VNDirect: Tăng giải ngân đầu tư công, ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi
Theo nhận định của CTCK VNDirect, đầu từ công sẽ tăng tốc sớm hơn dự kiến trong năm 2020. Trong quý 1/2020, giải ngân vốn đầu tư công tăng 16.4% so với cùng kỳ, đạt 59.5 ngàn tỷ đồng, tương đương 13.2% kế hoạch năm. Theo đó, ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi từ dự án đầu tư công.
Kỳ vọng giải ngân đầu tư công tăng mạnh
VNDirect dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức 5% so với cùng kỳ (7.1% trong năm 2019), trong đó ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp tăng lần lượt 5.6%, 5.3% và 2% so với cùng kỳ.
VNDirect nhận thấy tất cả các động lực tăng trưởng kinh tế đều đang chậm lại. Xuất khẩu đối mặt với áp lực lớn hơn trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa suy giảm trên toàn cầu do dịch bệnh. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã trải qua đợt sụt giảm mạnh trong quý 1/2020 với tổng vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 8.6 tỷ USD (giảm 20.9% so với cùng kỳ). Do đó, VNDirect cho rằng đầu tư công sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
Theo Dự toán Ngân sách năm 2020 được Quốc hội phê duyệt vào tháng 11/2019, chi tiêu cho đầu tư phát triển ước tính đạt 470.6 ngàn tỷ đồng (tăng 6.1% so với cùng kỳ, tương ứng với 6.9% GDP). Chính phủ sẽ tăng 8.2% chi đầu tư công trong năm 2021-2022, cao hơn mục tiêu tăng trưởng 6.1% trong năm 2020. Trong trường hợp giải ngân hoàn toàn vốn đầu tư công cả năm theo kế hoạch sẽ giúp GDP tăng 0.42%.
Vốn đầu tư công sẽ tập trung giải ngân vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt thông qua các dự án lớn.
Các dự án đầu tư hạ tầng chính trong giai đoạn 2020- 2026
|
Thống kê trong quý 1/2020, giải ngân vốn đầu tư công tăng 16.4% so với cùng kỳ, đạt 59.5 ngàn tỷ đồng, tương đương 13.2% kế hoạch năm. VNDirect đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy giải ngân đầu tư công sẽ sớm hơn và nhanh hơn so với nhận định trước đây của VNDirect.
Các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sẽ là điểm nhấn
Ngày 07/04, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 101.2 ngàn tỷ đồng, sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công.
Với kịch bản cơ sở của VNDirect, khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8,900 tỷ đồng nhựa đường, 7,600 tỷ đồng thép xây dựng và 3,800 tỷ đồng xi măng. Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng, nhu cầu đá xây dựng sẽ nhận cú hích lớn nhất, khi nhu cầu đá của các dự án này tương đương với khoảng 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực. Ngoài ra, để hoàn thành 100% các dự án trên, VNDirect ước tính chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22,300 tỷ đồng, 19,100 tỷ đồng và 9,500 tỷ đồng.
Theo đó, VNDirect cho rằng ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi chính từ chủ đề đầu tư công.
Đánh giá những tiểu ngành tiềm năng được hưởng lợi từ dự án cao tốc Bắc-Nam
Nguồn: VNDirect Research
|
Đá xây dựng: Rất tích cực
Bộ Xây dựng đã đề nghị 13 tỉnh có cao tốc Bắc-Nam đi qua tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công trong việc khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công các dự án này, qua đó giảm thời gian xây dựng và chi phí vận chuyển.
VNDirect cho rằng, các mỏ đá của các công ty niêm yết nằm gần dự án sẽ được ưu tiên huy động do lợi thế về thời gian vận chuyển cũng như quy mô và chất lượng sản phẩm.
Bốn cụm mỏ đá (bao gồm: Solku, Thiện Tân, Thạch Phú and Tân Cang) tại Đồng Nai đang sở hữu những vị trí thuận lợi để cung cấp đá xây dựng cho dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây – một trong những dự án được ưu tiên triển khai trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
Thêm vào đó, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ cần huy động đá xây dựng từ các mỏ thuộc khu vực Đông Nam Bộ, do trữ lượng đá không đáng kể của Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, nền đất yếu của khu vực đồng bằng sẽ khiến dự án cao tốc này cần nhiều đá xây dựng hơn các dự án khác.
Theo ước tính của VNDirect, hai dự án cao tốc trên sẽ cần khoảng 6-7 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các công ty niêm yết..
Nhựa đường: Rất tích cực
VNDirect cho rằng kết quả kinh doanh của các công ty ngành nhựa đường sẽ được hưởng lợi lớn từ việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân tại các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, giá dầu thấp trong năm 2020 sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Thép xây dựng: Tích cực
Hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho ngành thép xây dựng (quặng sắt, than cốc và thép phế liệu) đều được nhập khẩu. Do đó, trong trường hợp những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm này tiếp tục có diễn biến Covid 19 phức tạp, các công ty trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro nguồn cung đầu vào không ổn định.
Mặc dù vậy, VNDirect đánh giá rủi ro trên là không quá lớn. Hiện có rất nhiều quốc gia có thể cung cấp các nguyên liệu thô của thép, do đó nhà sản xuất Việt Nam có thể chuyển hướng nhập khẩu sang quốc gia không đóng cửa. Bên cạnh đó, các công ty nội địa cũng thường xuyên có kế hoạch dự phòng và tích trữ tồn kho nguyên vật liệu khoảng 3-6 tháng, đảm bảo hoạt động sản xuất không gặp ảnh hưởng.
VNDirect ước tính nhu cầu tăng thêm từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam tương đương với khoảng 6.2% nhu cầu thép xây dựng hiện tại. Qua đó sẽ giảm phần nào áp lực cạnh tranh trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh công suất toàn ngành dự kiến sẽ tăng khoảng 15% trong năm nay.
Xi măng: Khả quan
VNDirect ước tính nhu cầu xi măng trong năm 2020 từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam chỉ tương đương khoảng 2.6% tiêu thụ xi măng hiện tại. Các dự án khác nằm trong kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2020 của chính phủ sẽ hỗ trợ thêm nhu cầu tiêu thụ của ngành.
Tuy vậy, VNDirect đánh giá tác động tích cực từ đầu tư công sẽ không phải là một cú hích quá lớn dành cho các doanh nghiệp ngành xi măng, đặc biệt trong bối cảnh 2 thị trường xuất khẩu chủ lực là Philippines và Bangladesh (chiếm 25.9% tổng sản lượng xuất khẩu và 8.8% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2019) đã bắt đầu áp dụng các biện pháp thuế tự vệ từ nửa cuối năm 2019.
Tố Diệp
FILI
|