Tồn tại hay không tồn tại
Dịch Covid đang làm cả nhân loại phải thay đổi. Bởi nếu không nhìn nhận lại mình, không thay đổi chiến lược phát triển của quốc gia và hành vi của mỗi cá nhân, sẽ rất khó tồn tại trong một xã hội mà tương lai khó đoán định. Câu nói “To be, or not to be” (tồn tại hay không tồn tại) của nhà viết kịch nổi tiếng William Shakespeare được giới khoa học nhắc đến trên các diễn đàn như là cảnh báo toàn thể nhân loại.
1. Trước khi có dịch, con người nói chung, nhất là thanh niên ở đô thị say mê với “chủ nghĩa tiêu dùng”, hình thành nên tầng lớp đông đảo nghiện mua sắm, thích thời trang. Họ mua không phải cho sử dụng bản thân, mà để thỏa mãn niềm đam mê được tiêu tiền, được thể hiện đẳng cấp, dù không ít trong số đó là con nợ của ngân hàng, của xã hội đen.
Chính tiêu dùng vô độ đó đẩy con người vào bước trượt mang tính nhân loại không sao dừng được. Đó là chuỗi khai thác - sản xuất - trao đổi - tiêu dùng. Tiêu dùng nhiều phải khai thác tài nguyên, nên chính chuỗi hoạt động này đang đưa nhân loại đến chỗ diệt vong, cần phải được làm chậm và dừng lại.
Rõ ràng tài nguyên không phải là vô tận, dầu mỏ đang cạn, than đá gần như cạn kiệt, quặng sắt không còn nhiều và một số kim loại quý đã hết, thậm chí đất đai cũng bị biến chất khả năng sinh sản không dồi dào.
Nhân 2 cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và khủng hoảng kinh tế 2008, các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội của các tổ chức phi chính phủ đưa ra kiến nghị tập thể: các nước có quy mô sản xuất lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu hãy giảm sản xuất lại, con người hãy bớt tiêu dùng để thiên nhiên được nghỉ ngơi và dần hồi phục lấy lại sự cân bằng.
Nhưng dường như không thể được vì tiêu dùng trở thành thói quen thường nhật, và nếu không tiêu dùng không sản xuất, mà không sản xuất nhà máy đóng cửa, hàng triệu người thất nghiệp, đồng nghĩa với đói, tệ nạn xã hội. Vậy là bộ máy khổng lồ đó không có cơ hội dừng lại.
Nhưng cơ may thình lình xuất hiện. Mùa Noel năm nay, sức mua của các nước châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha giảm đến 35%, Mỹ gần 40%, Nga giảm gần 50%. Tết Nguyên đán năm nay, dân chúng các nước Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc cũng chỉ mua những đồ thiết yếu.
Năm nay, có lẽ người Việt Nam tiết kiệm nhất so với các tết trước, đồ hàng hiệu, rượu ngoại, thực phẩm cao cấp giảm hẳn.
Sau hơn 1 năm bị dịch Covid người ta thấy điều hiển nhiên là bầu không khí toàn cầu trong sạch hơn, kể cả ở các thành phố cực ô nhiễm như Bắc Kinh, Thiên Tân, Mumbai, cho thấy sản xuất đã giảm về quy mô và tốc độ. Rõ ràng chi tiêu, tiêu dùng của người dân đã tiết kiệm trên quy mô toàn cầu.
Trái đất đang được tạm nghỉ ngơi, và có phần nào hoàn nguyên. Điều mà các tổ chức quốc tế như “Hòa bình xanh”, “Trái đất Xanh”, “Mạng lưới đô thị sinh thái”, “Tiêu dùng thông minh” mong ước và chiến đấu tuyệt vọng, nay nhờ Covid đang được hiện thực hóa, đúng là “bất chiến tự nhiên thành”.
Tuy nhiên, thành quả “từ trên trời rơi xuống” này có giữ được bền vững, lâu dài sau khi Covid bị đẩy lùi hay không vẫn là ẩn số. Một sự lo lắng có cơ sở là hết dịch lại tiêu, thậm chí tiêu dùng nhiều hơn, giống như “trả bữa sau khi ốm” thì gay go. Nhưng trên hết vẫn là hy vọng loài người thức tỉnh sau đại dịch để tự biết điểm dừng.
Đại dịch Covid-19 là thời điểm cho trái đất xanh nghỉ ngơi.
|
2. Dịch Covid không chỉ làm cho nhân loại thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng tiết kiệm hơn, còn làm xuất hiện kiểu sống mới “bỏ phố về làng”, tức đi ngược với làn sóng di cư từ nông thôn đổ dồn về đô thị lâu nay.
Trước đây các nhà tương lai học lo sợ, vì nếu 3/4 dân số trên trái đất này đổ dồn về thành phố, lấy ai trồng lúa, trồng rau màu, chăn nuôi gia súc. Thí dụ, mỗi người ăn 1 quả trứng gà/ngày, tức mỗi ngày toàn thế giới cần đến 8 tỷ quả trứng.
Vậy là các nhà hoạt động xã hội kêu gọi mọi người đừng đổ dồn về thành phố nữa, còn người thành phố thì nên trở về nông thôn, bởi mỗi năm có hàng ngàn làng mạc bị xóa sổ vì không có người ở.
Nhưng mọi lời kêu gọi hay khuyến khích đều thất bại vì người ta đã bỏ làng về thành phố rồi khó mà quay về cố hương, vì “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”.
Năm 2020, dịch Covid được xem là cú hích khiến xu hướng bỏ phố về quê bộc phát mạnh mẽ, gia tăng cả về quy mô và tốc độ. Nếu việc hồi hương trước kia thường xảy ra ở người già, người về hưu, nay số lượng đông đảo người trẻ tham gia làm tiến trình hồi hương trở nên sôi động hơn.
Covid khiến hàng trăm triệu người dân đô thị mất việc làm, phải giãn cách xã hội, phải co mình trong những căn hộ bé tí, hạn chế ra ngoài, phải căng mình cảnh giới mọi nguy cơ và nỗi lo an toàn cho bọn trẻ con trở nên quá sức chịu đựng.
Do vậy nhiều người tìm về nông thôn như một phương cách giải thoát cho tình trạng bức bối, lạnh lùng, xét nét, có cả kỳ thị đang diễn ra ở các thành phố. Về nông thôn trước tiên họ thực hiện được dãn cách xã hội mà vẫn được hưởng bầu không khí trong sạch, thực phẩm tươi sống, quan hệ xã hội thân thiện.
Hơn thế nữa, về nông thôn cả nhà còn có thể làm được những điều bấy lâu không làm được ở thành phố. Đơn giản là cả nhà quây quần bên nhau, vợ chồng cùng nhau đi thăm làng xóm, cả nhà tự mình trồng rau sạch, chăn nuôi, trồng những loại hoa mình thích. Cuộc sống trở nên thân thiện và tinh khôi ở thành phố không sao có được.
Người thành phố trở về quê trong đợt dịch này như một sự lánh nạn, nhưng vô hình trung điều đó lại góp phần rất lớn vào việc phục hưng tam nông, vốn quý của cả nhân loại nhưng đang bị coi nhẹ.
Khi Covid tràn tới, người ta mới nhận ra những nước nào chỉ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là sống dựa vào du lịch đều rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Còn những nước nông nghiệp dường như mức độ tổn thương ít hơn, và khi bị tổn thương lấy lại cân bằng nhanh hơn. Chính vì thế, nông ngiệp được coi là “bệ đỡ”, “nền tảng”, “sân sau” của các quốc gia có nông nghiệp.
Không phải vô lý khi nói Covid là một cơ hội (dù rất khó chịu) để toàn thể nhân loại suy ngẫm về những gì mình đã sai lầm trong quá khứ và tư duy xem nên hành xử như thế nào trong tương lai, để có được nền kinh tế phát triển bền vững, đa dạng có khả năng chống chịu mọi biến động của thiên tai, nhân tai và dịch bệnh.
Chưa bao giờ câu nói bất hủ “To be, or not to be” của William Shakespeare lại có giá trị mang tính toàn cầu như vào thời điểm này.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|