Thứ Năm, 16/01/2020 08:31

Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

Mỹ và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày thứ Tư (15/01) giữa lúc xuất hiện nhiều hoài nghi liệu các nỗ lực “viết lại” mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh của ông Trump có thể tiến thêm hay không.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết kiểm soát chặt chẽ hành bi đánh cắp công nghệ và bí mật doanh nghiệp Mỹ, đồng thời chi ra 200 tỉ USD mua hàng hóa Mỹ nhằm rút ngắn chênh lệch thương mại với Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cam kết không thao túng tỷ giá để tạo lợi thế và bao gồm cả hệ thống thực thi để đảm bảo hai bên giữ lời hứa.

Hình ảnh tại buổi ký kết thỏa thuận giai đoạn 1

Buổi lễ được tổ chức trong căn phòng East Room ở Nhà Trắng, bao gồm có ông Trump, hàng tá doanh nhân và nhà làm luật của Mỹ, và các quan chức của Trung Quốc, từ đó đánh dấu khoảnh khắc thân thiện hiếm hoi giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới trong thời gian gần đây. Các cuộc đàm phán kéo dài đã làm chao đảo các thị trường tài chính, phủ bóng đen u tối lên các quyết định đầu tư và gây tổn thương đến tăng trưởng ở cả hai quốc gia.

“Đây là dịp rất quan trọng và đáng nhớ”, ông Trump nói. Sửa chữa lại những gì mà ông cho là bất công trong các thỏa thuận thương mại trước “có lẽ là lý do lớn nhất mà tôi tranh cử Tổng thống Mỹ”, ông nói thêm. “Cùng nhau, chúng ta sẽ sữa chữa những sai lầm trong quá khứ”.

Trong lá thư gửi tới ông Trump tại buổi lễ ký thỏa thuận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết thỏa thuận này chứng tỏ hai bên có thể cùng nhau giải quyết bất đồng và tuyên bố “thỏa thuận tốt cho Trung Quốc, Mỹ và cả thế giới”.

Đàm thoại kinh tế

Thỏa thuận dường như tập trung nhất vào việc đi đến hòa bình trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong số các yêu cầu của nó là nối lại các cuộc đối thoại kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thế nhưng, thỏa thuận mới đã bị chỉ trích vì bỏ lỡ quá nhiều vấn đề. Thỏa thuận không giải quyết những vấn đề như chính quyền Mỹ từ lâu đã cáo buộc rằng Trung Quốc hack các công ty và tổ chức Chính phủ Mỹ. Thỏa thuận cũng không đòi hỏi Trung Quốc phải cải cách mạng lưới trợ cấp Chính phủ - vốn hình thành xương sống cho mô hình chủ nghĩa tư bản Nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của các công ty Trung Quốc trên thương trường quốc tế.

Chính quyền Mỹ cho biết nhiều trong số những vấn đề này sẽ được bao gồm trong thỏa thuận giai đoạn 2, mặc dù thời điểm bắt đầu đàm phán về giai đoạn 2 vẫn chưa rõ và sẽ kéo dài bao lâu.

Trong khi đó, Mỹ cũng duy trì hàng rào thuế quan đối với gần 2/3 lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump cho rằng đây được xem là lợi thế đàm phán cho đến khi họ đồng ý cải cách thêm.

“Tôi sẽ đồng ý rút lại toàn bộ hàng rào thuế quan nếu chúng ta có thể tiến tới thỏa thuận giai đoạn 2. Nếu không tôi không có con bài nào để đàm phán cả”, ông Trump nói.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với các phóng viên trước buổi ký kết rằng chính quyền Mỹ tập trung vào việc triển khai thỏa thuận giai đoạn 1 trong ngắn hạn. Việc đàm phán thêm sẽ đến sau đó, ông nói, đồng thời cho biết thêm việc triển khai giai đoạn 1 có thể kéo dài đến mùa Xuân.

“Mọi việc vẫn chưa xong đâu”, Craig Allen, Trưởng Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung – vốn đại diện cho các công ty Mỹ tại Trung Quốc. “Hai bên nên đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 2 ngay sau khi ký thỏa thuận giai đoạn 1”.

Các Đảng viên Dân chủ ở Quốc hội Mỹ phản đối thỏa thuận, cho rằng bằng việc đồng ý với thỏa thuận giới hạn này, ông Trump đã từ bỏ đòn bẩy rất quan trọng mà ông có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề khó khăn hơn về thương mại, bao gồm cả việc Trung Quốc trợ cấp cho một số ngành công nghiệp.

Trong thỏa thuận này, Trung Quốc phải áp dụng biện pháp trừng phạt tội phạm đối với bất kỳ ai đánh cắp bí mật thương mại và cố gắng hơn để ngăn chặn việc bán hàng lậu trực tuyến, cũng như các sản phẩm dược giả mạo. Ngoài ra, thỏa thuận còn yêu cầu Bắc Kinh đưa ra kế hoạch hành động trong 30 ngày sau khi ký thỏa thuận về cách thức đạt được các cam kết về sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, thỏa thuận còn bao gồm việc Trung Quốc ngừng gây áp lực cho các công ty đang đầu tư tại Trung Quốc và buộc họ chia sẻ công nghệ với các đối tác liên doanh. Chưa hết, Chính phủ Trung Quốc phải ngừng hỗ trợ hoặc chỉ đạo các công ty Trung Quốc mua các công nghệ chiến lược bằng cách thâu tóm các công ty nước ngoài.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Zambia đối mặt nguy cơ mất tài nguyên vì vay tiền Trung Quốc (15/01/2020)

>   2020 có thể là năm xảy nhiều vụ sáp nhập ngân hàng trên thế giới (15/01/2020)

>   Những người giàu nhất Singapore (23/01/2020)

>   Mỹ và Trung Quốc không có thỏa thuận giảm thuế trong tương lai (15/01/2020)

>   WHO: Bệnh phổi lạ ở Trung Quốc lây từ người sang người, nguy cơ bùng phát (15/01/2020)

>   Thâm hụt ngân sách Mỹ vượt ngưỡng 1 ngàn tỷ USD lần đầu tiên trong 7 năm (14/01/2020)

>   Trung Quốc sẽ cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong thỏa thuận giai đoạn 1? (14/01/2020)

>   Công ty quốc doanh Trung Quốc lập kỷ lục lỗ gần 7 tỷ USD trong một năm (14/01/2020)

>   Chính phủ Nhật Bản khổ vì giá cả quá ổn định (14/01/2020)

>   Mỹ bỏ Trung Quốc ra khỏi danh sách thao túng tỷ giá (14/01/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật