VOF-VinaCapital: Sức bán ròng của khối ngoại sẽ dần cạn kiệt
Lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài rồi sẽ chùn bước trước câu chuyện vĩ mô tích cực của Việt Nam, VOF cho biết. Trong khi đó, quỹ ngoại này đang ngày càng xa rời thị trường chứng khoán để rẽ hướng sang vốn cổ phần tư nhân.
Tháng 3 là thời điểm không thể nào quên khi VN-Index sụt 24.9% còn các nhà đầu tư ngoại thì bán ròng 331 triệu USD. Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV per share) của VOF giảm 16% (xét theo USD) trong tháng 03/2020. Theo đó, tổng tài sản của VOF giảm đến 139.7 triệu USD (tương ứng gần 3.3 ngàn tỷ đồng) chỉ trong một tháng.
Tính cả quý 1/2020, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 376 triệu USD, trong khi quý 4/2019 bán ròng 151 triệu USD. Theo VOF, đây là sự tiếp nối của việc các nhà đầu tư chủ động và quỹ chỉ số rút tiền khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong hai năm qua, khi những thị trường này có thành tích kém hơn các thị trường phát triển. Điều này ảnh hướng đến Việt Nam bởi cổ phiếu Việt chiếm 15% trong MSCI Fontier Index.
Tuy nhiên, VOF cũng dẫn lời một nghiên cứu rằng, lượng bán ròng của khối ngoại cuối cùng sẽ tự cạn kiệt khi đứng trước câu chuyện vĩ mô tích cực của Việt Nam. Đợt sụt giá của cổ phiếu vừa qua không thực sự là do làn sóng bán ròng này, bằng chứng là mức độ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn ổn định tại các cổ phiếu Việt (tỷ lệ phần trăm sở hữu không thay đổi lớn).
VOF cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt sẽ hạ thấp các mục tiêu lợi nhuận, giảm hoặc cắt cổ tức, và có thể là ngừng chương trình cổ phiếu thưởng ESOP trong năm 2020.
Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) đã đưa lãi suất cơ bản về 0% và kể từ đầu tháng 2 đến nay, hơn 30 ngân hàng trung ương trên thế giới (trong đó có cả Việt Nam) đã hạ các mức lãi suất tham chiếu và nới lỏng chính xác tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản, ổn định tình hình của các doanh nghiệp và các thị trường tài chính. Tuy nhiên, VOF lưu ý rằng, các chính sách tiền tệ này không có khả năng tạo nên sự đảo ngược đối với xu hướng đi xuống của nền kinh tế toàn cầu trong nửa đầu 2020.
Thực tế, những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa đến được với nền kinh tế, trong khi đó, VOF cho rằng khó có thể nới lỏng chính sách tiền tệ thêm được nữa. Vì vậy, Chính phủ thể hiện mong muốn kích thích tăng trưởng qua chính sách tài khóa, cụ thể là đầu tư vào hạ tầng.
Tiền và tương đương tiền chiếm 5% cơ cấu tài sản của VOF vào cuối tháng 3. “Điều này cho phép chúng tôi khai thác nhiều cơ hội đầu tư”, VOF cho biết.
Dù vậy, cho đến nay thì danh mục các khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết của VOF vẫn không có nhiều thay đổi. Thậm chí, có một xu hướng dễ dàng nhận thấy là VOF đang dần rời xa thị trường chứng khoán (listed equity) để nghiêng về các hoạt động đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private equity).
Nguồn: VOF, Vietstock tổng hợp
|
Đây cũng là lời giải cho thành tích chỉ âm 16% trong tháng 3 của VOF, tốt hơn so với VN-Index và các quỹ đầu tư lớn khác như VEIL-DragonCapital, PYN Elite Fund. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng những thay đổi đối với giá trị tài sản (NAV) chưa được thể hiện tại báo cáo của VOF nhưng việc kinh doanh của các doanh nghiệp (private equity) cũng khó tránh khỏi những khó khăn ngoài đời thực.
Các khoản đầu tư lớn nhất của VOF vào cuối tháng 3
Nguồn: VOF
|
Chính phủ Việt Nam đã thực thi các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt hơn trong tháng 3. Tuy nhiên, VOF cho biết, hầu hết lĩnh vực sản xuất không bị rơi vào diện “phong tỏa” của nền kinh tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa trong 2 tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona.
Các nhà sản xuất tại Việt Nam không gặp phải vấn đề về lực lượng lao động, nhưng họ đối diện liên tiếp các cú sốc cung vào thời gian đầu, và giờ là sốc cầu khi hai thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ (25% giá trị xuất khẩu) và EU (15% giá trị xuất khẩu) phải đóng cửa. Hệ quả là mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp chỉ đạt 7.1% trong quý 1/2020, trong khi cùng kỳ là 12.4%; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống còn 41.9 trong tháng 3, trong khi tháng 2 là 49.
Thừa Vân
FILI
|