VDSC: Đường cong lãi suất dốc lên và niềm tin trở lại
Theo báo cáo chuyên đề vĩ mô và đầu tư của CTCK Rồng Việt (VDSC), những dấu hiệu cho thấy niềm tin đang cải thiện hơn khi những đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp trên quy mô rộng vừa qua chính là yếu tố giúp kéo dài dư địa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cách đây một năm về trước, đường cong lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược đã phủ bóng mây lên nền kinh tế Mỹ cũng như cả thế giới về một cuộc suy thoái toàn cầu sắp đến. Đây đã từng là chỉ báo đáng tin cậy trong quá khứ. Căng thẳng thương mại đã khiến nhà đầu tư lo sợ. Tâm lý thị trường bị tác động khủng khiếp, S&P 500 rơi tự do từ 2,810 đầu năm 2018 xuống 2,500 trước Lễ giáng sinh.
Tuy nhiên, tác động lên nền kinh tế thực của Mỹ chưa thực sự xuất hiện. Môi trường kinh doanh “có vẻ rủi ro’” là nguyên nhân chính khiến kết quả các cuộc khảo sát như PMI giảm mạnh trên quy mô toàn cầu. Tại Mỹ, khảo sát niềm tin kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất được thực hiện bởi ISM đã ghi nhận đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018, dù sản lượng công nghiệp thực tế vẫn ở mức cao.
Hiện nay, VDSC đang ghi nhận những dấu hiệu cho thấy niềm tin đang cải thiện hơn. Những đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp trên quy mô rộng vừa qua chính là yếu tố giúp kéo dài dư địa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong năm 2019, Fed đã giảm lãi suất 3 lần liên tiếp và truyền đi thông điệp sẵn sàng để nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng hơn trong một khoảng thời gian dài hơn. ECB, PBOC và hàng chục ngân hàng trung ương khác cũng đã hành động để thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Mỹ đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại tạm thời. Trung Quốc có thể đồng ý mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính và ổn định đồng Nhân dân tệ. Đổi lại, Mỹ sẽ xóa bỏ mức tăng thuế 5% áp lên 250 tỷ hàng hóa Trung Quốc, dự tính có hiệu lực trong tháng 10 vừa rồi, và cũng trì hoãn kế hoạch tăng thuế vào tháng 12. Như một kết quả tất yếu, đường cong lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đã dốc trở lại.
Do vậy, VDSC có thể kỳ vọng niềm tin kinh doanh sẽ trở lại và lấp đầy khoảng chênh lệch giữa niềm tin và thực tại. Tại Mỹ, chỉ số sản xuất PMI tăng nhẹ lên 48.3 điểm trong tháng 10 từ mức 47.8 điểm. Kết quả khảo sát hoạt động sản xuất mới nhất tại Trung Quốc cho thấy niềm tin kinh doanh về triển vọng kinh tế 12 tháng tới đã ở mức cao nhất kể từ tháng 4 năm nay. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều lạc quan về điều kiện thị trường sẽ cải thiện.
Kinh tế Việt Nam hiển nhiên sẽ được hưởng lợi từ diễn biến trên. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong quý 3 vừa qua, trên 43% doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn trong khi 38% báo cáo "ổn định". Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu công bố kết quả khảo sát đánh giá của thành viên về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, chỉ số môi trường kinh doanh đạt 80 điểm trong quý 2 khi có tới trên 65% người trả lời cho biết tình hình kinh doanh của họ "tốt" hoặc "rất tốt".
FILI
|