Sau tất cả, dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại Việt Nam
Đại dịch Covid- 19 mang đến nhiều thử thách cho sức khỏe nền kinh tế nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán nhờ sự kiểm soát dịch bệnh tốt của Chính phủ Việt Nam và sự gia nhập của nhiều "dòng tiền mới hậu Covid".
Ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital.
|
Giám đốc Điều hành, kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho, chia sẻ với Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021.
Có vẻ như Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 11/2020... không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông, vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao như vậy?
Thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của các thị trường chứng khoán khác trên thế giới, đã tăng trưởng mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống. Theo đánh giá của VinaCapital, một phần nguyên nhân của sự tăng trưởng này là nhờ Chính phủ Viêt Nam đã kiểm soát thành công đại dịch trong nước, cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế và phục hồi từ quý 3/2020. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với sụt giảm nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 2,9%/năm trong năm 2020. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục gần 20 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng giảm sâu (cụ thể lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng Vietcombank đã giảm xuống chỉ còn 5,8%/năm) đã làm dịch chuyển một phần dòng tiền từ tiền gửi tiết kiệm sang kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán. Điều này thể hiện thông qua số lượng tài khoản các nhà đầu tư cá nhân mở mới đã đạt kỷ lục trong năm 2020.
Ngoài ra, các công bố tích cực gần đây về sự ra đời và thử nghiệm vaccine Covid-19 của các hãng dược uy tín trên thế giới cũng đã giúp thúc đẩy tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Năm 2020 của VinaCapital như thế nào, thưa ông?
Theo tính toán sơ bộ, quỹ VOF (Vietnam Opportunity Fund) - quỹ lớn nhất của VinaCapital đã tăng trưởng 28%, trong đó danh mục cổ phiếu chiếm tỷ trọng 80% ghi nhận mức tăng trưởng 36% trong năm 2020. Đây là kết quả rất khả quan so với mức tăng 17,5% của VN-Index (các số liệu tính theo USD). Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì và phát huy đà tăng trưởng này trong các năm tới.
Ông dự báo thế nào về triển vọng của thị trường chứng khoán 2021? Liệu còn có thể giữ được mức tăng trưởng mạnh mẽ như 2020?
Trong bối cảnh Chính phủ các quốc gia trên thế giới tích cực bơm tiền để kích thích hồi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch, sự ra đời sớm và thử nghiệm vaccine tại nhiều quốc gia cùng với mức lãi suất thấp, chúng tôi cho rằng chứng khoán vẫn là một trong những kênh đầu tư được ưu tiên và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn. Đồng thời, với dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 6-7% của IMF, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục lạc quan.
Bên cạnh đó, khi môi trường lãi suất ở Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới đang ở mức rất thấp, các quỹ đầu tư ở Mỹ và châu Âu sẽ xem xét đầu tư vào các thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam, để thu được lợi nhuận tốt hơn.
Với những triển vọng tích cực được kỳ vọng trong năm 2021, ông dự đoán dòng tiền sẽ tìm đến nhóm cổ phiếu nào trong năm 2021?
Theo chúng tôi, những ngành bị tác động mạnh nhất do Covid-19 trong năm 2020 như bán lẻ, hàng không, du lịch, dầu khí sẽ phục hổi mạnh trong năm 2021. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đẩy mạnh đầu tư công và hạ tầng để thúc đẩy kinh tế, chúng tôi cho rằng các ngành sắt thép, vật liệu xây dựng phục vụ cho việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản đi cùng với cơ sở hạ tầng cũng sẽ hưởng lợi trong năm 2021.
Nếu phải miêu tả thị trường chứng khoán Việt Nam 2021 ngắn gọn bằng một từ thì ông sẽ dùng từ nào?
Phục hồi.
Từ ngày 1/12/2020, MSCI đã đưa Kuwait lên thị trường mới nổi, qua đó đưa Việt Nam trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index với tỷ trọng khoảng 28%, tăng mạnh so với mức 18% trước đó. Ông dự báo thế nào về kịch bản: Việt Nam đang tiến gần đến thị trường mới nổi và có thể được xem xét nâng hạng trong năm 2021?
Trong các tổ chức xếp hạng như MSCI và FTSE Russel, FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi vài năm và mới nhất FTSE vẫn giữ Việt Nam trong danh sách nâng hạng đây là kết quả tương đối tích cực. Việt Nam sở hữu một số điểm cộng thuận lợi cho việc xem xét nâng hạng trong năm 2021. Đầu tiên, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 giúp tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và tốt hơn.
Thứ hai, hệ thống giao dịch, hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM làm chủ đầu tư dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm sau sẽ cho phép các nhà đầu tư thực hiện được một số nghiệp vụ như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về.
Với những điều kiện hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có phải là đích đến hấp dẫn của các dòng vốn ngoại không, thưa ông?
Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam do lo ngại dịch bệnh bùng phát ở đất nước họ nhưng chúng tôi tin rằng dòng tiền này sẽ sớm quay trở lại Việt Nam khi nền kinh tế hồi phục và GDP sẽ tăng trưởng từ 6-7% như kỳ vọng trong năm 2021.
Thêm vào đó, triển vọng Việt Nam được MSCI tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market 100 Index từ mức 13% hiện tại lên 29% với lộ trình 5 giai đoạn trong 12 tháng sắp tới bắt đầu từ cuối tháng 11/2020 sẽ giúp Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2021. Vì khi được tăng tỷ trọng, dòng tiền sẽ đổ vào thị trường mạnh mẽ để đón đầu. Dòng tiền này sẽ hướng vào nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn còn room ngoại và có tính thanh khoản cao trên thị trường.
Trước thềm năm mới Tân Sửu, món quà mà ông muốn gửi tặng cho các nhà đầu tư là gì?
Tỷ lệ phân bổ tài sản sẽ tùy thuộc vào tình hình tài chính, mục tiêu lợi nhuân, khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư. Tuy nhiên, với nguyên tắc đầu tư "không nên bỏ hết trứng vào một giỏ", chúng tôi cho rằng sự đa dạng hóa danh mục đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau vẫn ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh tiền gửi tiết kiệm thì đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản sẽ là lựa chọn tốt trong năm 2021.
Đối với các nhà đầu tư không chuyên, chúng tôi khuyến nghị nên đầu tư vào các quỹ mở, ETFs cổ phiếu và trái phiếu được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, uy tín vì sẽ có mức độ an toàn cao hơn, giảm thiểu rủi ro.
Hiện nay, VinaCapital cung cấp đầy đủ và đa dạng các sản phẩm đầu tư nêu trên, phù hợp với tất cả các nhà đầu tư, cụ thể như Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF), Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF), Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ sáng VinaCapital (VIBF), Quỹ Đầu tư cổ phiếu Tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF), Quỹ ETF VinaCapital VN100...
Tú Uyên
VNECONOMY
|