Thứ Năm, 07/05/2020 14:50

Ấn Độ muốn thu hút hơn 1,000 công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc

Ấn Độ đang tìm cách thu hút các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả ông lớn thiết bị y tế Abbott Laboratories, rời khỏi Trung Quốc ngay khi chính quyền Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về cách xử lý đại dịch Covid-19.

Trong tháng 4/2020, Chính phủ Ấn Độ tiếp cận tới hơn 1,000 công ty ở Mỹ và thông qua các chuyến công tác ở nước ngoài, họ chào mời những chính sách ưu đãi dành cho những nhà sản xuất muốn rút khỏi Trung Quốc, theo một quan chức Ấn Độ giấu tên.

Trong hơn 550 sản phẩm đang được đặt lên bàn cân xem xét, Ấn Độ đang ưu tiên các nhà cung ứng thiết bị y tế, nhà máy sản xuất thực phẩm, dệt may, đồ da và sản xuất phụ tùng xe hơi, họ cho biết.

Việc ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc có thể gây căng thẳng mối quan hệ thương mại toàn cầu, khi các công ty và chính quyền chuyển nguồn lực ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhật Bản đã dành ra 2.2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, trong khi các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) muốn giảm bớt độ phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc.

Theo lời của vị quan chức giấu tên, Ấn Độ hy vọng sẽ thu hút các công ty Mỹ ở các lĩnh vực sản phẩm và thiết bị chăm sóc sức khỏe, đồng thời đang trong quá trình đàm phán với Medtronic Plc và Abbott Laboratories về việc chuyển cơ sở sản xuất sang Ấn Độ. Phát ngôn viên của Medtronic và Abbott vẫn chưa nhận định về vấn đề này.

Cả Medtronic và Abbott đều đã có mặt tại Ấn Độ và nhờ đó, việc họ chuyển chuỗi cung ứng tới quốc gia này sẽ dễ dàng hơn. Họ đang đặt trụ sở tại trung tâm tài chính Mumbai và đã làm việc với các tập đoàn bệnh viện lớn của Ấn Độ.

Các quan chức nói với các công ty rằng việc chuyển tới Ấn Độ sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế (về phương diện mua đất và tuyển dụng người lao động lành nghề với giá phải chăng) hơn là chuyển sản xuất về nước Mỹ hoặc Nhật Bản, ngay cả khi chi phí tổng thể vẫn cao hơn Trung Quốc.

* Ấn Độ dành ra quỹ đất hơn 460,000 ha để thu hút các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc

Ngoài ra, họ cũng đảm bảo rằng Ấn Độ sẽ cân nhắc những yêu cầu cụ thể về việc thay đổi luật lao động – vốn đang là một rào cản lớn đối với các công ty, đồng thời cho biết Chính phủ đang xem xét yêu cầu từ các công ty thương mại điện tử để trì hoãn áp thuế đối với các giao dịch kỹ thuật số được đưa ra trong năm nay.

Những nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ cố gắng lấy lại những gì đã mất. Thật vậy, nhiều công ty chọn các quốc gia như Việt Nam thay vì Ấn Độ làm điểm đến khi ông Trump khởi đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tháng trước, Ngoại trưởng Michael Pompeo cho biết Mỹ đang phối hợp với Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam về “cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng để ngăn chặn tác động kiểu Covid-19 xảy ra một lần nữa”.

Chính quyền Donald Trump đang đẩy mạnh sáng kiến dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, trong lúc Washington cân nhắc áp hàng rào thuế quan mới để trừng phạt Bắc Kinh vì cách xử lý dịch Covid-19, theo lời của các quan chức Mỹ. Họ đang đẩy mạnh sáng kiến lập ra “Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế”, bao gồm những đối tác đáng tin cậy.

“Thay thế Trung Quốc”

“Theo tôi, mạng lưới này (nếu được thiết lập thành công) sẽ chuyển sang Ấn Độ và Việt Nam để thay thế Trung Quốc trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu”, Derek Grossman, nhà nghiên cứu tại RAND Corporation có trụ sở ở Washington và cũng từng nắm giữ các vị trí trong Cộng đồng Tình báo Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua, cho hay. “Đây sẽ là một phương án hơi khập khiểng về phương diện thay thế năng lực sản xuất to lớn của Trung Quốc, nhưng có lẽ Mỹ đang nuôi hy vọng rằng Ấn Độ và Việt Nam có thể nhanh chóng đẩy mạnh năng lực ít nhất là bằng với năng lực của Trung Quốc”.

Hồi tháng 4/2020, Ấn Độ gỡ bỏ một phần lệnh cấm đối với hoạt động xuất khẩu hydroxychloroquine và paracetamol theo yêu cầu của ông Trump. Ngoài ra, họ cũng chấp thuận đầu tư 130 tỷ Rupee (tương đương 1.7 tỷ USD) để sản xuất thêm thuốc và thiết bị y tế, đồng thời đẩy mạnh năng lực sản xuất nguyên vật liệu dùng để sản xuất thuốc nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đối với Thủ tướng Modi, việc tăng cường đầu tư sẽ giúp vực dậy một nền kinh tế đang lao đao sau 8 tuần phong tỏa, đồng thời giúp ông đạt được mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực sản xuất lên 25% GDP vào năm 2022, từ mức 15%. Nhu cầu tạo thêm công ăn việc làm thậm chí còn cấp thiết hơn sau khi đại dịch khiến 122 triệu người rơi vào tình thế thất nghiệp và buộc Ấn Độ phải đóng cửa toàn bộ thành phố lớn.

Ngoài ra, tình trạng hiện tại cũng mang lại cơ hội để Ấn Độ thông qua việc cải cách đã bị chững lại từ lâu về đất đai, lao động và thuế - vốn là những rào cản chặn đứng làn sóng đầu tư tại Ấn Độ trong nhiều năm qua. Ghi đậm dấu ấn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Modi là những cuộc biểu tình trên toàn quốc và đà giảm tốc về tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo ra rủi ro cho các công ty dự tính chuyển về Ấn Độ.

“Đây là cơ hội để Ấn Độ cố gắng góp mặt nhiều hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng sẽ cần thêm những khoản đầu tư nghiêm túc vào cơ sở hạ tầng và quản trị”, Paul Staniland, Phó Giáo sư tại Đại học Chicago, cho hay. “Ấn Độ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Nam Á và Đông Nam Á”.

Bộ Thương mại Ấn Độ tham vấn với các công ty Mỹ về những thay đổi cần thiết để giúp luật thuế và lao động trở nên thuận lợi hơn cho các công ty, một quan chức Ấn Độ cho biết. Chính phủ liên bang của ông Modi đang phối hợp với các bang để tìm kiếm một giải pháp dài hạn, bao gồm phát triển ngân hàng đất đai để tạo khởi đầu nhanh chóng cho các đơn vị muốn chuyển về Ấn Độ.

“Ấn Độ là một thị trường lớn hơn cả Việt Nam và Campuchia, vì vậy sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đang muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc”, Ajay Sahai, Tổng Giám đốc tại Liên đoàn Xuất khẩu Ấn độ, cho hay. “Nhưng ngoài đảm bảo đất đai, nước và hệ thống thoát nước, phần thay đổi quan trọng nhất là Ấn Độ cần phải đưa ra đảm bảo rõ ràng rằng Chính phủ sẽ không đưa ra điều chỉnh thuế hồi tố (retrospective tax amendments)”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tăng 3.5%, nhưng nhập khẩu giảm 14.2% trong tháng 4 (07/05/2020)

>   Livestream có cứu nổi kinh tế Trung Quốc? (07/05/2020)

>   Nguy cơ Trung Quốc siết nợ nhiều nước gặp khủng hoảng vì Covid-19 (07/05/2020)

>   EC dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ giảm 7,7% trong năm nay (07/05/2020)

>   Trung Quốc có thể bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP (07/05/2020)

>   Hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà hàng ở Mỹ tuyên bố phá sản (06/05/2020)

>   Ngồi chờ cứu trợ, hãng hàng không hàng đầu châu Âu "đốt" hơn 1 triệu USD mỗi giờ (06/05/2020)

>   Dự đoán trái chiều về lạm phát sau đại dịch (06/05/2020)

>   Nghèo còn gặp cái eo! (06/05/2020)

>   Ông Trump: Nước Mỹ phải mở cửa trở lại cho dù có thêm người Mỹ mắc Covid-19 (06/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật