Góc nhìn 09/02: Giằng co trong phiên cuối năm?
Theo đánh giá của BSI, VN-Index trong phiên 09/02 có thể sẽ không giảm mạnh như 08/02, mà có khả năng giằng co tại khu vực 1,070-1,080 điểm. KBSV khuyên nhà đầu tư duy trì vị thế trung hạn, trong khi Aseansc cho rằng áp lực bán ra khó kéo dài.
Giằng co
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): VN-Index giảm dần từ đầu phiên sáng 08/02 cho đến cuối phiên chiều và hiện đã dưới ngưỡng 1,100 điểm. Trên thị trường, dòng tiền đầu tư suy giảm khi tất cả các ngành đều mất điểm. Ngoài ra, khối ngoại chuyển sang bán ròng trên sàn HOSE và vẫn mua ròng trên HNX. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực trong phiên 08/02 với thanh khoản gia tăng so với phiên 05/02.
Theo đánh giá của BSI, VN-Index trong phiên 09/02 có thể sẽ không giảm mạnh như 08/02, mà có khả năng giằng co tại khu vực 1,070-1,080 điểm.
Duy trì vị thế trung hạn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index đảo chiều giảm điểm trong phiên 08/02 với nhịp lao dốc mạnh về cuối phiên. Chỉ số có thể tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh trong phiên 09/02, trong kịch bản giảm sâu sẽ về lại vùng hỗ trợ đáng lưu ý tại 1,050-1,060 điểm. Tuy nhiên, KBSV tiếp tục nghiêng về khả năng VN-Index giữ được xu hướng hồi phục tính từ đáy ngắn hạn quanh 1,000 điểm.
KBSV khuyên nhà đầu tư duy trì vị thế trung hạn và có thể gia tăng một phần tỷ trọng ngắn hạn trở lại khi chỉ số về lại vùng hỗ trợ.
Áp lực bán khó kéo dài
CTCK Asean (Aseansc): Phiên 08/02, chỉ số VN-Index giao dịch theo chiều hướng tiêu cực, đóng cửa giảm gần 44 điểm, mức gần thấp nhất trong ngày. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index giảm 43.73 điểm (giảm 3.88%), đóng cửa ở mức 1,083.18 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức gần 700 triệu cổ phiếu (tăng 32%), giá trị gần 16,600 tỷ đồng (tăng 34%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (69 mã tăng/385 mã giảm). Về phía nhà đầu tư nước ngoài, họ bán ròng gần 1,423 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào HPG, VRE, MBB, CTG, VNM, và VHM.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài dạng “Marubozu” với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn 5, 10, và 20 ngày (MA5, 10 và 20), là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế.
Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,070-1,080 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,050-1,060 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,090-1,100 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,110-1,120 điểm.
Những lo ngại về dịch bệnh bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch ngày 08/02. Tuy nhiên, Aseansc cho rằng áp lực bán ra chỉ mang tính chất hiệu ứng và khó kéo dài, nhất là khi dòng tiền bắt đáy đang chờ cổ phiếu giảm về vùng giá hấp dẫn.
Aseansc dự báo trong phiên 09/02, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng hỗ trợ gần 1,070-1,080 điểm, và sâu hơn là vùng hỗ trợ 1,050-1,060 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 70% tiền mặt/30% cổ phiếu.
Thừa Vân
FILI
|