Thu nhập Việt Nam bao giờ đuổi kịp thế giới?
Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam thoát nghèo, người dân có mức thu nhập trung bình (2.800 USD) song mới chỉ bằng 20% ASEAN, 40% toàn cầu; thậm chí để bằng Trung Quốc hiện nay sẽ mất 10 năm, bằng Hàn Quốc thì cần 30 năm…
Cơ sở hạ tầng là một trong những nút thắt của Việt Nam. ẢNH: NGỌC THẮNG
|
GDP/đầu người: 30 năm mới đuổi kịp Hàn Quốc
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo quan trọng với tiêu đề: “Việt Nam 2035: Từ chiến lược đến hành động”, với nội dung chính về Việt Nam năng động, tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao.
Theo WB, ngày nay hầu hết người Việt Nam đều được hưởng những điều kiện sống mà khó có thể tưởng tượng vào 30 năm trước, khi đất nước đang trên bờ vực sụp đổ về kinh tế và xã hội. Công cuộc “đổi mới” bắt đầu vào năm 1986 đã đưa Việt Nam từ nhóm những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một trong những câu chuyện thành công nổi tiếng nhất. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình tăng gấp bốn lần trong giai đoạn 1990 - 2018 và giúp giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói cùng cực, từ 50% xuống còn khoảng 2% trong giai đoạn này.
Mặc dù đã đạt được thành công chưa từng có, hành trình phát triển của Việt Nam vẫn chưa hoàn thành. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam hiện nay (năm 2019 khoảng 2.800 USD) chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu, 20% mức trung bình của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5% mức trung bình của các nền kinh tế có thu nhập cao. Việt Nam sẽ mất khoảng 30 năm để đạt được tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người hiện nay của Hàn Quốc và 10 năm để đạt được như Trung Quốc.
Đặt trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, WB cảnh báo Việt Nam khi những lợi thế dân số trẻ sẽ giảm dần khi tỷ lệ sinh giảm, tự động hóa và công nghệ đột phá loại bỏ chính việc làm hiện nay của phần lớn lao động. Ngoài ra, tình hình ô nhiễm gia tăng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe.
Xuất khẩu vốn là mũi nhọn sẽ dễ bị “cùn đi” trong cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu và xu hướng bảo hộ kinh tế. Đặc biệt đại dịch Covid-19 đã gây ra cơn địa chấn. Dù khủng hoảng y tế tại Việt Nam không nghiêm trọng, nhưng thiệt hại về kinh tế và xã hội rất lớn, GDP dự báo giảm 3 - 5% trong năm 2020”, WB đánh giá.
“Do đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình phát triển nếu muốn đáp ứng khát vọng của người dân và Chính phủ”, tổ chức này đánh giá. Đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường (cơ sở hạ tầng) hay gia tăng số lượng công nhân sẽ không còn nhiều ý nghĩa, thay vào đó theo WB cần tập trung vào chất lượng, chiều sâu hơn là quy mô. Điều đó, tất nhiên phải gắn với năng suất cao và một chiến lược phát triển bền vững.
“Giải phóng rào cản” cho doanh nghiệp tư nhân
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu “gói gọn” đánh giá của WB về khu vực doanh nghiệp (DN) kinh tế tư nhân (chiếm 90%) của Việt Nam chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp.
Khu vực này “đói” vốn, khó tiếp cận ngân hàng, thiếu sân chơi bình đẳng; năng động nhưng chưa sáng tạo. Do đó, theo TS Hiếu, điều cần nhất là phải “giải phóng rào cản” cho DN tư nhân; phân bổ lại nguồn lực một cách bình đẳng, nhưng không dàn trải đối với tất cả mà tập trung vào các DN tư nhân năng động, hiệu quả nhất, từ đó tạo ra các “đầu tàu” và kéo các DN khác làm vệ tinh tham gia vào chuỗi cung ứng, liên kết.
Giải quyết bài toán “đói” vốn khơi thông dòng tín dụng ngân hàng, các công cụ tài chính khác. Ngoài ra, cần phải có chiến lược, kế hoạch bài bản, tổ chức lại nguồn nguyên liệu, thị trường logistics để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy, đặc biệt khi Hiệp định EVFTA như con đường cao tốc đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, chỉ có sáng tạo mới tạo nên sự đột phá, mới có thể rút ngắn thời gian để thu nhập Việt Nam đuổi kịp thế giới. WB khuyến khích sự cạnh tranh, sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho DN gia nhập hay rời khỏi thị trường để đảm bảo nguồn lực sẽ được đưa vào những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định minh bạch và DN được pháp luật bảo vệ.
Ông Vũ Tiến Lộc nhận định: Việt Nam đã có đột phá mới trong môi trường kinh doanh, lập DN nhanh và đơn giản hơn nhưng để DN luẩn quẩn với chi phí “bôi trơn”, không chính thức và sự thiếu minh bạch sẽ giết chết sự sáng tạo các đối tượng này. Thống kê cho thấy có tới trên 50% số DN phản ánh phải trả các chi phí không chính thức. Quốc hội và Chính phủ nên khẩn trương rà soát, xóa bỏ những chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật để khuyến khích, bảo vệ những người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Sáng tạo khác biệt
30 năm đổi mới, Việt Nam chưa có bất cứ sản phẩm hay DN nào mang tầm thế giới. Đó là thực tế rất đáng buồn “đánh” vào lòng tự trọng của bất cứ người dân yêu nước nào.
Có nhiều lý do, tuy nhiên, theo các chuyên gia nếu nhìn từ phía DN, rõ ràng còn thiếu đi một ngọn lửa của tinh thần dân tộc, đam mê, khát vọng nung nấu ý chí và ý tưởng sáng tạo khác biệt, lập dị. Tất nhiên, điều đó chưa bàn đến cơ chế, chính sách để nuôi dưỡng nó. Chỉ ý tưởng lớn theo các chuyên gia mới tạo nên những thương hiệu toàn cầu như Google, Microsoft, Apple của Mỹ.
Hay kể cả sự điên rồ như Elon Musk - tỉ phú vốn bị người đời chế giễu, gièm pha trước khi phóng tên lửa đẩy Facon 9 ngày 30.5 vào vũ trụ và trước đó ông cũng khiến cả thế giới kinh ngạc với xe hơi điện Tesla.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng cho rằng cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, thế giới được biết đến một thế hệ doanh nhân mới tạo ra đột phá về công nghệ đó là Mark Zuckerberg với Facebook và đương nhiên có cả Elon Musk với nhiều ý tưởng điên rồ về xe hơi điện và đưa người lên sinh sống ở sao Hỏa với SpaceX.
“Cơ hội lớn nhất sẽ dành cho những người sáng tạo nhất, không chấp nhận phương thức cũ, vượt lên trên lối mòn tư duy để tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, không chỉ thúc đẩy DN mà tạo động lực đưa cả đất nước tiến lên không ngừng”, Chủ tịch FPT đánh giá về “tỉ phú điên” Elon Musk.
|
Anh Vũ
Thanh Niên
|