Thứ Sáu, 27/12/2019 16:25

Lợi nhuận trước lãi vay - thuế và khấu hao ở mức 30%: nên hay không?

Vướng mắc của nhiều doanh nghiệp xung quanh khoản 3, điều 8 của Nghị định 20/2017 về tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, vừa được Bộ Tài chính tháo gỡ bằng đề xuất tăng từ mức 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA) lên mức 30%.

* Doanh nghiệp kiến nghị hoàn trả thiệt hại do quy định khống chế lãi vay 20%

* Khống chế chi phí lãi vay, doanh nghiệp kiệt sức

* Lãi vay giảm, doanh nghiệp dễ thở hơn

Tuy nhiên, con số này vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp và chuyên gia thuế.

Mức độ ảnh hưởng của khoản 3, điều 8, Nghị định 20 với doanh nghiệp là khác nhau. Đó cũng là lý do khiến còn rất nhiều ý kiến xung quanh đề xuất sửa đổi của Bộ Tài chính. Trong ảnh: Sản xuất tại một nhà máy. Ảnh: Minh Tâm

Trao đổi với TBKTSG, ông Phan Thế Vinh, Kế toán trưởng Công ty TNHH Hải Nam (tỉnh Bình Thuận) chuyên sản xuất xuất khẩu các loại thủy hải sản, cho rằng việc Chính phủ sửa đổi khoản 3, điều 8 ngay trong năm 2019 là một tin rất vui cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Vinh, mức EBITDA 30% như dự thảo chỉ nên áp dụng với công ty, tập đoàn trong nước vì phù hợp với điều kiện huy động vốn của doanh nghiệp giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, với các tập đoàn đa quốc gia, có giao dịch xuyên biên giới thì nên giữ mức hiện hành (20%). Đây là mức trung bình quốc tế.

Ngoài ra, theo ông Vinh, quy định về khống chế lãi vay cũng nên loại trừ các dự án đầu tư đang được hưởng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, bên cạnh các trường hợp đã nêu trong dự thảo.

Ông Nguyễn Đình Du, Phó tổng giám đốc, Giám đốc dịch vụ xác định giá thị trường, Công ty Tư vấn và Kiểm toán Grant Thornton Việt Nam, thì cho rằng việc sửa đổi giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay từ 20% lên thành 30% vừa thể hiện sự lắng nghe của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, vừa đảm bảo sự tuân thủ pháp luật hiện hành.

“Đề xuất này được thông qua sẽ giúp doanh nghiệp giảm nhẹ phần nào gánh nặng chi phí, tạo điều kiện cho họ lập kế hoạch sử dụng các nguồn lực có thể có trong tương lai tốt hơn”, ông Du nhận định.

Bên cạnh đó, ông Du nhấn mạnh việc thực hiện Nghị định 20 ngoài những vướng mắc về trần lãi vay, còn có nhiều khúc mắc khác. Do vậy, cần có thêm các hướng dẫn pháp lý cụ thể để góp phần tăng tính khả thi và minh bạch trong việc áp dụng quy định cũng như thực hiện cam kết của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, cần bổ sung thêm hướng dẫn pháp lý liên quan đến vấn đề phân bổ các chi phí lãi vay được khấu trừ trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh cả khoản vay với bên liên kết và khoản vay với bên độc lập; đến việc kê khai thông tin từ phía tập đoàn khi chuẩn bị các hồ sơ tuân thủ liên quan đến giao dịch liên kết hàng năm.

Trên trang web chính thức của Bộ Tài chính, dự thảo sửa đổi Nghị định 20 cũng đang nhận được nhiều ý kiến từ các đối tượng liên quan. Người đọc Trương Hồng Hải ở địa chỉ e-mail hai.truonghong@triminhco.com.vn bày tỏ quan điểm đề xuất sửa đổi khoản 3, điều 8 như dự thảo là vô nghĩa và không đi vào thực tiễn đối với các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vì những năm đầu hoạt động không có lãi. Vị này đề xuất cần sửa đổi đối tượng áp dụng phần chi phí lãi vay phát sinh không vượt quá 20%.

Theo đó, mức trần này nên áp dụng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới và các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau.

Bình luận với TBKTSG, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Intemex, đặt câu hỏi tại sao lại là 30% mà không phải là bỏ luôn quy định về chi phí lãi vay được trừ trong Nghị định 20? Theo ông Nam, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, từ công ty mẹ đến công ty con vẫn nằm dưới sự quản lý của Tổng cục Thuế nên không thể lách thuế như lo ngại.

Liên quan đến khoản 3, điều 8, Nghị định 20, Bộ Tài chính đề xuất sửa như sau:

“3. Giao dịch vay, cho vay của người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết:

a) Tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) chi phí lãi vay thuần cộng (+) chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

a1) Doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay và các khoản có tính chất tương tự xác định theo quy định của pháp luật về kế toán và thuế.

a2) Chi phí lãi vay bao gồm chi phí lãi vay và các khoản có tính chất tương tự lãi vay, bao gồm cả chi trả tiền vay được tính vào giá trị đầu tư theo quy định của pháp luật về kế toán và thuế.

a3) Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) chi phí lãi vay thuần cộng (+) chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế nhỏ hơn (<) hoặc bằng (=) 0, chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần được trừ theo quy định tại điểm a khoản này để xác định thu nhập chịu thuế của 05 năm tiếp theo theo quy định xác định lỗ và chuyển lỗ của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

b) Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm; không áp dụng đối với các giao dịch vay, cho vay của các dự án công ích, xã hội, dự án mục tiêu, trọng điểm thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Chính phủ, được Bộ Tài chính thẩm định phương án tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Nghị định sửa đổi này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2019 trở đi.

Đối với các trường hợp phát sinh chi phí lãi vay không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đến trước ngày có hiệu lực thi hành của nghị định này mà chưa tính vào chi phí để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ đã kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì toàn bộ chi phí lãi vay thuần vượt mức khống chế theo quy định được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần, theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 8 nêu tại khoản 2 điều 1 nghị định sửa đổi này, để xác định thu nhập chịu thuế của năm năm tiếp theo theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tâm An

TBKTSG

Các tin tức khác

>   NVT: Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Kế toán trưởng (27/12/2019)

>   HTI: Nghị quyết HĐQT về kết quả kinh doanh năm 2019 và vay vốn (27/12/2019)

>   POM: Nghị quyết HĐQT về việc chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu trả cổ tức (27/12/2019)

>   CTI: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ (27/12/2019)

>   FUESSV50: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 26/12/2019 (27/12/2019)

>   Chứng quyền CSTB1901: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền do đáo hạn (27/12/2019)

>   CSTB1901: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền do đáo hạn Chứng quyền CSTB1901 (27/12/2019)

>   FUCVREIT: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tuần từ 18/12/2019 đến 24/12/2019 (27/12/2019)

>   DRH: Nghị quyết HĐQT về việc mua lại cổ phiếu ESOP làm cổ phiếu quỹ (27/12/2019)

>   TVB: Nghị quyết HĐQT số 27 ngày 26/12/2019 (27/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật