IEA: 2020 là năm nhu cầu dầu giảm mạnh nhất trong lịch sử
Ngày 16/06, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo năm 2020 sẽ là năm nhu cầu giảm mạnh nhất trong lịch sử, nhưng cũng tin rằng có những dấu hiệu thị trường có thể “vững chãi hơn” trong vài tháng tới.
Hợp đồng dầu Brent tương lai tăng gần 2% lên mức 40.51 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai ở mức 37.72 USD/thùng, tăng 1.6%.
Cho tới nay, giá dầu đã giảm khoảng 40% trong năm 2020, khi các biện pháp phong tỏa tạo ra cú sốc về nhu cầu trên thị trường năng lượng.
IEA cho biết nhu cầu dầu trong quý 2/2020 – vốn là giai đoạn bị tác động mạnh nhất vì các biện pháp phong tỏa – thấp hơn 17.8 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm nhu cầu yếu hơn so với dự báo của IEA, nhưng vẫn là mức chưa từng có tiền lệ.
Trong báo cáo thị trường dầu, IEA cho biết nhu cầu được dự báo giảm 8.1 triệu thùng/ngày trong năm 2020, trước khi tăng 5.7 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Nếu mọi thứ diễn ra đúng như IEA dự báo thì đà giảm nhu cầu dầu trong năm 2020 sẽ là mạnh nhất trong lịch sử và phần dự báo nhu cầu tăng trong năm 2021 cũng là mạnh nhất từ trước đến nay “khi các hoạt động bắt đầu trở về trạng thái bình thường”.
Trong khi đó, dự báo về nhu cầu dầu năm 2020 của IEA là 91.7 triệu thùng/ngày, cao hơn 500,000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng 5/2020.
“Cho tới nay, các sáng kiến từ thỏa thuận của OPEC+ và cuộc họp giữa các bộ trưởng năng lượng G20 đã đóng góp lớn cho việc phục hồi sự ổn định cho thị trường”, IEA cho biết. “Nếu xu hướng sản xuất gần đây được duy trì và nhu cầu phục hồi, thị trường sẽ vững chãi hơn vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá thấp sự bất ông to lớn hiện tại”.
Lo ngại kéo dài
OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài – còn được gọi là OPEC+ – đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm 9.7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 7/2020.
Là một phần của thỏa thuận, các thành viên chính của liên minh OPEC+ khăng khăng cho rằng những ai không tuân thủ đúng theo thỏa thuận trước đó sẽ phải đền bù trong vài tuần tới.
Trên chương trình “Street Signs Europe” vào ngày thứ Ba (16/06), Tổng Giám đốc IEA, Fatih Birol cho biết đà phục hồi khiêm tốn trên thị trường dầu đến từ 3 yếu tố: Trung Quốc gỡ lệnh phong tỏa; mức tuân thủ cao theo thỏa thuận của các thành viên OPEC+; và sự suy giảm sản lượng tại Mỹ, Canada và các quốc gia khác trong G20.
“Tất cả 3 yếu tố này thể hiện rằng đà phục hồi dần dần trên thị trường dầu sẽ tiếp tục”, ông nói thêm.
Ngành hàng không
Một ngành được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu cho đến năm 2021 là ngành hàng không.
IEA cho biết, năm 2021, lượng tiêu thụ dầu sẽ thấp hơn 2.4 triệu thùng/ngày so với mức 2019, “phần lớn là vì sự suy giảm về nhu cầu nhiên liệu máy bay và dầu hỏa”.
Điều này là do ngành hàng không “đang đối mặt với khủng hoảng”, IEA nói thêm. Đồng thời, tổ chức này lưu ý nhu cầu nhiên liệu máy bay và dầu hỏa vẫn sẽ chịu nhiều áp lực cho đến sau năm 2020.
Dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) – hiệp hội đại diện cho 290 hãng hàng không và 82% lượng lưu thông hàng không toàn cầu – cho thấy lưu lượng hành khách vẫn sẽ thấp hơn gần 55% so với năm 2019.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|