Tại sao “Nhật Bản hóa” và đình trệ kéo dài lại là tín hiệu đáng báo động?
Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), lên tiếng cảnh báo về tình trạng “Nhật Bản hóa” (Japanification), trong khi Janet Yellen, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lại tỏ ra lo ngại và nhắc đến “đình trệ kéo dài” (secular stagnation).
Họ không phải là những chuyên gia duy nhất sử dụng lặp đi lặp lại những cụm từ không mấy rõ ràng này. Tuy nhiên, họ đều có chung kết luận rằng Chính phủ cần phải thực hiện chính sách tài khóa khi mà chính sách tiền tệ dần mất đi sức ảnh hưởng. Theo đó, các quan chức đắc cử – những người cầm nắm chi tiêu của quốc gia – không thể phụ thuộc vào ngân hàng trung ương để cứu vớt nền kinh tế mãi được.
1. Nhật Bản hóa là gì?
Đây là cụm từ được các chuyên gia kinh tế dùng để mô tả tình trạng tăng trưởng kinh tế ảm đạm kéo dài và lạm phát yếu ớt hoặc thậm chí tình trạng giảm phát như Nhật Bản đã từng phải đối mặt kể từ khi bong bóng bất động sản nổ ra vào đầu thập niên 90.
Cụm từ này được sử dụng để truyền đạt một viễn cảnh đáng báo động – thường được thảo luận ở châu Âu – về tình trạng tăng trưởng quá chậm chạp đã bám rễ sâu đến nỗi khó mà thoát khỏi nó. Ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện hai biện pháp kích thích kinh tế bất thường – lãi suất âm và chương trình mua tài sản có trị giá hơn cả GDP của Nhật Bản, nhưng xứ sở mặt trời mọc vẫn chưa trở về chu kỳ tăng trưởng đủ tích cực để tạo ra mức lạm phát 2% sau gần 3 thập kỷ.
2. Đình trệ kéo dài là gì?
Đây là cụm từ bắt nguồn từ Chuyên gia kinh tế Harvard Alvin Hansen trong thập niên 30. Ông dùng cụm từ này để mô tả việc các nền kinh tế công nghiệp trưởng thành rơi vào tình trạng bất ổn nhưng lại không có khoản đầu tư công lớn.
Nó lặp lại ý tưởng của John Maynard Keynes trong bài chuyên đề của ông trong năm 1936 – Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (General Theory of Employment, Interest and Money). Tại thời điểm đó, nền kinh tế toàn cầu đang sa lầy trong cuộc suy thoái trầm trọng và các lý thuyết của ông Keynes và ông Hansen đưa ra một lời giải thích cho tình trạng này và cũng đề xuất cách thức giải quyết.
Trong những năm gần đây, giữa lúc lãi suất chạm tới đáy sau đợt suy thoái toàn cầu lớn nhất kể từ thập niên 30, một chuyên gia kinh tế Harvard khác là Lawrence Summers (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ) đã nhắc lại cụm từ “đình trệ kéo dài” để mô tả tình trạng hiện tại.
3. Hai cụm từ này có phải là một?
Về bản chất thì đúng vậy. “Nhật Bản hóa” (Japanification) có thể được xem là một tập hợp con trong đình trệ kéo dài (secular stagnation), trong đó các đặc điểm của hai tình trạng này giống với những gì đã gây ám ảnh với Nhật Bản.
Tình trạng dân số già hóa và thu hẹp nhanh chóng tại Nhật Bản góp phần khiến hoạt động kinh tế giảm tốc và tạo ra môi trường người dân chăm tiết kiệm nhưng lại ít đầu tư mặc dù lãi suất cực kỳ thấp.
BoJ cũng phàn nàn về tư duy giảm phát đã bắm rễ trong tâm trí của người tiêu dùng và các công ty ngại chi tiêu hoặc giá cả hàng hóa cao hơn. Ví dụ tại Nhật Bản khiến những quốc gia khác lo ngại về tương lai của họ.
4. Tại sao những cụm từ này lại xuất hiện tại thời điểm này?
Vì tăng trưởng yếu ớt và lạm phát thấp đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia tại thời điểm này. Các ngân hàng trung ương đang sử dụng cụm từ này thường xuyên hơn khi nhận ra họ đã đạt tới mức giới hạn về chính sách tiền tệ.
Trong năm 2019, nỗi lo sợ đà giảm tốc toàn cầu có thể chuyển thành suy thoái đã thôi thúc Fed và ECB nới lỏng chính sách tiền tệ, nhắc nhở họ về lượng “đạn dược” ít ỏi còn lại để hỗ trợ nền kinh tế. Sự suy giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ xuống dưới mức 0% ở châu Âu (giống với Nhật Bản) cũng càng củng cố cho quan điểm rằng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể rơi vào hố đen chính sách giống như Nhật Bản.
5. Tại sao các ngân hàng trung ương đề cập đến các gói kích thích tài khóa?
Kể từ thập niên 80, thành công của Fed và các ngân hàng trung ương khác trong việc kìm hãm lạm phát bằng cách nâng lãi suất đã khiến nhiều người tin rằng chính sách tiền tệ là cách tốt nhất để kiểm soát những bất ổn về kinh tế. Bằng cách gây ảnh hưởng tới chi phí tín dụng chung trong nền kinh tế, các ngân hàng trung ương tác động đến lãi suất để thôi thúc các doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đầu tư và tuyển dụng, đồng thời để chính khu vực tư nhân quyết định chi tiêu ra sao và bao nhiêu.
Thế nhưng, sau cuộc khủng hoảng năm 2008, các ngân hàng trung ương nhận ra rằng việc giảm lãi suất xuống 0% cũng không đủ để vực dậy tăng trưởng; đó là lý do tại sao họ mua hàng ngàn tỷ USD trái phiếu và giảm một vài lãi suất xuống dưới mức âm. Các khái niệm như Nhật Bản hóa và đình trệ kéo dài đi kèm với việc nhiều chuyên gia dần nhận ra tác động ngày càng giảm của chính sách tiền tệ.
Ngày càng nhiều nhà quyết sách và chuyên gia kinh tế chỉ đến sự cần thiết của việc Chính phủ thực hiện một số khoản đầu tư và quyết định tuyển dụng để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng.
6. Gói kích thích tài khóa hoạt động ra sao?
Kích thích tài khóa được thực hiện bằng cách tăng chi tiêu và đầu tư, hoặc giảm thuế, hoặc cả hai để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Đó là lý do tại sao ở châu Âu, người kế nhiệm của ông Draghi, bà Christine Lagarde, cho rằng các Chính phủ có khả năng phải chi tiêu để hỗ trợ thêm cho chính sách tiền tệ.
Nhật Bản vừa thông báo bổ sung thêm gói kích thích trong năm 2019, nhưng cho tới nay họ vẫn tránh xa việc tăng chi tiêu vượt ngưỡng của những gói kích thích gần đây. Tại Mỹ, các gói kích thích tài khóa để đối phó với cuộc Đại Suy thoái xuất hiện dưới dạng chương trình chi tiêu khổng lồ, nhưng trong vài thập kỷ gần đây, gói kích thích tài khóa được thực hiện thông qua giảm thuế.
Cách tiếp cận này sẽ giữ vai trò của khu vực tư nhân như “người” phân bổ chính về nguồn lực kinh tế trong xã hội, nhưng lại không nhất thiết phải cho Chính phủ có quá nhiều sức ảnh hưởng.
Vương Đông (Theo Bloomberg)
FILI
|