Dầu tiếp tục tăng giá sau tuyên bố của Fed
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng giá vào ngày thứ Tư (10/06), nhờ vào đà suy yếu của đồng USD sau tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), MarketWatch đưa tin.
Tại cuộc họp lần này, Fed cho biết ý định giữ nguyên phạm vi lãi suất hiện tại cho tới năm 2022.
“Đồng USD đã bị suy yếu sau tuyên bố của Fed, thúc đẩy giá dầu thô tiến về mức cao trong phiên sau báo cáo của EIA”, Matt Smith, Giám đốc tiếp cận hàng hóa tại ClipperData, nhận định.
Fed cho biết sẽ hành động cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế - xoa dịu lo ngại về nhu cầu năng lượng.
Thông tin từ Ngân hàng Trung ương đã giúp bù đắp áp lực trước đó từ dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng gần 6 triệu thùng cùng với dự báo nghiệt ngã từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tiến 66 xu (tương đương 1.7%) lên 39.60 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp trước đó là 37.73 USD/thùng. Hợp đồng này đã đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 06/03/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn cộng 55 xu (tương đương 1.3%) lên 41.73 USD/thùng.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa tăng 5.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 05/06/2020, thấp hơn dự báo vọt 8.4 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API), nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 3.2 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Dữ liệu của EIA cũng cho thấy dự trữ dầu thô tại Cushing, Okla., trung tâm lưu trữ đã giảm 2.3 triệu thùng trong tuần trước.
Bên cạnh đó, EIA còn cho biết dự trữ xăng tăng 900,000 thùng, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất vọt 1.6 triệu thùng trong tuần trước. Một cuộc thăm dò của Platts đã dự báo nguồn cung xăng cộng 300,000 thùng, còn các sản phẩm chưng cất tăng 1.5 triệu thùng.
Trong khi đó, OECD đã công bố triển vọng kinh tế 2 lần/năm vào ngày thứ Tư, thể hiện 2 kịch bản khá tồi tệ. Dự báo đầu tiên giả định rằng số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục giảm, điều này dẫn đến sự thu hẹp kinh tế toàn cầu vào khoảng 6% và một trường hợp khác làn sóng lây nhiễm Covid-19 bùng phát vào cuối năm, có thể khiến kinh tế toàn cầu giảm 7.6%.
Thị trường dầu mỏ đang phản ứng với sự phục hồi nhu cầu khi các hoạt động kinh doanh khởi động lại giữa lúc tình hình dịch Covid-19 suy giảm ở phần lớn các nước phát triển, cũng như thỏa thuận gia hạn mới giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, để cắt giảm sản lượng 9.7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 7/2020.
Các thành viên OPEC đã bơm thêm vào thị trường 24.32 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2020, cho thấy sự cắt giảm 5 triệu thùng/ngày từ mức sản lượng cơ sở, cuộc thăm dò từ Platts cho thấy. Các thành viên khác ngoài OPEC, dẫn đầu là Nga, đã sản xuất 13.89 triệu thùng/ngày, với mức cắt giảm 3.28 triệu thùng/ngày. Tất cả cho thấy, OPEC+ đã thực hiện khoảng 85% mức sản lượng đồng ý cắt giảm trong tháng trước.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 7 hạ 0.03% xuống 1.2099 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 7 cộng 1.6% lên 1.173 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 tiến 0.7% lên 1.78 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|