Những chính sách mới giúp ngành ngân hàng ổn định
Đứng ở góc độ quản lý toàn ngành, những quy định mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cũng mong muốn giúp tăng cường an toàn vốn của các ngân hàng.
Đó là nhận định của ông Quản Trọng Thành - Trưởng phòng phân tích - Khách hàng tổ chức của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng.
Ông Quản Trọng Thành - Trưởng phòng phân tích Khách hàng tổ chức Maybank Kim Eng
|
Sau khi xảy ra vấn đề nợ xấu vào những năm 2008 - 2012, ngành ngân hàng mới đi vào củng cố hoạt động. Đứng ở góc độ quản lý toàn ngành, những quy định mà NHNN đưa ra cũng mong muốn giúp ngân hàng mạnh hơn. Từ năm 2015 đến nay, NHNN đã đưa ra hàng loạt thay đổi chính sách, tập trung quy định về phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng, đồng thời tăng cường an toàn vốn của các ngân hàng.
Trước hết là Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng. Tiếp theo là tăng cường chỉ số an toàn hoạt động, trước đó là Thông tư 36/2014/TT-NHNN và bây giờ là Thông tư 22/2019/TT-NHNN mới đưa ra.
Hiện tại, đa số các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về dưới 40% và còn 2 năm nữa để điều chỉnh tỷ lệ này về còn 30% (theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN). Các ngân hàng đang cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động, huy động vốn dài hạn nhiều hơn, điều này không ảnh hưởng nhiều đến biến động giá cổ phiếu.
Thông tư 22/2019/TT-NHNN điều chỉnh có lợi cho các ngân hàng tư nhân
Hiện tại, tỷ lệ cấp tín dụng trên nguồn vốn huy động (LDR) áp dụng cho các ngân hàng “gốc” Nhà nước là 90%, các ngân hàng tư nhân là 80%. Sau 2 năm nữa, tất cả ngân hàng đều áp dụng tỷ lệ này là 85% theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, chứng tỏ các NHTM tư nhân đang được lợi, có thêm nguồn vốn để cho vay, một số ngân hàng không bị áp lực quá quyết liệt về huy động vốn để đảm bảo tỷ lệ đó.
Về phía NHTM Nhà nước, nhìn vào các ngân hàng đầu ngành như Vietcombank, khả năng huy động vốn rất mạnh, hiện tại tỷ lệ này đã dưới 85%, hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện quy định này.
Với quan điểm của ông Thành, thời hạn áp dụng và việc điều chỉnh tỷ lệ LDR theo thông tư 22 "dễ thở" hơn đối với các ngân hàng, các ngân hàng có room để điều tiết chi phí vốn của mình.
Thông tư 18/2019/TT-NHNN “dễ thở" hơn cho công ty tài chính
Từ đầu năm 2018 đã có thông tin NHNN sẽ siết cho vay tài chính tiêu dùng bằng cách áp trần đối với cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở mức 30%. Trong cho vay tiêu dùng, phân khúc cho vay trực tiếp để mua sản phẩm xe máy, thiết bị điện tử đã bão hòa trong khi các nhu cầu vay để đóng học phí, viện phí… lại tăng cao, dẫn đến nhu cầu vay tiền mặt rất cao. Do vậy, cho vay tiền mặt đang là kênh đáp ứng nhu cầu đa dạng với lợi suất cao. Giai đoạn trước bùng nổ, có nhiều khoản cho vay tiêu dùng tiền mặt rủi ro, do đó NHNN muốn kiểm soát rủi ro này.
Cách tính tỷ lệ cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN vừa được ban hành nhẹ hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu. Trước đó, tỷ lệ cho vay tiền mặt bằng các khoản cho vay tiền mặt chia cho tổng dư nợ. Nhưng theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN , cách tính cho vay tiền mặt chỉ áp dụng đối với những khoản có dư nợ trên 20 triệu đồng, có nghĩa là cấm những khoản cho vay tiền mặt có rủi ro cao.
Thời hạn áp dụng trần đối với tỷ lệ cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ đạt mức 70% tính từ năm 2021, sau đó là 60% vào năm 2022, 50% vào năm 2023 và từ 2024 trở đi là 30%. Nghĩa là vẫn còn khoảng thời gian đủ dài để tăng trưởng và điều chỉnh danh mục cho vay.
Theo ông Thành, 2 quy định về cách tính tỷ lệ tiền mặt và thời hạn áp dụng đang “dễ thở” hơn cho công ty tài chính. Thể hiện quan điểm NHNN đang muốn từ từ điều tiết tăng cường an toàn hoạt động của ngành tài chính tiêu dùng nói riêng và cả ngành ngân hàng nói chung mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
Quy định hiện tại, NHNN cho phép các công ty tài chính tiêu dùng đủ không gian để điều tiết chứ không phải muốn “siết chặt”. Tổng quan, NHNN muốn ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng tăng cường tỷ lệ an toàn và giúp đẩy lùi cho vay tín dụng đen.
Nhìn chung từ Thông tư 22/2019/TT-NHNN đến Thông tư 18/2019/TT-NHNN, động thái điều chỉnh của NHNN đang thực hiện rất phù hợp.
Điều chỉnh giảm lãi suất không ảnh hưởng quá lớn đến chi phí vốn và biên lợi nhuận của ngân hàng
Việc điều chỉnh lãi suất như vậy có ảnh hưởng biên lợi nhuận và khả năng sinh lời của ngân hàng không?
Khi NHNN yêu cầu giảm lãi suất cho vay với những lĩnh vực ưu tiên, phần này chỉ tác động khoảng 20% danh mục các ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng áp trần lãi suất huy động ngắn hạn giảm. Phần huy động ngắn hạn dưới 6 tháng chiếm khoảng 30% nguồn vốn ngân hàng. Như vậy điều chỉnh giảm không ảnh hưởng quá lớn đến chi phí vốn và biên lợi nhuận của ngân hàng.
NHNN muốn ngân hàng hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng cuồn aan toàn hoạt động, đồng thời không làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và khả năng sinh lợi. Đạt vào bức tranh chung, NHNN cần ngân hàng củng cố an toàn vốn. Hiện tại, các ngân hàng đạt gặp vấn đề là trần sở hữu nước ngoài đã đầy, các ngân hàng đang gặp vấn đề huy động vốn bên ngoài. Muốn tăng cường an toàn vốn phải đảm bảo được khả năng sinh lời, làm sao đảm bảo duy trì NIM khoảng 3.5-4%, ROE khoảng 18-20%. Như vậy, mới đảm bảo cho các ngân hàng vẫn có vốn hoạt động.
Dự báo về tình hình ngành ngân hàng trong vòng 12 tháng tới, ông Thành cho biết những quy định mới vẫn hỗ trợ ngành ngân hàng phát triển, tăng trưởng tín dụng cả ngành vẫn ổn định duy trì mức 13-14%, margin vẫn mở rộng, nếu đẩy mạnh bán lẻ. Chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cả ngành ở mức 1.89%, còn những ngân hàng đầu ngành khoảng 1%, chính vì thế giúp ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng quá lớn cho năm sau. Những điều này giúp khả năng tăng trưởng lợi nhuận duy trì 18-20%, ROE khoảng 20-22% đối với các ngân hàng đầu ngành.
* Hạ trần lãi suất giúp tiết giảm nguy cơ khủng hoảng do bong bóng tài sản
* Hạ trần lãi suất huy động sẽ tác động thế nào lên thị trường chứng khoán?
* Giảm lãi suất – Vì sao chọn thời điểm này?
* NHNN: Hạ lãi suất tiền gửi từ ngày 19/11
* Ngân hàng Nhà nước siết cho vay tiêu dùng
Cát Lam
FILI
|