Thứ Sáu, 05/06/2020 13:30

‘Tiền trực thăng’ và góc nhìn từ gói hỗ trợ 62,000 tỷ đồng

Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nghiêm trọng hơn tất cả các cuộc khủng hoảng trước đây nếu Vaccine chưa sớm được tìm ra. “Tiền trực thăng” là một trong những giải pháp đang được các nhà kinh tế học nhắc đến để dần phục hồi nền kinh tế trong và sau dịch.

Khái niệm "tiền trực thăng(Helicopter Money) đã được các nhà kinh tế học đưa ra và áp dụng từ rất lâu nhưng gần đây lại được một số quốc gia nhắc đến trong cuộc họp bàn tìm cách khôi phục kinh tế sau khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.

Mặc dù nhà kinh tế học Milton Friedman là người đầu tiên đưa ra ý tưởng tiền trực thăng vào năm 1969, nhưng cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke mới là người đưa khái niệm này trở nên nổi tiếng. Khi còn đương nhiệm, vào năm 2002, Ben Bernanke đã từng nhắc đến khái niệm “tiền trực thăng” khi tranh luận về việc ngân hàng Trung ương (NHTW) có thể thúc đẩy tăng lạm phát bất cứ khi nào họ muốn. Tuy trong cuộc khủng hoảng khi còn đương nhiệm, ông chưa dùng đến tiền trực thăng, nhưng vào tháng 04/2016, trên blog cá nhân của mình, Ben Bernanke tiếp tục nói rằng tiền trực thăng là công cụ tốt nhất mà các NHTW có thể sử dụng trong một số trường hợp khẩn cấp.

Thực chất “tiền trực thăng” được xem là một công cụ chính sách tiền tệ phi truyền thống, nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, kích thích người dân chi tiêu. Cũng không ngoa khi Milton Friedman sử dụng hình ảnh chiếc trực thăng rải tiền để miêu tả hành động "đổ tiền một cách bất ngờ vào nền kinh tế đang gặp khó khăn với mục đích vực nó dậy khỏi cú trượt dốc". Theo chính sách này, một ngân hàng trung ương sẽ "trực tiếp tăng nguồn cung tiền và thông qua Chính phủ, phân phối tiền mới đến công dân với mục tiêu thúc đẩy cầu chi tiêu và lạm phát".

Hồi đầu tháng 4, tổ chức phi chính phủ Positive Money Europe ở Brussels (Bỉ) đã phát hành ấn phẩm với tiêu đề "Tiền trực thăng là câu trả lời cho suy thoái do Covid-19 trong khu vực đồng Euro". Ấn phẩm này chứng minh rằng phát trực tiếp tiền cho dân để kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch mà vẫn hạn chế gánh nặng nợ công. Và “tiền trực thăng” là giải pháp để khắc phục khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Giám đốc điều hành Stanislas Jourdan - tác giả ấn phẩm trên cho rằng: “Các biện pháp mà Ngân hàng Trung ương châu Âu thực hiện như chi gần 900 tỷ Euro mua lại nợ của nhà nước và doanh nghiệp là hoàn toàn cần thiết nhưng chỉ nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế chứ không phải giai đoạn phục hồi".

Ông cũng tính toán các biện pháp giảm lãi suất cơ bản và mua lại tài sản được thực hiện trong 3 năm qua chỉ tác động đến 0.2% mức lạm phát. Trong khi đó, ước tính nếu hỗ trợ 1,000 Euro cho mỗi công dân của khu vực đồng Euro thì sẽ kích thích tăng ngay 1.2% GDP, chưa kể tiền thuế tăng.

Trong khi đó, Thủ hiến bang Telangana của Ấn Độ đề xuất lấy 5% nguồn quỹ từ GDP thông qua nới lỏng định lượng (QE) để chống trả đợt khủng hoảng kinh tế này. Ông cho rằng RBI (Ngân hàng dự trữ Ấn Độ) nên triển khai chính sách nới lỏng định lượng, được gọi là “tiền trực thăng”, nhằm giúp tạo điều kiện cho Nhà nước và các viện kinh tế tích lũy vốn để bước ra khỏi khủng hoảng tài chính.

“Tiền trực thăng” và gói nới lỏng định lượng (Quantitative Easing - QE) mục đích cùng là để kích thích kinh tế nhưng về cơ bản là khác nhau.

PGS.TS Trương Quang Thông – Trưởng Bộ môn Ngân hàng Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, hiểu một cách đơn giản, nới lỏng định lượng (QE) liên quan đến việc sử dụng tiền từ các NHTW để mua trái phiếu Chính phủ. QE đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng trong khủng hoảng năm 2008. QE làm gia tăng nợ công và lạm phát các tài sản tài chính. Sự khác biệt ít nhiều đã thể hiện qua những lợi ích kỳ vọng của “tiền trực thăng”.

Cái lợi nhãn tiền của “tiền trực thăng” là hỗ trợ tiền trực tiếp đến người dân, với mục đích là kích thích tiêu dùng và thông qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đương nhiên, chúng ta cũng cần giả định rằng đa số dân chúng có nhu cầu và nhanh chóng sử dụng những khoản cứu trợ đó. Kế đến, theo khuôn khổ các quốc gia đã áp dụng, “tiền trực thăng” có thể được cung ứng thông qua tài trợ tiền tệ (monetary financing), có thể hạn chế lạm phát.

Cái hại của “tiền trực thăng” là vô tình tạo cho người ta cảm giác mất lòng tin vào giá trị đồng tiền. Bên cạnh đó, tính độc lập của các NHTW, dù chỉ mang tính hình thức tại một số quốc gia, sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Nó cũng có thể làm gia tăng nợ công, áp lực tiềm ẩn cho việc gia tăng thuế trong tương lai.

Hơn nữa, chúng ta vẫn chưa có đủ cơ sở ước tính là bao nhiêu phần trăm dân cư sẽ tích cực sử dụng, tiêu tiền kích thích kinh tế như theo kỳ vọng.

Ở Việt Nam, hiện nay Chính phủ đã có gói hỗ trợ 62,000 tỷ đồng dành cho người dân gặp khó khăn do Covid-19. Nó có vẻ gì đó giống như ‘tiền trực thăng’. Tuy nhiên, nhìn kỹ thì bản chất và cách thức thực hiện thì khác. Vả lại, theo tôi, năng lực tài chính quốc gia của Việt Nam, hiểu theo nghĩa rộng, hiện nay chưa đủ sức cho việc thiết kế và thực thi các chính sách dạng này”, PGS.TS Trương Quang Thông chia sẻ thêm.

Bàn thêm về gói hỗ trợ 62,000 tỷ đồng từ ngân quỹ quốc gia , TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho rằng “Nếu gọi là tiền trực thăng cũng đúng. Nhưng với số tiền hỗ trợ trực tiếp cho người mất việc làm 1.8 triệu đồng/tháng trong khi số người thất nghiệp và giảm thu nhập gặp khó khăn đang tăng lên rất nhiều. Do vậy, cần phải có gói hỗ trợ lớn hơn nhiều để hỗ trợ cho người lao động”.

TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế nhận định đưa tiền trực tiếp cho người nghèo thông qua phường, xã trong danh sách duyệt, dưới góc độ an sinh xã hội giúp  cho người nghèo bớt khó khăn trong dịch Covid-19, nhưng dưới góc độ kinh tế, chính nguồn tiền đó đưa vào lưu thông bằng tiêu dùng, giúp doanh nghiệp có thể bán được hàng, lại tiếp tục giữ được việc làm cho người dân… Như vậy, đây cũng được xem như là nguồn vốn trực tiếp kích thích kinh tế chứ không chỉ là an sinh xã hội. Đây cũng tương đương là tiền trực thăng ở nước ngoài.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   World Bank: Kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba đường (27/05/2020)

>   Khuyến nghị chính sách giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng chất lượng (27/05/2020)

>   Sau ánh chớp không phải niềm nuối tiếc (26/05/2020)

>   Kích thích đúng thời điểm, liều lượng và đối tượng (25/05/2020)

>   Sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để 'đón đại bàng về làm tổ' (22/05/2020)

>   S&P duy trì triển vọng tín nhiệm Việt Nam ở mức ổn định (22/05/2020)

>   Thủ tướng: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế (20/05/2020)

>   Hôm nay, khai mạc Kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV (20/05/2020)

>   ‘Kinh tế Việt Nam đang ở vùng chạm đáy’ (19/05/2020)

>   Đầu tư công – một trong 5 mũi đột phá tăng trưởng (19/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật