Đủ kiểu trốn thuế xuất khẩu
Không chỉ nhập lậu trốn thuế, giả mạo xuất xứ, trong tháng cuối năm, liên tục nhiều vụ xuất lậu gỗ, nhôm phế liệu trốn thuế hàng chục tỉ đồng đã bị hải quan phát hiện, bắt giữ.
* Chặn kho nhôm khổng lồ 4,3 tỷ USD của Trung Quốc 'đội lốt'
* Kinh doanh qua mạng hết đường trốn thuế?
Lô hàng xuất khẩu trốn thuế bị lực lượng chức năng phát hiện tại cảng Cát Lái. Ảnh: Ng.Nga
|
Khai thuế 0%, thực chất 25%
Cần khởi tố một số vụ việc nhằm răn đe. Song quan trọng nhất là cơ quan chức năng tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát nhanh nhất, cụ thể có thể lắp đặt các máy quét, máy chiếu hàng hóa mà không cần phải khui container đảm bảo giải phóng hàng hóa thông quan cho DN nhanh mà không bị lợi dụng.
|
Chỉ trong 1 tuần giữa tháng 12, hơn 140 container gỗ xuất khẩu gian lận thuế với số tiền lớn đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, ngăn chặn.
Vụ đầu tiên là Công ty TNHH thương mại Sài Gòn Á Châu (Bình Phước), mở 14 tờ khai và làm thủ tục xuất khẩu 25 container gỗ tại Chi cục Hải quan Chơn Thành - Cục Hải quan Bình Phước, hàng xuất qua cảng Cát Lái đi Trung Quốc. Theo khai báo của doanh nghiệp (DN), hàng hóa xuất khẩu là “ván lạng sản xuất từ gỗ cao su”, có mức thuế suất thuế xuất khẩu 10%. Tuy nhiên, do nghi vấn, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã cho dừng thông quan, đưa hàng qua khu vực giám sát. Kết quả kiểm tra thực tế ngày 10.12 với sự chứng kiến của đại diện cơ quan chức năng cho thấy, toàn bộ 25 container hàng là gỗ xẻ, thuế suất thuế xuất khẩu 25%. Số tiền DN trốn thuế là gần 3 tỉ đồng.
Kế đó, từ ngày 16.12, cũng tại cảng Cát Lái, lực lượng hải quan và các cơ quan chức năng phối hợp mở 111 container “viên nén mùn cưa” thuế suất xuất khẩu 0% xuất sang Trung Quốc của Công ty TNHH chế biến gỗ Chí Lâm (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng, Bình Dương). Tuy nhiên, kết quả kiểm tra trực tiếp nhiều ngày cho thấy, 111 container hàng này là gỗ xẻ như lô hàng trên, thuế suất xuất khẩu 25%. Theo một cán bộ hải quan tại cảng, mẫu lô hàng đang được giám định, thực trốn thuế của DN có thể hàng chục tỉ đồng.
Trước đó, trong tháng 11, cũng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, lô hàng 4 container của Công ty TNHH TM DV XNK Lâm An (Q.1, TPHCM) đứng tên mở tờ khai hải quan xuất đi Hàn Quốc, khai là ống thép tròn mạ kẽm, thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, hải quan TP.HCM bí mật theo dõi và chuyển luồng kiểm tra trực tiếp, kết quả toàn bộ 4 container là vỏ nhôm phế liệu, có thuế suất thuế xuất khẩu 22%. Lô hàng gian lận thuế xuất khẩu hơn 620 triệu đồng. Vụ việc đã được Cục Hải quan TP.HCM ra quyết định khởi tố để điều tra mở rộng.
Trước đó, trong tháng 4, tại cảng Cát Lái, một DN ở H.Bình Chánh (TP.HCM) xuất khẩu hàng chục tấn phế liệu đồng đi Hàn Quốc, nhưng khai 25 tấn phôi phế liệu dạng vụn để trốn thuế hơn 60 triệu đồng. Hoặc trong tháng 8, lô hàng xuất khẩu 5 container của Công ty TNHH XNK và PT Đức Minh, khai đất nung mới thuế suất thuế xuất khẩu 0%, nhưng qua khám xét và trưng cầu giám định là nhôm phế liệu thuế suất thuế xuất khẩu 25%...
Bí mật điều tra, thu thập chứng cứ
Ông Trần Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cho biết việc tăng “siết” buôn lậu gian lận thương mại là công tác trọng tâm trong thời gian qua, đặc biệt những tháng cuối năm.
Ông Việt Thắng nói: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tăng cường thu thập thông tin các đối tượng có dấu hiệu nghi ngờ gian lận trong xuất nhập khẩu. Song song việc khởi tố điều tra các vụ xuất lậu trốn thuế, trong tháng 12, chúng tôi cũng đã khởi tố 3 vụ buôn lậu. Đó là nhập khẩu trốn thuế, gian lận xuất xứ hàng thời trang Trung Quốc ghi xuất xứ VN và Hàn Quốc hay nhập hàng máy móc cũ lại khai hàng máy mới 100%...”.
Theo ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, các trường hợp nghi vấn đều phải có cơ sở trên phương pháp phân tích nghiệp vụ, không thể tiết lộ công khai. Mặt khác, phút cuối, nếu chỉ nghi ngờ không có cơ sở, có thể cho cán bộ trinh sát bí mật điều tra nhà xưởng, công ty ngay trong đêm để ra quyết định dừng thông quan. Bởi nếu làm không chắc chắn, DN có thể phản ứng vì khiến lô hàng bị trễ tàu, không giao kịp cho khách hàng. Thế nên, quyết định chuyển luồng không đơn giản chỉ vì nghi ngờ...
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đánh giá tình trạng kê khai mặt hàng không giống với hàng hóa xuất khẩu để hưởng thuế xuất thấp khá phổ biến, nhưng thực tế cơ quan chức năng bắt được vụ nào thì biết vụ đó.
“Việc phân luồng kiểm tra thông quan khác nhau tạo điều kiện cho DN xuất hàng hóa đi nhanh nhưng cũng có một số DN lợi dụng điều này để giảm số thuế phải nộp. Hành vi khai mã số thuế, thuế suất hàng hóa thấp khi bị phát hiện sẽ phải tính lại để truy thu và phạt, với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, thực tế ít vụ bị khởi tố. Vì vậy, tình trạng gian lận để trốn thuế vẫn còn rất nhiều”, luật sư Xoa nói.
Thanh Xuân
Thanh niên