Ngành ngân hàng trong năm 2021 có phần tươi sáng hơn?
Sau kết quả kinh doanh có phần khả quan trong năm 2020, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ khác, hầu hết các chuyên gia đều kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ có một năm tươi sáng hơn trong năm 2021.
Hơn 2/3 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2020, có thể thấy các con số có phần khả quan hơn các dự báo trước đó do ảnh hưởng dịch Covid-19 gây ra. Đi kèm với các dự báo tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021, do đó các chuyên gia kỳ vọng ngành ngân hàng cũng sẽ khả quan theo tăng trưởng kinh tế khi mà dịch bệnh được kiểm soát.
TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết triển vọng trong năm 2021 chắc chắn phải tốt hơn năm 2020. Năm 2020 chúng ta bị Covid và gần như dòng tiền từ du lịch, nước ngoài rất ít, hoạt động từ du lịch và dịch vụ bị hạn chế. Triển vọng của thế giới dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 6-7%, nên kỳ vọng 2021 sẽ tốt hơn. Do vậy, rõ ràng trong năm 2021 tốc độ tăng trưởng phải tốt hơn năm 2020.
Năm 2020, các ngân hàng khá thận trọng trong cho vay bất động sản, tài sản thế chấp cũng như khoản nợ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu năm 2021, bất động sản bị “mắc kẹt” thì nợ xấu tăng, nhưng chúng ta kỳ vọng năm 2021 tình hình bất động sản sẽ không thể nào xấu hơn 2020. Nên nợ xấu cũng không phải là mối đe dọa lớn.
Có 3 yếu tố lớn sẽ ảnh hưởng nền kinh tế, từ đó tác động đến ngành ngân hàng.
Thứ nhất, kinh tế thế giới tiếp tục là một dấu hỏi với dịch Covid-19. Nếu tiếp tục giãn cách, cách ly như năm 2020, thì tình hình kinh tế thế giới sẽ xấu hơn, bởi vì sự chịu đựng ngày càng tăng lên, từ đó tác động đến ngành xuất khẩu của Việt Nam mạnh, ảnh hưởng kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, vấn đề xuất siêu ở Mỹ 50 tỷ USD. Nếu như Mỹ yêu cầu Việt Nam vấn đề về tiền tệ cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng khá mạnh đến dòng tiền của chúng ta.
Thứ ba, bất động sản vẫn đang ở tình trạng dấu hỏi, nếu năm 2021 tính thanh khoản không cao thì sẽ có nhiều nhà đầu tư không chịu đựng được, không trụ được tài chính để giữ được bất động sản, buộc phải bán. Nên có thể xuất hiện kênh khó khăn cho bất động sản, tác động đến ngân hàng.
Những yếu tố tạo thuận lợi cho ngân hàng vẫn tiếp tục
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho rằng những yếu tố tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong năm 2020 vẫn sẽ tiếp tục khi mà các ngân hàng giảm lãi suất huy động cao hơn giảm lãi suất cho vay.
Thứ hai, khi các ngân hàng không chuyển nhóm nợ một cách phù hợp, cũng sẽ tạo ra lợi nhuận ảo.
Nếu tình hình nợ xấu tại các ngân hàng không được cải thiện, tức là tình hình kinh doanh của họ không được cải thiện, càng ngày càng tệ thì khả năng trả nợ của khách hàng cũng trở nên xấu đi. Đặc biệt những món nợ không trả được, đến lúc nào đó sẽ trở thành thiệt hại cho ngân hàng. Vì vậy, tình hình nợ xấu còn tùy thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng và tình hình hồi phục của nền kinh tế. Đặc biệt, những nợ xấu phát sinh trong năm 2020 mà không được chuyển nhóm nợ cũng như không được xử lý thì những ngân hàng này sẽ phải trả giá trong năm 2021.
Thứ ba, nếu điều kiện kiểm soát được dịch bệnh tốt, nền kinh tế Việt Nam có thể đi vào sự hồi phục, do đó nhu cầu tín dụng sẽ tăng, từ đó các ngân hàng có thể có mức tăng trưởng tốt trong năm nay. Tuy nhiên, đều phụ thuộc vào những tháng tới có kiểm soát được dịch bệnh hay không.
Dưới góc nhìn từ CTCK, ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô MBS cho biết, tổng thể toàn ngành ngân hàng sẽ tốt lên, khó có khả năng kém đi được, vì ngân hàng luôn đi kèm với kinh tế vĩ mô, khi kinh tế vĩ mô ổn định tốt thì ngân hàng sẽ tốt hơn.
Nền kinh tế vĩ mô năm nay sẽ phục hồi, chắc chắn ngân hàng sẽ có xu hướng phục hồi về mặt hoạt động kinh doanh, lành mạnh hơn, dễ chịu hơn, áp lực nợ xấu giảm đi.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất hiện nay của hệ thống tương đối dồi dào, áp lực lạm phát, tỷ giá chưa có, cho nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay ít nhất trong 6 tháng đầu năm, thậm chí trong cả năm 2021. Với chính sách tiền tệ thế này, thanh khoản hệ thống rất dồi dào, hệ thống ngân hàng có nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng năm 2021 cao hơn 2020.
Tuy nhiên, vẫn sẽ tồn tại những bất lợi và còn tùy thuộc vào từng ngân hàng. Tùy thuộc vào năm 2020 vừa qua ngân hàng nào chưa trích lập dự phòng nợ xấu đầy đủ, dịch Covid-19 có khả năng tạo ra những nợ xấu tiềm ẩn đó. Khi Thông tư 01 hết hiệu lực, có thể nợ xấu sẽ tăng lên ở một số ngân hàng chưa trích lập đầy đủ về nợ xấu tiềm ẩn này.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn trong năm 2021 khi tình hình dịch bệnh được khống chế, nhưng mà các ngân hàng phải giải quyết các tồn tại cũ, và các doanh nghiệp cũng cần thời gian để phục hồi sau ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trong năm 2020.
Cát Lam
FILI
|