Năm 2020: TP.HCM phải thu ngân sách 405.828 tỉ đồng
Thu ngân sách đạt 100% dự toán là một trong 5 mục tiêu kinh tế TP.HCM phải thực hiện trong năm 2020.
* Thu ngân sách nhà nước sẽ ngày càng khó?
* Thu ngân sách liên tục tăng cao, vì sao tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM lại giảm phân nửa?
* Chỉ tiêu thu ngân sách của TP.HCM hơn của 4 thành phố lớn cộng lại
Container xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái , TP.HCM - Ảnh TỰ TRUNG
|
Phát biểu tại hội nghị "Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2020" sáng 6-1, bà Lê Ngọc Thùy Trang, phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết năm 2020, Chính phủ giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cho thành phố là 405.828 tỉ đồng, tăng 1,68% so với dự toán năm 2019, chiếm tỉ trọng 26,5% trong tổng dự toán thu của cả nước.
Trong đó thu nội địa là 278.628 tỉ đồng, tăng 2,31% so với dự toán năm 2019, tăng 3,4% so với thực hiện năm 2019.
Để đạt được mục tiêu trên, bà Trang cho rằng cần thực hiện giải pháp tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cũng như theo dõi việc thực hiện thu nộp kịp thời đầy đủ và ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đôn đốc đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.
Đặc biệt, cần rà soát danh mục mặt bằng và địa chỉ nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, mặt bằng đã có chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai để thu hồi, tổ chức bán đấu giá.
Tiểu thương xuống hàng tại chợ đầu mối Bình Điền - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Theo bà Trang, để kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, thành phố cần tập trung triển khai hiệu quả đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực.
Với các dự án đầu tư, bà Trang đưa ra giải pháp rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư để trình UBND TP bố trí kế hoạch vốn năm 2020 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, ưu tiên vốn cho các công trình, dự án cấp bách.
Riêng với các dự án ODA, thành phố sẽ thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng vốn thực tế để điều chỉnh, giao kế hoạch vốn từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại hàng năm nhằm thúc đẩy tiến độ.
TRẦN VŨ NGHI - MAI HƯƠNG
Tuổi trẻ