GDP quý 2/2020 có thể tăng trưởng âm
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô phát hành ngày 18/05/2020, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) chỉ ra ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp tiếp tục suy giảm trong tháng 4 và việc giá dầu giảm giúp kiềm chế lạm phát xảy ra. Lo ngại xu hướng suy giảm tiếp diễn trong lĩnh vực tiêu dùng và xuất khẩu, VND dự báo GDP có khả năng giảm 0.6% so cùng kỳ và hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm xuống mức 4.5%.
GDP có khả năng tăng trưởng âm trong quý 2/2020
VND chỉ ra sự thu hẹp đáng kể trong các ngành dịch vụ và công nghiệp trong tháng 4 khi Chính phủ quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên cả nước trong ba tuần đầu tháng 4 để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng của dịch COVID-19. Cụ thể, lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 4 giảm mạnh 98.2% so cùng kỳ năm 2019 sau khi chính phủ tạm dừng cấp thị thực mới cho khách du lịch nước ngoài kể từ ngày 18 tháng 3. Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng 4/2020 giảm mạnh tới 97.5% so cùng kỳ năm trước. Doanh số bán lẻ, và doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống cũng giảm lần lượt 15.3% và 64.7% so cùng kỳ năm 2019, dựa trên dữ liệu của GSO.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (số liệu do IHS Markit công bố) thiết lập mức thấp kỷ lục mới trong tháng 4/2020, chỉ đạt 32.7 điểm trong bối cảnh nhu cầu suy yếu (cả ở thị trường trong nước và nước ngoài) cũng như tác động tiêu cực từ sự gián đoạn tạm thời của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam (IIP) trong tháng 4/2020 cũng sụt giảm 10.5% so cùng kỳ và chứng kiến sự suy giảm ở hầu hết các ngành, đặc biệt là ngành sản xuất xe có động cơ (-44.2% so cùng kỳ), sản xuất trang phục (-17.6% so cùng kỳ), sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-10.4% so cùng kỳ) trong khi chỉ có ngành sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu (+29.3% so cùng kỳ) và ngành sản xuất hóa chất (+8% so cùng kỳ) là tăng trưởng đáng kể.
Mặc dù Chính phủ đã quyết định dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội từ ngày 23 tháng 4, VND cho rằng các hoạt động kinh tế cần nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn, đặc biệt là các ngành du lịch, giải trí và công nghiệp chế biến chế tạo. Do vậy, Công ty chứng khoán (CTCK) này ước tính tăng trưởng GDP quý 2 năm 2020 suy giảm 0.6% so cùng kỳ năm 2019 và hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 xuống còn 4.5%.
Dự báo tăng trưởng GDP sẽ phục hồi nhanh trong nửa sau năm 2020 với GDP quý 3 và quý 4 tăng lần lượt là 6.0% và 7.4% so cùng kỳ năm 2019 nhờ sự phục hồi của các ngành du lịch và công nghiệp khi nhu cầu trong nước dần hồi phục sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, đồng thời hoạt động đầu tư công dự kiến tăng tốc kể từ quý 3 năm 2020 cũng sẽ thúc đẩy tổng đầu tư của toàn xã hội (bao gồm cả đầu tư của khối tư nhân) từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo trong năm 2020
VND nhận thấy những tín hiệu tích cực về giải ngân đầu tư công trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng khác như tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đang trên đà suy giảm. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 đạt 83.7 ngàn tỷ đồng, tăng 12.9% so cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 4.0% của cùng kỳ 2019) và hoàn thành 17.8% kế hoạch cả năm nay (thấp hơn mức 18% của cùng kỳ 2019; cần nhấn mạnh rằng kế hoạch năm 2020 cao hơn 14% kế hoạch năm 2019).
Đặc biệt, giải ngân đầu tư công vào tháng 4/2020 vẫn tăng 0.8% so cùng kỳ năm trước trong bối cảnh giãn cách xã hội và Chính phủ tập trung nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Sau khi gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội kể từ ngày 23/04, VND cho rằng Chính phủ sẽ đẩy nhanh hơn nữa đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngày 06/04, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tháo gỡ các khó khăn hiện nay trong hoạt động đầu tư công, đồng thời tăng chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm ngăn chặn sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) cũng yêu cầu các địa phương có cao tốc Bắc - Nam đi qua phải tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ và hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng trong Quý 2/2020.
Hiện nay, toàn dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 454km trong tổng số 654km, đạt 69%. Trong khi đó dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã giải phóng 99% diện tích khu tái định cư. Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo tỉnh phải giải ngân toàn bộ 17,000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020, nhằm đưa dự án vào khởi công vào năm 2021. Ngày 07/04, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Thủ tướng giao các Bộ liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
|
Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 118.7 ngàn tỷ đồng, sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công. Tương tự, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và được áp dụng với cơ chế tương tự như các dự án tại cao tốc Bắc - Nam. Với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, Chính phủ muốn đưa các dự án trên khởi công ngay trong quý 3/2020, thay vì quý 1/2021 như VND dự báo trước đây.
Giá dầu giảm góp phần kiềm chế lạm phát
Giá dầu giảm mạnh trong tháng 4 do nhu cầu suy giảm trong đại dịch COVID-19 khiến tình trạng dư cung càng trầm trọng. Giá xăng trong nước tháng 4/2020 (trong kỳ đánh giá chỉ số giá tiêu dùng tính từ ngày 21 tháng 3 đến ngày 20 tháng 4) giảm mạnh 29% so tháng trước, đã khiến chỉ số giá vận tải trong kỳ giảm mạnh 13.9% so tháng trước và 19.6% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2020 tăng 2.9% so cùng kỳ 2019 (giảm mạnh so mức tăng 4.9% của tháng 3/2020), nhờ chỉ số giá vận tải giảm, đã làm giảm 2.0 điểm phần trăm của chỉ số chung.
VND cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục duy trì mức thấp đến quý 3/2020 do nhiều nước vẫn tiếp tục thực hiện chính sách giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm hóa dầu. Chính phủ đã tiến hành những biện pháp kiềm chế lạm phát mạnh mẽ, bao gồm yêu cầu các nhà cung ứng thịt lợn lớn trong nước phải tiến tới hạ giá bán thịt lợn hơi xuống mức 60,000 đồng/kg, đồng thời tăng hạn ngạch nhập khẩu thịt lợn để gia tăng nguồn cung thịt lợn trong nước.
Với các biện pháp kể trên, VND kỳ vọng giá thịt lợn hơi có thể dần trở về mức 65,000 đồng/kg vào cuối năm nay, từ mức giá hiện tại là khoảng 80,000-85,000 đồng/kg. Bên cạnh đó, Chính phủ đã yêu cầu giảm 10% hóa đơn tiền điện trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 7 tới nhằm kiềm chế lạm phát. VND cho rằng Chính phủ sẽ kiểm soát thành công lạm phát năm nay và giữ nguyên dự phóng lạm phát bình quân năm 2020 ở mức 3.2%.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế
Ngân hàng Nhà nước (SBV) tiếp tục hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt. Sau đợt cắt giảm lãi suất điều hành trong tháng 3/2020, SBV tiếp tục thông báo cắt giảm một loạt lãi suất điều hành kể từ ngày 13/05/2020 nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi hậu COVID-19.
Cụ thể, SBV quyết định hạ lãi suất tái cấp vốn xuống 4.5%/năm từ mức 5.0%/năm trước đó, đồng thời hạ lãi suất tái chiết khấu về mức 3.0% từ mức 3.5% trước đó. Hành động của SBV nằm trong chuỗi cắt giảm lãi suất điều hành của các NHTW trên toàn cầu nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. VND cho rằng, SBV có thể tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm khoảng 0.25-0.5% vào nửa cuối năm 2020 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh từ cuối quý 3/2020.
Duy Na
FILI
|