Thứ Sáu, 22/05/2020 15:38

S&P duy trì triển vọng tín nhiệm Việt Nam ở mức ổn định

Ngày 21/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) thông báo tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, và triển vọng Ổn định.

Theo Bộ Tài chính, việc tổ chức xếp hạng này duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB phản ánh tiềm năng phục hồi của nền kinh tế trong nước sau khoảng thời gian giảm tốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020.

Phía S&P cũng cho biết, tổ chức này đã cân nhắc tới thách thức tiềm tàng đối với lĩnh vực tài khóa và ngân hàng trong trường hợp tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng vững chắc của Việt Nam trong những năm qua sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì định mức tín nhiệm quốc gia.

Với triển vọng tín nhiệm, tổ chức xếp hạng này duy trì Việt Nam ở mức Ổn định.

"Điều này thể hiện nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và cân bằng khi đại dịch toàn cầu được kiểm soát, với khu vực xuất khẩu và tổng cầu nội địa là động lực tăng trưởng chính giúp dự báo tăng trưởng của Việt Nam cao hơn hẳn mức bình quân của các quốc gia đồng hạng tín nhiệm", Bộ Tài chính cho biết.

Việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong nước là lý do giúp khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam được đánh giá cao. Ảnh: Việt Linh.

Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã đưa ra những minh chứng về khả năng thích ứng của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài việc phòng chống dịch hiệu quả trong nước, Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với các quốc gia, tổ chức quốc tế.

S&P dự báo, trong kịch bản đại dịch trên toàn cầu được cơ bản kiểm soát vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 và từ năm 2022 sẽ tiến gần tốc độ đã xác lập trong dài hạn từ 6% đến 7%/năm.

Trên thế giới, tính từ đầu tháng 4 đến nay, S&P đã điều chỉnh đánh giá tín nhiệm tiêu cực đối với 32 quốc gia, trong đó 10 quốc gia bị hạ bậc và 22 quốc gia bị hạ triển vọng.

Trong báo cáo dự báo kinh tế thế giới năm nay, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm 3%; kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 6,1%; khu vực đồng Euro âm 7,5%; Nhật Bản âm 5,2%; Singapore âm 3,5%; Thái Lan âm 6,7%.

Với các nước ASEAN, tổ chức này dự báo các mức tăng trưởng sẽ là từ âm 6,7% đến âm 1,7%. Các nền kinh tế Singapore, Malaysia và Campuchia dự báo sẽ giảm lần lượt là 3,5%, 1,7% và 1,6%.

Trong khi đó, Việt Nam sẽ nổi lên là nền kinh tế tốt nhất của khu vực với dự báo tăng trưởng 2,7% và dự kiến sẽ phục hồi lên 7% vào năm 2021. Tiếp theo là Myanmar tăng trưởng 1,8% và Indonesia tăng 0,5%.

Còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam ở mức 4,9%; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng 4,8%.

Quang Thắng

ZING

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế (20/05/2020)

>   Hôm nay, khai mạc Kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV (20/05/2020)

>   ‘Kinh tế Việt Nam đang ở vùng chạm đáy’ (19/05/2020)

>   Đầu tư công – một trong 5 mũi đột phá tăng trưởng (19/05/2020)

>   GDP quý 2/2020 có thể tăng trưởng âm (18/05/2020)

>   Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Lợi ích nhóm, tham nhũng là giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm' (18/05/2020)

>   Chủ tịch Quốc hội: 'T.Ư chưa bật đèn xanh để điều chỉnh tăng trưởng kinh tế' (15/05/2020)

>   Các kịch bản tăng trưởng của Việt Nam (15/05/2020)

>   Việt Nam bàn với 5 cường quốc về kinh tế hậu Covid-19 (14/05/2020)

>   Mirae Asset: Không còn nhiều dư địa cắt giảm lãi suất điều hành (14/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật