Sự trỗi dậy của những ông trùm Đông Âu (kỳ 3): Sức mạnh của quan hệ gia đình
Trong giai đoạn 1990-2000, đã trỗi dậy một nhóm doanh nghiệp kết nối chặt chẽ với nhau, nhiều trong số đó đến từ mối quan hệ gia đình.
* Sự trỗi dậy của những ông trùm Đông Âu (kỳ 1): Những cánh chim đầu đàn
* Sự trỗi dậy của những ông trùm Đông Âu (kỳ 2): Bình minh của các chính quyền dân chủ
Timur Kulibayev và Dinara Kulibayeva, Kazakhstan
Tài sản: 5 tỷ USD
Không có dòng dõi nào có uy tín ở Trung Á hơn dòng dõi của Dinara: Cô là con gái giữa của Nurultan Nazarbayev, Tổng thống của Kazakhstan từ năm 1990 cho đến tháng 3/2019.
Gia đình này cũng có tiếng trong giới kinh doanh: Dinara được xem là người phụ nữ giàu nhất của Kazakhstan. Cô và chồng Timur kiểm soát các định chế tài chính, bao gồm cả ngân hàng lớn nhất của Kazakhstan, công ty nông nghiệp, giao dịch dầu khí và phát triển bất động sản ở quê nhà và cả Dubai.
Dinara học trường sân khấu ở Moscow và lấy bằng MBA ở quê nhà. Chồng của cô, Timur, học chuyên ngành kinh tế ở Moscow và sau đó làm việc trong công ty sản xuất dầu khí Nhà nước. Ông từng giữ vị trí Chủ tịch của Quỹ Quản lý tài sản quốc gia Samruk-Kazynacho đến năm 2011 và có chân trong hội đồng quản trị tại công ty dầu khí Gazprom của Nga.
Ông Timur nổi tiếng là một nhà đàm phán sắc sảo và từng được các nhà ngoại giao Mỹ mô tả là một vị tỷ phú cẩn trọng. Ông có sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế khi là Chủ tịch của phòng kinh doanh lớn nhất của Kazakhstan.
Phá giá, sụp đổ, lây nhiễm
Tình trạng vỡ nợ của Nga cùng với đồng Rúp mất giá nặng nề trong năm 1998, đã khép lại những năm quản lý kinh tế sai lầm. Các ngân hàng sụp đổ và kéo theo đó là khoản tiền tiết kiệm của người dân cũng biến mất sau 1 đêm. Tác động của tình trạng này lan ra khắp các thị trường vốn non trẻ của khu vực Đông Âu, làm chao đảo niềm tin đối với các hệ thống mới và gây khiếp đảm với một thế hệ nhà đầu tư nhỏ lẻ tiềm năng. Ngoài ra, nó cũng dọn đường cho những ai có khả năng vượt qua khủng hoảng để mở rộng đế chế.
Andrey Melnichenko, Nga
Tài sản: 15.2 tỷ USD
Melnichenko, 1 trong 10 người Nga giàu có nhất, khi còn quá trẻ để hưởng lợi từ quá trình tư nhân hóa tài sản Nhà nước. Thay vào đó, ông hốt bạc trong đợt biến động kinh tế kế tiếp. Trong lúc đang nghiên cứu bộ môn vật lý ở Đại học bang Moscow, ông bắt đầu giao dịch tiền tệ với các bạn cùng lớp, từ đó cho ra đời Ngân hàng MDM.
Không giống với các đối thủ lớn khác, MDM vượt qua cuộc khủng hoảng năm 1998 mà không một vết trầy sướt, nhờ vào chính sách tín dụng bảo thủ, không giữ các tài sản kém thanh khoản và không đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Khi các đối thủ cạnh tranh chìm ngập trong khó khăn thì MDM lại thu hút các khách hàng là một số công ty lớn nhất của Nga.
Cuộc khủng hoảng ngày ấy đã giúp MDM đột phá khi Ngân hàng này mua tài sản từ những “gã đầu sỏ” đang gặp rắc rối. Đầu tiên là công ty đường ống dẫn Volzhsky, mua lại từ ngân hàng Menatep của Mikhail Khodorkovsky. Nhờ đó, MDM bước chân vào lĩnh vực sản xuất ống thép, phân bón và than.
“Tầm nhìn của tôi khi đó là hợp nhất các tài sản bị phân mảnh trong các ngành rủi ro và không ai chú ý đến tại thời điểm đó, và tạo nên một công ty quốc tế trong những lĩnh vực mới”, Melnichenko cho biết qua email. “Tôi thấy cơ hội đầu tư vào các tài sản công nghiệp, phân bón và sản xuất than đá. Những ngành này vốn không được xem là ngành chiến lược của Nga cho nênkhông bị ảnh hưởng chính trị như các lĩnh vực khác như dầu khí, khai thác kim cương và vàng”.
May mắn vẫn còn ở bên Melnichenko trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Chỉ 1 năm trước đó, ông và đối tác làm ăn, Sergei Popov, vừa chia khoản nắm giữ chung. Melnichenko lấy phần tài sản công nghiệp, bao gồm nhà sản xuất phân bón EuroChem và nhà khai thác than đá SUEK – vốn ít bị tác động bởi sự biến động trên thị trường tài chính. Popov đồng ý bán ngân hàng cho một đối thủ cạnh tranh lớn hơn trong năm 2015.
Còn tiếp...
Vương Đông (Theo Bloomberg)
FILI
|