Thứ Ba, 26/05/2020 09:36

Sau ánh chớp không phải niềm nuối tiếc

Kể cả thời khắc khó khăn nhất, cảm nhận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về “cơ đồ đất nước chưa bao giờ có được như ngày nay” vẫn luôn đúng. Như trong đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy Tổ quốc đón thời cơ mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Nhưng sau ánh chớp thời cơ rực sáng, có thể chỉ còn lại niềm nuối tiếc nếu như cả bộ máy không gắng sức bằng tất cả tâm huyết, nhất là vào lúc này, bắt đầu nhuốm màu “hoàng hôn” nhiệm kỳ.

Thủ tướng Chính phủ nói, “chúng ta thắng con virus vô hình tên là COVID-19, không có lý do gì để thua con virut hữu hình tên là trì trệ”.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có một Tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI vào Việt Nam. Đây đã là lần thứ hai ông đưa ra yêu cầu như vậy. Năm ngoái, Thủ tướng cũng đã yêu cầu có Tổ công tác đặc biệt.

Lúc đó, cả nền kinh tế háo hức chờ  đón dòng FDI có chất lượng, đặc biệt là dự án của các tập đoàn công nghệ cao đến từ EU và các nền kinh tế lớn khác ồ ạt chảy vào Việt Nam khi xảy ra thương chiến Mỹ - Trung.

Trong các cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc nhở các Bộ, ngành tập trung triển khai nhiệm vụ này. Ông nhấn mạnh, “phải nóng lòng, phải biết sốt ruột để đề ra những giải pháp, cách làm sáng tạo tận dụng cơ hội phát triển đất nước”.

Nhưng chưa có điều “đặc biệt”nào đến. Thời gian thấm thoát trôi, làn sóng này không xuất hiện như kỳ vọng. “Các tập đoàn công nghệ cao đến Việt Nam hay các nước xung quanh? Rất ít tập đoàn vào Việt Nam”, Thủ tướng buồn rầu, “chúng ta muốn thu hút họ đến đầu tư, nhưng lại không muốn thực sự làm gì, chỉ ngồi chờ sung rụng”.

Nửa đầu năm 2020, Việt Nam nổi bật trên toàn cầu về thành công trong chống đại dịch COVID-19. Cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư ngoại lại xuất hiện và còn rộn ràng hơn gấp bội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tự tin, hiện nay uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt là sự tin cậy chiến lược, điểm đến đầu tư an toàn.

Thủ tướng yêu cầu lần này không thể  để cơ hội vuột mất. Dù trải qua không ít lần thất vọng khi những chỉ đạo của mình chưa được cấp dưới thực thi tốt, Người đứng đầu Chính phủ vẫn luôn có niềm tin mỗi thành viên trong bộ máy Chính phủ  đều rất gắng sức; bởi nếu không gắng sức, làm sao vượt qua được những khó khăn, thách thức.

Còn nhớ những ngày làm việc sau cùng của Quốc hội khóa 13, tháng 3 năm 2016, cả Nghị trường như  “nín thở” khi đi tìm câu trả lời cho Chính phủ về nguồn lực ở đâu cho tăng trưởng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gióng lên một hồi chuông cảnh báo về thực trạng khánh kiệt với nhận xét, “tình hình ngân sách rất xấu. Nhiệm kỳ 2016 - 2020 hầu như không còn đồng nào cho phát triển”.

Minh họa cho nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu, cân đối ngân sách nhà nước đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao, phải sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm 2016 mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Không ít đại biểu Quốc hội lo lắng cho tương lai nền kinh tế những năm tới, oằn lưng trầy trật trả nợ, mơ gì cất cánh. Các tổ chức quốc tế cũng không biết Việt Nam sẽ lấy nguồn lực ở đâu để tăng trưởng.

Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam diễn ra cuối năm 2015, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, đã hỏi Thủ tướng Việt Nam về điều này.

Tháng 4 năm 2016, Chính phủ có Thủ tướng mới, đi cùng với đó là sự thay đổi vị trí của 22/27 thành viên Chính phủ. Chính phủ mới lại gặp ngay phải sự cố ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Cùng với đó, hạn hán miền Tây cũng trở nên khốc liệt chưa từng có trong vòng 100 năm qua; thiên tai bão lụt thì chen chân đến…

Trong bối cảnh như vậy, một câu trả lời giản dị về nguồn lực ở đâu cho tăng trưởng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là, bộ máy Chính phủ phải trong sạch và làm việc không ngừng nghỉ, bởi “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Với các bước đi rất cụ thể, sâu sát, không đao to búa lớn, Chính phủ mới bắt tay thực hiện công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế theo cách “tích tiểu thành đại”, “góp gió thành bão”, tạo chuyển biến từ việc nhỏ để làm nên sức bật đổi mới mạnh mẽ.

Thủ tướng Chính phủ ra thông điệp, “Chính phủ kiên quyết chống bệnh hình thức, phô trương, nói không đi đôi với làm; không để tình trạng trì trệ trong bộ máy hành chính. Toàn tâm toàn ý vì đất nước, vì nhân dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các cuộc tiếp xúc cử tri năm 2016 đều nhắn nhủ người dân, “hãy có niềm tin, vì Chính phủ đã quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, vì dân”.

Tình hình “rất xấu” của ngân sách nhà nước bắt đầu được cải thiện. Sau 10 năm liên tục “xé rào”, năm 2017, Chính phủ cầm cương được bội chi theo đúng mục tiêu đề ra.

Năm 2018, lần đầu tiên sau 13 năm, chênh lệch thu chi ngân sách nhà nước trong năm này dương 400 tỷ đồng.  Sang năm 2019, tháng nào ngân sách nhà nước cũng có thặng dư, thu nhiều hơn chi lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, mở ra thời kỳ bội thu cho ngân sách nhà nước.

Vừa dư dả một chút thì đại dịch ập đến. Mấy năm tần tảo nâng niu từng đồng “năng nhặt chặt bị”, siết chặt kỷ cương “túi tiền” quốc gia và soi cắt triệt để từng khoản chi không cần thiết, nhưng Chính phủ không tiếc bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân.

Và nhân gian thường có câu, “xởi lởi trời cho”. Một Chính phủ “hào phóng” đối đãi với dân bằng đủ đầy yêu thương, trách nhiệm luôn là một Chính phủ được Trời cho cơ hội phát triển. Trong quãng thời gian ngặt nghèo vừa đi qua, năm nào cũng có những điều may mắn đến.

Chẳng hạn, năm 2018, những kết quả toàn diện đạt được của nền kinh tế năm này có sự góp mặt quan trọng của yếu tố may mắn là thiên tai ít khắc nghiệt hơn. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2018 là khoảng 20 nghìn tỷ đồng, trong khi con số này của năm 2017 gấp 3 năm 2018.

Năm 2019 sự may mắn tăng lên gấp đôi khi thiệt hại do thiên tai giảm ở mức kỷ lục, chỉ bằng 1/3 của năm 2018, cùng với đó, tháng 2/2019, Việt Nam bất ngờ được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Sức hấp dẫn của Việt Nam nhân lên gấp nhiều lần khi hình ảnh Tổng thống của cường quốc số 1 thế giới tươi cười nắm chặt tay những người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam xuất hiện trên hàng loạt các hãng truyền thông thế giới. Ông Donald Trump còn không tiếc lời ngợi ca “sự phát triển rất ấn tượng của Việt Nam”. Theo đó, toàn cầu vang lên hai tiếng Việt Nam với tần suất dầy đặc.

Năm 2020 bắt đầu với đại dịch, thế giới lại biết đến Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất, có được chiến thắng sớm nhất, tổn thất ít nhất trước dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau ánh chớp không phải niềm nuối tiếc khi từng người trong cả bộ máy chính trị, dù ở vị trí nào, thời điểm nào cũng một lòng dốc sức cho vận nước đi lên.

Làm việc quần quật ở lĩnh vực gai góc nhất trong Chính phủ là cắt giảm thủ tục hành chính; dịch vụ công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng “tiết lộ” lý do khiến bản thân luôn thôi thúc.

Đó là, “đừng để đến lúc nghỉ hưu trở về quê, láng giềng gặp chỉ hỏi ông làm được mấy nhiệm kỳ mà tránh hỏi ông đã làm được gì cho đất nước vì ái ngại ông sẽ không biết trả lời sao”.

Lê Châu

Báo Chính phủ

Các tin tức khác

>   Kích thích đúng thời điểm, liều lượng và đối tượng (25/05/2020)

>   Sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để 'đón đại bàng về làm tổ' (22/05/2020)

>   S&P duy trì triển vọng tín nhiệm Việt Nam ở mức ổn định (22/05/2020)

>   Thủ tướng: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế (20/05/2020)

>   Hôm nay, khai mạc Kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV (20/05/2020)

>   ‘Kinh tế Việt Nam đang ở vùng chạm đáy’ (19/05/2020)

>   Đầu tư công – một trong 5 mũi đột phá tăng trưởng (19/05/2020)

>   GDP quý 2/2020 có thể tăng trưởng âm (18/05/2020)

>   Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Lợi ích nhóm, tham nhũng là giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm' (18/05/2020)

>   Chủ tịch Quốc hội: 'T.Ư chưa bật đèn xanh để điều chỉnh tăng trưởng kinh tế' (15/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật