Thu ngân sách nhà nước sẽ ngày càng khó?
Nhìn vào nguồn thu chính giúp tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các đầu tàu kinh tế, các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi “bầu sữa” ngân sách ngày càng bị hút cạn trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng, nhiều sắc thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do về bằng 0%, các địa phương cần lập dự toán thu sát thực tế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chống thất thu, chuyển giá.
Thu thuế ở nhiều tỉnh vẫn còn phụ thuộc vào nguồn từ dầu thô
|
Năm 2019 được coi là năm thành công nhất về thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ trước tới nay, vượt dự toán mức cao nhất trong 5 năm. Cụ thể, tính đến ngày 31/12, thu NSNN ước đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% so với dự toán (thu ngân sách Trung ương và địa phương đều vượt dự toán). Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, đến cuối năm 2019, nợ công chiếm khoảng 55% GDP, tiếp tục xu hướng giảm mạnh từ mức 63,7% GDP năm 2016. Đồng thời, nợ Chính phủ cuối năm 2019 còn khoảng 48% GDP, giảm so với mức 52,7% GDP của năm 2016.
“Những kết quả tích cực này góp phần quan trọng trong đảm bảo bền vững tài khóa, an toàn nợ công, đồng thời là tiền đề vững chắc cho việc tiếp tục triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành tài chính”, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá.
TPHCM vẫn được xem là đầu tàu kinh tế nước ta, “con bò sữa” của ngân sách, chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Ngân sách có hiệu lực năm 2002, tỷ lệ giữ lại từ tổng thu ngân sách của TPHCM chỉ còn 18%. 82% phải điều tiết về ngân sách Trung ương.
Theo TS.Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, việc điều tiết ngân sách này hàm ý phân phối lại thu nhập từ các tỉnh giàu, làm ăn hiệu quả đến những tỉnh nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những mặt trái, như thiếu hụt lượng đầu tư cho phát triển, trong khi khoản ngân sách điều tiết cho các địa phương khác dễ dẫn đến tình trạng ỷ lại, nhiều khi “không muốn lớn”, hoặc địa phương thực chất không phải nghèo, khó khăn nhưng vẫn muốn có khoản kinh phí từ ngân sách trung ương nên số liệu cứ “coi như vẫn nghèo”.
Báo cáo của UBND TPHCM mới đây cho thấy, tổng thu NSNN thành phố tính đến 17 giờ ngày 31/12 đạt 409.923 tỷ đồng, vượt 2,7% dự toán và tăng 8,2% so với năm 2018. Các khoản thu bao gồm, thu nội địa và dầu thô được 290.360 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu từ hoạt động XNK được 118.664 tỷ đồng, đạt 109% dự toán.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Thùy Trang, nhiều khoản thu không đạt dự toán là do môi trường đầu tư kinh doanh dù đã được cải thiện nhưng vẫn tồn tại những hạn chế gây ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp (DN).
Thế nhưng, chỉ tiêu dự toán thu ngân sách năm sau được giao luôn phải cao hơn năm trước. Việc Trung ương giao dự toán thu nội địa năm 2019 tăng đến 11,2% so với thực hiện năm 2018, trong đó dự toán thu từ khu vực kinh tế năm 2019 tăng cao so với thực hiện năm 2018 cũng là áp lực lớn cho ngân sách thành phố.
Về chi ngân sách của TPHCM trong năm 2019 ước thực hiện 77.718 tỷ đồng; địa phương này đang bội chi.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của thu ngân sách là nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, TPHCM trong vòng 5 năm trở lại đây đã gần như không còn được hưởng nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu khi tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giờ chỉ còn 18%.
Giảm phụ thuộc vào dầu thô
Trong số những địa phương đứng đầu cả nước về số thu ngân sách, có thể thấy địa phương nào có lợi thế về cảng biển nước sâu, nhiều khu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài tốt thì số thu NSNN cũng luôn đứng đầu.
Đơn cử như Hải Phòng, địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu NSNN với tổng số thu đạt gần 90.000 tỷ đồng. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) đạt gần 60.000 tỷ đồng, thu nội địa đạt 27.019 tỷ đồng. Các khu vực có số thu tăng cao so với kế hoạch là khối DN FDI, DN ngoài quốc doanh.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương đứng top đầu cả nước về thu ngân sách. Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2019 ước 86.958 tỷ đồng, đạt 116% so với dự toán và bằng 102% so với cùng kỳ.
Có thể thấy nguồn thu của tỉnh này vẫn phụ thuộc chính vào dầu thô nhập khẩu. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh này khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế không phụ thuộc vào dầu khí, trong đó chú trọng 5 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Tuấn Nguyễn
Tiền phong