Dầu quay đầu tăng hơn 2% khi sản lượng toàn cầu giảm
Các hợp đồng dầu thô tương lai xóa sạch đà giảm trước đó để tăng mạnh vào cuối phiên ngày thứ Hai (15/06), chủ yếu nhờ vào sự sụt giảm sản lượng dầu thô toàn cầu ngay cả khi khả năng nhu cầu năng lượng chịu ảnh hưởng mới ngày càng tăng sau sự nhảy vọt số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tiến 86 xu (tương đương 2.4%) lên 37.12 USD/thùng sau khi dao động tại mức thấp 34.36 USD/thùng trong phiên.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn cộng 99 xu (tương đương 2.6%) lên 39.72 USD/thùng. Hợp đồng này đã đảo chiều khởi sắc sau khi rớt xuống mức thấp 37.24 USD/thùng trong phiên.
Tuần trước, cả hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong 7 tuần.
Giá dầu suy yếu trước đó sau lời cảnh báo từ tập đoàn dầu mỏ khổng lồ BP PLC, rằng đại dịch Covid-19 sẽ có tác động đến kinh tế lâu dài, làm tổn hại đến nhu cầu dầu và gây sức ép lên giá năng lượng. Tập đoàn này cũng ước tính giá trị tài sản giảm tới 17.5 tỷ USD, lưu ý rằng cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng có thể buộc phải bỏ phế một số cơ sở sản xuất năng lượng.
Trung Quốc đã đóng cửa một khu chợ sản xuất ở Bắc Kinh sau một loạt ca nhiễm mới Covid-19, trong khi các bang tại Mỹ, bao gồm Florida, California, và Arizona, cũng đang nhận thấy tình trạng lây nhiễm gia tăng, làm dấy lên nghi ngờ mới về việc tái mở cửa và con đường phục hồi từ những quốc gia đang đối mặt với suy thoái kinh tế do những nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong một báo cáo hàng ngày, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, cho biết “còn quá sớm để dự đoán nền kinh tế toàn cầu phải đóng cửa thêm lần nữa. Dầu nên tập trung vào những điều có vẻ là một triển vọng tốt hơn khi nói đến việc tái cân bằng nguồn cung dầu toàn cầu”. Ông Flynn chỉ ra rằng “thị trường đang nhìn thấy mức độ tuân thủ tốt hơn với thỏa thuận cắt giảm sản lượng OPEC+, làm tăng khả năng rằng viêc cắt giảm sẽ được kéo dài đến cuối năm nay”.
Hồi đầu tháng này, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh đã gia hạn cắt giảm sản lượng 9.7 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng nữa, cho đến tháng 7/2020.
Trong khi đó, sản lượng tại Mỹ, vốn không thuộc thỏa thuận của OPEC+, đã cho thấy những dấu hiệu sụt giảm thêm, với việc Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Hai dự báo sản lượng từ 7 mỏ dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ sẽ giảm 93,000 thùng/ngày trong tháng 7.
Ngoài ra, một số dữ liệu kinh tế cũng được cải thiện. Tại Mỹ, chỉ số điều kiện kinh doanh Empire State tăng 48 điểm lên -0.2 trong tháng 6/2020, cho thấy hoạt động kinh doanh ổn định ở New York trong tháng này.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 7 vọt 3.7% lên 1.1657 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 7 cộng 3.2% lên 1.137 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 mất 3.6% còn 1.669 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|