bộ môn thể dục giảm cân) nhưng khi cuộc khủng hoảng sức khỏe xảy ra, các lớp học múa phải đóng cửa và cô không thể tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Giờ đây, cô làm việc bán thời gian ở một nhà hàng để kiếm tiền theo khóa học lấy chứng chỉ hành nghề huấn luyện viên pilates.
Theo Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, trong quí 4-2020, mức thu nhập trung bình hàng tháng của nhóm 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất ở Hàn Quốc chỉ ở mức 596.000 won (12,5 triệu đồng VN), giảm 90.000 won so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, thu nhập của nhóm 20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất lại tăng thêm 130.000 won mỗi tháng. Các số liệu này cho thấy tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Hàn Quốc đang gia tăng lên mức đáng báo động.
|
Dù không tìm được công việc như mong muốn nhưng Koo Seo Jin và Kim Seung A vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác vì ít nhất, họ đang có việc làm. Tại Hàn Quốc, tình trạng khan hiếm việc làm đã xảy ra trước đại dịch Covid-19 khi các chủ doanh nghiệp cắt giảm tuyển dụng vì lương tối thiểu tăng mạnh và các quy định khắt khe về làm việc ngoài giờ.
Đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy mạnh xu hướng này. Nhiều nhà hàng, các cơ sở giải trí và thể thao buộc phải đóng cửa do lệnh giãn cách xã hội để kiểm soát đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Khi nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian giảm mạnh, nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Hôm 21-2, Hàn Quốc ghi nhận thêm 416 ca nhiễm mới, bao gồm 391 lây lan trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên con số 86.992.
Doanh nghiệp tư nhân là chìa khóa giải quyết vấn đề
Hôm 15-2, Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in thừa nhận cuộc khủng hoảng thất nghiệp hiện nay ở Hàn Quốc là tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997. Ông cam kết sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để giải quyết vấn nạn thất nghiệp nhưng cho đến nay, các nỗ lực tạo việc làm của chính phủ Hàn Quốc chỉ đạt được các kết quả hạn chế.
Kể từ khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền vào năm 2017, số lao động có việc làm ở nhóm tuổi 60 trở lên tăng nhưng số lao động trẻ có việc làm lại đi vào xu hướng giảm.
Tổng thống Moon Jae-in nói: “Bức tranh việc làm đang xấu hơn đối với người trẻ. Khi sự phân cực trên thị trường việc làm dẫn đến bất bình đẳng thu nhập, chính phủ phải nghiêm túc nhận thức tình hình này và phải ngay lập tức triển khai các biện pháp khẩn cấp”.
Ông Moon Jae-in yêu cầu khu vực công phải triển khai kế hoạch tuyển dụng trực tiếp hơn 900.000 người trong quí 1-2021. Tuy nhiên, theo các chương trình tài khóa hiện tại, một nửa số việc làm này sẽ dành cho người lao động lớn tuổi. Nhật báo Chosun Ilbo đăng bài xã luận chỉ trích rằng chính sách này chỉ là giải pháp tạo việc làm bán thời gian dựa vào tiền thuế của dân. Bài xã luận kêu gọi chính phủ ưu tiên cung cấp việc làm chất lượng cao cho thanh niên và phụ nữ.
Các tổ chức doanh nghiệp của chính quyền bao gồm Tổng Công ty điện lực Hàn Quốc, Tổng Công ty Đất đai và nhà ở Hàn Quốc, Dịch vụ Bảo hiểm quốc gia Hàn Quốc... sẽ tăng tuyển dụng hơn 45% trong năm tài khóa hiện tại so với năm trước. Song mức chi trả lương phình to ở khu vực công sẽ có thể làm giảm hiệu quả của bộ máy công quyền.
Khu vực kinh tế tư nhân mới là chìa khóa cho cuộc khủng hoảng thất nghiệp hiện nay của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc muốn khuyến khích khu vực tư nhân tuyển dụng nhiều hơn bằng cách giảm các quy định quản lý nhất định và giảm thuế đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, gói biện pháp thúc đẩy việc làm hiện nay của Seoul lại không bãi bỏ các quy định quản lý theo đề xuất của doanh nghiệp.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, để tạo ra các việc làm dài hạn đòi hỏi các biện pháp toàn diện, giúp khu vực kinh tế tư nhân năng động hơn, chẳng hạn giảm bớt các quy định quản lý và cải thiện các điều kiện kinh doanh.