Thêm một chuỗi thời trang cao cấp nổi tiếng phá sản
Tập đoàn Authentic Brand đã mua chuỗi trung tâm mua sắm thời trang Barneys- biểu tượng xa xỉ của New York.
Barneys New York thuộc về tay tập đoàn Authentic Brand sau gần 100 năm ngự trị. Ảnh: Bloomberg
|
Thông tin đăng tải trên Business insider, sau gần 100 năm bán đồ cho giới thượng lưu tại New York và các tín đồ thời trang trên thế giới, Barneys New York đã chính thức thuộc về tay Tập đoàn Authentic Brand.
Ngày 31-10 vừa qua thẩm phán Cecelia G. Morris đã phê duyệt một thỏa thuận cho Tập đoàn Authentic Brand để mua lại Barneys. Theo đó, dự kiến tất cả các cửa hàng sẽ bị đóng cửa và cấp phép thương hiệu cho Saks Fifth Avenue.
Barneys New York được biết đến là một trong những lão làng làng thời trang cao cấp của New York. Là chuỗi trung tâm mua sắm thời trang xa xỉ của New York.
"Việc phá sản xảy ra sau nhiều quý kinh doanh giảm sút, nguyên nhân là do sự bùng nổ của thương mại điện tử trong ngành thời trang. Lượng khách mua hàng giảm sút, đồng thời giá thuê mặt bằng cũng là vấn đề khiến họ "vất vả" bám trụ để hoạt động"- Business insider nhìn nhận.
Barneys New York thuộc về tay tập đoàn Authentic Brand sau gần 100 năm ngự trị. Ảnh: Bloomberg
|
Mặc dù trước khi nộp đơn phá sản, hãng thời trang này đã có kế hoạch giữ lại một số cửa hàng thời trang hàng đầu tại Manhattan (quận có mật độ dân số đông nhất Thành phố New York-PV), nhưng cửa hàng cũng nhanh chóng bị đóng cửa.
Thông tin từ tờ báo này cho hay, sự sụp đổ của Barneys dường như gây sốc cho những người yêu thời trang. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên họ đứng trước bờ vực phá sản, khi năm 1990 hãng thời trang này cũng lâm vào cảnh lao đao vì tài chính.
Cách đây không lâu, thông tin Forever 21 cũng đệ đơn xin phá sản đã gây ra nhiều bất ngờ và gây tiếc nuối cho không ít người. Nguyên nhân cũng được dự đoán là do sự bùng nổ của thương mại điện tử và tiền thuê mặt bằng quá cao, khiến hãng thời trang này nhanh chóng đi vào lũng đoạn và phải đóng cửa.
Trong một dự báo hồi đầu năm của BoF và Mckinsey & Company (đơn vị nghiên cứu thị trường) tiết lộ, năm 2019 ngành công nghiệp thời trang sẽ tăng trưởng chững lại cùng với sự thay đổi mô hình giữa người tiêu dùng và hệ thống thời trang. Theo đó mức tăng trưởng công nghiệp dự kiến sẽ chậm lại từ 3,5% đến 4,5%, khá thấp so với năm 2018.
THU HÀ
Pháp luật TPHCM