Sự trỗi dậy của những ông trùm Đông Âu (kỳ 2): Bình minh của các chính quyền dân chủ
Giữa thập niên 90, vào lúc bình minh của các chính quyền dân chủ, việc bán tài sản Nhà nước cho các nhà đầu tư tư nhân dần trở thành cơ sở cho các chương trình kinh tế. Họ thèm khát ngoại tệ, lý tưởng hóa các bí quyết phương Tây và mong muốn giảm chi phí tài trợ cho các ngành công nghiệp không mấy thành công.
* Sự trỗi dậy của những ông trùm Đông Âu (kỳ 1): Những cánh chim đầu đàn
Chính các chương trình này đã tạo ra động lực chưa từng có cho làn sóng tích lũy tài sản tư nhân đầu tiên trong gần 1 thế kỷ tại Đông Âu. Quá trình này diễn ra ở nhiều dạng khác nhau, từ đấu thầu trực tiếp cho đến niêm yết lên sàn chứng khoán. Trước cuộc bầu cử Tổng thống hậu Liên Xô đầu tiên của Nga, chính quyền của ông Boris Yeltsin đang gặp khó khăn và phải vay nợ từ một nhóm ngân hàng - được xem là những kẻ đầu sỏ chính trị - thông qua thế chấp cổ phiếu trong các ngành công nghiệp quan trọng.
Vladimir Potanin, Nga
Tổng tài sản: 28.5 tỷ USD
Chỉ một số ít “kẻ đầu sỏ” đời đầu của Nga còn duy trì được quyền lực và người đàn ông giàu có nhất của nước Nga là một trong những kẻ đó. Potanin (58 tuổi) có đủ quyền lực để định hình chính sách kinh tế trong suốt thời Tổng thống Yeltsin tại vị.
Tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow – một ngôi trường sản sinh ra nhiều chuyên gia ưu tú của nước Nga, ông Potanin làm việc trong lĩnh vực ngoại thương, từ đó giúp ông đi trước những người khác và có lợi thế khi nền kinh tế mở cửa. Ông rót tiền vào công ty Interros trong năm 1990, trước khi Liên Xô sụp đổ.
Potanin nhanh chóng thành lập một trong những đế chế ngân hàng đầu tiên của nước Nga và là thế lực chi phối đằng sau kế hoạch đổi khoản vay nợ lấy cổ phiếu khét tiếng của ông Yeltsin lúc bấy giờ. Chính kế hoạch này đã phân phối các tài sản quan trọng cho một vài ông trùm vào giữa thập niên 90.
“Tài sản tư nhân được xem là liều thuốc cho chính quyền trồi sụt lúc bấy giờ”, Potanin cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Những người quản lý tài sản hiệu quả không xuất hiện từ hư không. Để họ ló mặt ra, các tài sản Nhà nước phải được chuyển giao cho những nhà đầu tư tư nhân”.
Vào cuối năm 1995, Potanin và đối tác kinh doanh khi đó Mikhail Prokhorov đã chiếm lấy lượng cổ phần chi phối tại Norilsk Nickel – công ty sản xuất niken và paladi tinh chế lớn nhất thế giới – chỉ với giá hơn 170 triệu USD. Mặc dù quá trình tư nhân hóa hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng cách quản lý tài sản sao cho hiệu quả mới là quan trọng, ông Potanin cho biết. Vốn hóa của Công ty đã leo lên hơn 40 tỷ USD và khoản đầu tư gần 35% cổ phần này chiếm phần lớn nhất trong tài sản của ông.
Năm kế đó, Potanin giúp ông Yeltsin tái đắc cử Tổng thống Nga và giành chiến thắng trước đối thủ theo chủ nghĩa cộng sản. Sau đó, ông Potanin được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng phụ trách về nền kinh tế và tài sản Nhà nước. Nhưng chỉ gần 1 năm sau đó, ông từ chức.
Với lượng tài sản khổng lồ, ông Potanin dễ dàng vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 1998 và 2008, và ông phải điều chỉnh khi Vladimir Putin lên nắm quyền. Hai người đàn ông cùng họ Vladimir đôi khi cùng nhau chơi khúc côn cầu trong một giải đấu quảng cáo với sự góp mặt của nhiều vận động viên, chính trị gia và nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng.
1990-2000: Miền đông hoang dã
Các nền kinh tế từng khép cửa với thế giới nay lại chịu mở cửa chào đón hàng hóa và nhà đầu tư từ nước ngoài và cho phép những người muốn né tránh chủ nghĩa xã hội trở về quê nhà. Nhiều người trở nên hối hả và giao dịch tất bật sau khi hệ thống chuyển thành chủ nghĩa tư bản – một hệ thống dành cho tất cả mọi người.
Sự xuất hiện của những công ty phương Tây được xem như một sự xác nhận của các chính sách từ Chính phủ - một lộ trình nhanh nhất để hồi sinh những ngành công nghiệp đã đổ nát và tạo ra văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian dần trôi, quan điểm trên có lẽ không còn phù hợp , khi dần dà một số chuyên gia xem các nhà đầu tư như bọn thực dân kinh tế, chỉ hứng thú với lượng lao động rẻ và cơ sở tiêu dùng ngày càng mở rộng.
Zygmunt Solorz, Ba Lan
Tài sản: 2.7 tỷ USD
Vào những ngày đầu, người đàn ông giàu nhất của Ba Lan lảng tránh đằng sau Bức tường Sắt (Iron Curtain). Truyền thuyết kể rằng, người đàn ông có nhiều cái tên khác nhau – được sinh ra và lớn lên ở Warsaw với cái tên Zygmunt Krok – từng hành nghề bán nến nghĩa trang. Câu chuyện này vẫn chưa được xác nhận.
Điều mà người ta biết đến là khi đang độ tuổi đôi mươi, ông ấy đã đến Đức để thành lập một công ty vận tải. Ông đã sử dụng tên một người bạn, Piotr Podgorski –những người bạn vẫn gọi anh ta là Piotrek – khi ông đăng ký làm người tị nạn để bảo vệ gia đình ở Ba Lan. Vào những năm 1980, ông lại sử dụng một cái tên khác, trở thành Solorz sau khi li dị người vợ đầu tiên và sau một thời gian, ông được biết đến với cái tên Solorz-Zak, thêm dấu gạch nối trong cuộc hôn nhân thứ hai.
Trong thập niên 80, ông đã bán xe hơi và các hàng hóa khác từ phương Tây ở Ba Lan. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Solorz trở lại và bắt đầu xây dựng đế chế của riêng mình, khởi đầu là công ty về mạng lưới truyền hình tư nhân đầu tiên và lớn nhất của đất nước, Telewizja Arlingtonat SA, vào năm 1992. Các khoản nắm giữ của ông hiện bao gồm Cyfrowy Arlingtonat SA, một trong những nền tảng kỹ thuật số lớn nhất ở châu Âu, một ngân hàng bán lẻ và Polkomtel, nhà mạng di động lớn thứ hai của đất nước mà ông đã mua trong một thỏa thuận M&A với giá trị kỷ lục.
Vị tỷ phú e dè truyền thông này gây bất ngờ trong năm nay khi công khai ủng họ môi trường, bắt đầu gây quỹ chống ô nhiễm môi trường và thường xuyên lên truyền hình nói về các vấn đề môi trường.
Còn tiếp...
Vương Đông (Theo Bloomberg)
FILI
|