Thứ Sáu, 17/04/2020 15:02

Vĩ mô năm 2020 khác xa 2008, doanh nghiệp sẽ sớm tăng trưởng trở lại

BVSC lạc quan về khả năng hồi phục của doanh nghiệp sau dịch bệnh, nhờ những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đặt giữa bối cảnh vĩ mô ổn định.

Tại Báo cáo Chiến lược vừa công bố, các nhà phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá tác động đến nền kinh tế do dịch Covid-19 rộng khắp hơn so với khủng hoảng năm 2008. Theo đó, nhiều ngành sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn, với mức độ tác động tức thì và đồng loạt.

Các doanh nghiệp sẽ hứng chịu hai cú sốc nguồn cung lẫn nhu cầu, qua đó khiến doanh thu và dòng tiền bị tổn thương trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự gián đoạn này sẽ diễn ra nhanh, chưa cần thiết phải có những thay đổi mang tính cấu trúc hệ thống nên sự hồi phục sau hậu dịch bệnh có thể sẽ diễn ra rất nhanh. Bên cạnh đó, cú sốc về thiếu hụt dòng tiền còn cảnh báo, thanh lọc những doanh nghiệp yếu, dựa chính vào dòng tiền vay để duy trì hoạt động.

Thống kê lợi nhuận sau thuế năm 2008 của các doanh nghiệp niêm yết tại HOSE và HNX, BVSC nhận thấy lợi nhuận sau thuế của nhiều ngành đã sụt giảm 5% so với năm 2007, tuy nhiên, nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ mà lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh trong cả năm 2009 và 2010, với mức tăng lần lượt 57.2% và 92.5% so với lợi nhuận 2007.

Trong năm 2008, ROE của nhiều ngành co lại, như ngành dịch vụ tài chính giảm từ 18% về -10% (thua lỗ), bất động sản giảm từ 14% về 10%, xây dựng và vật liệu xây dựng giảm từ 16% về 11%... Tổng thể, ROE các doanh nghiệp đã giảm từ mức 17.8% năm 2007 về mức 14.5% trong 2008, tuy nhiên, ROE đã tăng lên mức 19.4% ngay trong năm 2009.

Mặc dù, quy mô thị trường và quy mô doanh nghiệp thời điểm hiện nay có sự khác biệt rất lớn so với năm 2008, BVSC cho rằng khả năng thích ứng của doanh nghiệp, cùng với các chính sách hỗ trợ kinh tế sẽ giúp họ vượt qua khó khăn và đạt mức tăng trưởng còn ấn tượng hơn sau đó.

So sánh các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2008 và 2020 có thể thấy hiện kinh tế Việt Nam đang có sự ổn định, vững chãi hơn nhiều so với trước. Thị trường chứng khoán hiện vẫn ổn định và hấp dẫn hơn so với các kênh tiền gửi, trái phiếu, BVSC nhận xét.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi, lợi suất trái phiếu hiện nay đang không hấp dẫn, và không có lợi thế hẳn so với kênh đầu tư chứng khoán. Đây là khác biệt lớn so với năm 2008, theo đó, giúp dòng tiền duy trì trong thị trường chứng khoán.

Năm 2007 tăng trưởng tín dụng lên tới trên 50%, nhưng trong nửa đầu 2008 Chính phủ lại phải thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Lạm phát năm 2007 lên tới 12.63%, và có những tháng năm 2008 chỉ số lạm phát so với cùng kỳ lên đến hơn 20%. Năm 2008, chỉ riêng lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn cũng lên đến 15%/năm, lãi suất cơ bản (để tham chiếu lãi suất cho vay) là 14%/năm, mặt bằng lãi suất huy động thực tế duy trì ở mức cao, lợi suất trái phiếu 2 năm và 5 năm nhiều thời điểm ở trên mức 20%.

Trở lại những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng luôn được kiểm soát ở mức quanh 14%, các chỉ số vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát và ở mức thấp. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào. Bên cạnh đó, so với 2008, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ trong 2020 là thông qua các gói giảm lãi vay, giãn nợ cho doanh nghiệp; giãn thuế, giảm tiền thuê đất; gói an sinh xã hội; gói giảm giá xăng dầu, giá điện cũng đang được triển khai kịp thời và đúng đối tượng hơn. Thậm chí, nếu dịch bệnh tiếp tục phức tạp, BVSC cho rằng Chính phủ vẫn còn dư địa để thực hiện thêm các gói chính sách hỗ trợ nền kinh tế khi cần thiết.

Theo BVSC, thị trường chứng khoán 2020 sẽ diễn biến ổn định hơn nhiều so với 2008, những cú sốc giảm do tin tức dịch bệnh, bán giải chấp chỉ là diễn biến ngắn hạn.

Sự ổn định của hệ thống ngân hàng, của chỉ số vĩ mô, của sức khỏe doanh nghiệp, và sự hấp dẫn về định giá của cổ phiếu là cơ sở để tin rằng thị trường chứng khoán sẽ ổn định trở lại và không giảm sốc như thời gian qua. Dù vậy, diễn biến ngắn hạn của thị trường vẫn chịu tác động lớn của các kịch bản, thời gian kiểm soát dịch bệnh.

BVSC cũng lưu ý rằng, tuy bối cảnh vĩ mô năm 2020 về cơ bản là ổn định và tích cực hơn so với 2008 nhưng quy mô nợ lại ở mức lớn hơn nhiều, thể hiện qua tổng dư nợ tín dụng lên đến 130% GDP hay quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên tục gia tăng trong 3 năm gần đây. Nếu dịch bệnh kéo dài, đây có thể sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất với nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   VNDirect: TTCK Việt Nam nhận thêm 120 triệu USD từ các quỹ ETF khi Kuwait được nâng hạng (17/04/2020)

>   VNDirect: Tăng giải ngân đầu tư công, ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi (17/04/2020)

>   BVSC: Nhiều cơ hội mua hợp lý xuất hiện khi cổ phiếu giảm (17/04/2020)

>   Góc nhìn 17/04: Thị trường sẽ 'quay đầu'? (16/04/2020)

>   Góc nhìn 16/04: Kiên nhẫn chờ điều chỉnh? (15/04/2020)

>   VOF-VinaCapital: Sức bán ròng của khối ngoại sẽ dần cạn kiệt (16/04/2020)

>   Góc nhìn 15/4: Tạm đóng vị thế ngắn hạn? (14/04/2020)

>   KBSV: Lạm phát quý 2 hạ nhiệt nhờ động thái kiểm soát của Chính phủ (14/04/2020)

>   Góc nhìn 14/04: Chốt lời một phần (13/04/2020)

>   KBSV: Thị trường sẽ còn biến động mạnh (13/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật