Có cơ sở để Sabeco không nộp 2.495 tỉ vào ngân sách
Kiểm toán Nhà nước bỏ kiến nghị Sabeco phải nộp hơn 2.495 tỉ vào ngân sách sau khi Thường trực Chính phủ có kết luận chỉ đạo từ ý kiến của các bộ Tài chính, Công thương, Tư pháp, Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ.
Một công đoạn sản xuất tại nhà máy của Sabeco. Ảnh: T.T
|
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết nội dung trên sau khi Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố thông tin Kiểm toán Nhà nước đã bỏ kiến nghị "Sabeco phải nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31-12-2016 là 2.495.452.387.436 đồng" tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của Sabeco.
Theo ông Tiên, thời điểm Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Sabeco phải nộp số tiền nói trên được cơ quan này xác định trước khi Sabeco tổ chức đấu giá để bán 53,59% cổ phần cho Công ty TNHH Vietnam Beverage, Nhà nước vẫn đang sở hữu 89,59%, nên việc phải nộp lợi nhuận chưa phân phối đến 31-12-2016 "phù hợp với các quy định của Nhà nước về trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước, chiếm 89,59% vốn điều lệ".
Tuy nhiên, đến ngày 18-12-2017, thời điểm sau kết thúc kiểm toán, Bộ Công thương đã bán đấu giá 343 triệu cổ phiếu do Nhà nước sở hữu, tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco cho Công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty con của Tập đoàn ThaiBev - Thái Lan).
Ông Tiên cho biết để giải quyết dứt điểm kiến nghị của ThaiBev và Sabeco liên quan đến việc nộp lợi nhuận chưa phân phối nói trên, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính cho ý kiến về hai vấn đề.
Thứ nhất, bản công bố thông tin về việc thoái vốn cổ phần của Bộ Công thương tại Sabeco có trình bày đầy đủ, rõ ràng về việc SABECO sử dụng lợi nhuận sau thuế năm 2016 trở về trước để dự phòng nguồn cho nộp phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp phát sinh từ khoản thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bổ sung giai đoạn 2007-2015.
Hoặc, Sabeco có nghĩa vụ tiếp tục phải nộp phạt hành chính và tiền chậm nộp thuế phát sinh từ khoản thuế TTĐB phải nộp bổ sung giai đoạn 2007-2015 để nhà đầu tư biết hay không.
Thứ hai, giá trị doanh nghiệp làm cơ sở xác định giá khởi điểm chào bán cổ phần của nhà nước tại Sabeco có bao gồm khoản lợi nhuận sau thuế năm 2016 trở về trước của Sabeco hay không.
Trường hợp Bộ Công thương, Tài chính kiểm tra lại hồ sơ thoái vốn nhà nước tại Sabeco cho thấy giá trị doanh nghiệp làm cơ sở xác định giá khởi điểm chào bán cổ phần của nhà nước tại Sabeco đã bao gồm khoản lợi nhuận sau thuế năm 2016 trở về trước thì Kiểm toán Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm kiến nghị, không tiếp tục đề nghị Sabeco nộp vào ngân sách số lợi nhuận chưa phân phối này.
Từ các kiến nghị trên của Kiểm toán Nhà nước, ông Tiên cho hay sau khi nhận được ý kiến của các bộ Tài chính, Công thương, Tư pháp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo ngày 4-12-2019, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh, bỏ kiến nghị buộc Sabeco phải nộp khoản tiền "dùng dằng" kéo dài gần hai năm nói trên.
Lê Thanh - Trần Vũ Nghi
Tuổi Trẻ
|