Thứ Năm, 07/05/2020 15:56

Livestream có cứu nổi kinh tế Trung Quốc?

"Tôi hơi lo lắng", Li Qiang, phó thị trưởng thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi virus corona được báo cáo lần đầu tiên vào cuối năm ngoái, cho biết khi chờ đợi sự kiện livestream đầu tiên của ông trên TikTok.

Ông Li tỏ ra quyết tâm trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch tàn khốc. Ông nói một cách thích thú về sự đánh giá cao dành cho món mì khô, nóng của Vũ Hán và kêu gọi người dân địa phương thường xuyên đến cửa hàng yêu thích của ông.

Đợt phong tỏa kéo dài hai tháng trên toàn quốc đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2020, GDP Trung Quốc giảm 6.8% so cùng kỳ - mức giảm lần đầu tiên của nền kinh tế nước này kể từ khi Chủ tịch Mao qua đời năm 1976.

Tuy nhiên, không giống thời đó, các chính trị gia Trung Quốc ngày nay thực tế hơn, đặc biệt là khi nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng này đang tiến vào những vùng chưa được khám phá.

Trong chiến dịch toàn tỉnh nhằm vực dậy nền kinh tế, các quan chức cấp cao ở tỉnh Hồ Bắc - quê hương của 60 triệu người Trung Quốc - đang tự biến thành những người nổi tiếng trên mạng. Ông Li và các đồng nghiệp công khai ủng hộ những thương hiệu địa phương và rất chú ý đến số liệu bán hàng.

Và kết quả? Những bản tin của truyền thông Trung Quốc cho biết vào ngày đầu tiên của chiến dịch, 08/04, doanh số livestream trên TikTok toàn tỉnh đạt 17.9 triệu Nhân dân tệ (tương đương 2.5 triệu USD). Họ bán được gần 300,000 mặt hàng trong 9 giờ - trong đó có 44,000 phần mì khô, nóng yêu thích của ông Li.

Hồ Bắc không phải tỉnh duy nhất tận dụng lợi thế của "ngành công nghiệp" livestream đang bùng nổ của Trung Quốc. Nhiều quan chức địa phương tại các tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông và Quảng Tây cũng tự biến thành những chuyên gia bán hàng kể từ khi giãn cách xã hội trở thành một quy tắc ở Trung Quốc. Họ xuất hiện trong những đợt livestream và bày tỏ sự yêu thích dành cho các sản phẩm địa phương để giúp vực dậy nền kinh tế.

Bán hàng qua hình thức livestream trong thời dịch bệnh "chắc chắn mang lại hy vọng và là lối thoát mới cho các công ty bắt đầu đầu tư vào tiếp thị. Điều này hỗ trợ cho ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp khác", Andrea Fenn, CEO Fireworks, một công ty tư vấn tiếp thị có trụ sở tại Thượng Hải, nói.

"Anh chàng bán son môi số 1"

Mô hình kinh doanh này không chỉ là nỗ lực từ trên xuống. Trước khi các quan chức bắt đầu xuất hiện trong những livestream, các chủ doanh nghiệp khôn ngoan đã chuyển sang những nền tảng livestream như TikTok, Kuaishou và Taobao, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, để quảng bá và bán sản phẩm.

Một trong số đó là anh chàng Li Jiaqi, 27 tuổi, người có kỹ thuật bán hàng khác thường, được tặng biệt danh “Anh chàng bán son môi số 1”. Từng là nhân viên bán hàng với mức lương khiêm tốn ở thành phố Nam Xương, đông nam Trung Quốc, giờ đây anh có hơn 40 triệu người theo dõi trên TikTok.

Có lần, anh bán được 15,000 thỏi son chỉ trong 5 phút livestream. Không như nhiều blogger làm đẹp, anh luôn minh họa những thỏi son trên môi, thay vì cánh tay. Và điều đó dường như đang được đền đáp, vì hiện tại anh có tài sản ròng lên tới 5 triệu USD.

Li Jiaqi

Ngoài ra, còn có Wei Ya, 33 tuổi, người đã khiến cả nước ngạc nhiên và thu hút dư luận quốc tế khi bán được một vụ phóng tên lửa trị giá 6 triệu USD trên Taobao vào ngày 01/04 (trong đó người mua được phép sơn thân tên lửa và bệ phóng, sau đó có thể tiếp cận điểm phóng và kiểm soát vụ phóng). Taobao đã xác nhận việc bán hàng này là có thật chứ không phải trò đùa Cá tháng Tư.

Wei Ya là gương mặt quen thuộc trong giới bán hàng livestream của Trung Quốc. Những người theo dõi cô gọi cô là "Nữ hoàng hàng hóa".

Livestream có thể cứu nền kinh tế Trung Quốc không?

Các thương hiệu nước ngoài cũng đã nhập cuộc. Nhà sản xuất hàng xa xỉ Louis Vuitton đã tổ chức một buổi livestream bán hàng vào tháng 3 - lần đầu tiên sau 30 năm xâm nhập thị trường Trung Quốc.

Vào lúc đỉnh điểm của dịch Covid-19 ở Trung Quốc, chỉ riêng trong tháng 2, Taobao, nền tảng có số lượng bán hàng livestream lớn nhất, có số người bán mới tăng 719% trên toàn quốc.

Dù vậy, không phải ai cũng thành công. Andrea Fenn nói mọi người “cuồng” livestream trong thời gian gần đây nhưng thị trường này ngày càng đông đúc.

"Những người đầu tiên có thể thu được kết quả với các hoạt động livestream (thường khá nghiệp dư) vì hiện tượng này khá mới mẻ. Giờ đây, có hàng ngàn người livestream và người tiêu dùng bắt đầu tự hỏi tại sao chúng ta lại quay lại với hoạt động truyền thông giống như chương trình tiếp thị qua điện thoại hồi thập niên 1990. Tôi đang chứng kiến ​​ngày càng nhiều công ty thất bại trong việc tăng doanh số thông qua livestream do người tiêu dùng cảm thấy mệt mỏi", Fenn cho biết.

Một trong những người nổi tiếng trên mạng thành công nhất của Trung Quốc có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Hồi tháng 4, cựu giáo viên tiếng Anh 48 tuổi Luo Yonghao - giờ là người nổi tiếng trên mạng - thu hút sự chú ý của giới truyền thông bằng sự kiện bán hàng đầu tiên của ông qua hình thức livestream.

Lần đó, ông thu hút được 50 triệu người xem khắp Trung Quốc và đạt doanh thu đáng kinh ngạc 15.5 triệu USD chỉ trong 3 giờ. Tuy nhiên, trong hai tuần tiếp theo, Luo livestream thêm hai lần nữa để bán hàng nhưng ít thành công hơn nhiều khi số lượng người xem và số liệu bán hàng giảm mạnh - lần lượt là 83% và 48%.

Andrea Fenn nói với anh, tất cả những điều này khẳng định "chúng ta không thể chỉ dựa vào một thứ gì đó để duy trì sự bùng nổ kinh tế".

Nhã Thanh (Theo BBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Nguy cơ Trung Quốc siết nợ nhiều nước gặp khủng hoảng vì Covid-19 (07/05/2020)

>   EC dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ giảm 7,7% trong năm nay (07/05/2020)

>   Trung Quốc có thể bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP (07/05/2020)

>   Hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà hàng ở Mỹ tuyên bố phá sản (06/05/2020)

>   Ngồi chờ cứu trợ, hãng hàng không hàng đầu châu Âu "đốt" hơn 1 triệu USD mỗi giờ (06/05/2020)

>   Dự đoán trái chiều về lạm phát sau đại dịch (06/05/2020)

>   Nghèo còn gặp cái eo! (06/05/2020)

>   Ông Trump: Nước Mỹ phải mở cửa trở lại cho dù có thêm người Mỹ mắc Covid-19 (06/05/2020)

>   Dịch bệnh COVID-19 khiến thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục tăng (06/05/2020)

>   Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc minh bạch về nguồn gốc virus Corona (06/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật