Hạ trần lãi suất giúp tiết giảm nguy cơ khủng hoảng do bong bóng tài sản
Theo đánh giá của chuyên gia, chính sách hạ trần lãi suất tạo tiền đề nền tảng vững vàng cho các doanh nghiệp niêm yết cũng như các nhà đầu tư trung và dài hạn, tiết giảm các nguy cơ khủng hoảng do giai đoạn bong bóng tài sản gây ra. Về khía cạnh dòng tiền thị trường chứng khoán ngắn hạn khó có thể thay đổi nhanh, thậm chí còn có phần hạn chế do thị trường tài chính cũng là đối tượng bị kiểm soát.
* Hạ trần lãi suất huy động sẽ tác động thế nào lên thị trường chứng khoán?
* Giảm lãi suất – Vì sao chọn thời điểm này?
* NHNN: Hạ lãi suất tiền gửi từ ngày 19/11
Hạ trần lãi suất giúp tiết giảm nguy cơ khủng hoảng
Theo ông Nguyễn Kim Chi – Giám đốc Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch CTCK KIS Việt Nam (KIS Việt Nam) nhận định động thái áp trần lãi suất huy động ngắn hạn 6 tháng và áp trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên cho thấy hành động rõ ràng quyết đoán của Chính phủ trong việc kiểm soát và định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản suất, ngăn ngừa dòng tiền đổ vào lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là thị trường bất động sản đang khá nóng trong thời gian qua.
Theo đó, chính sách này tạo tiền đề nền tảng vững vàng cho các doanh nghiệp niêm yết cũng như các nhà đầu tư trung và dài hạn, tiết giảm các nguy cơ khủng hoảng do giai đoạn bong bóng tài sản gây ra.
Về khía cạnh dòng tiền thị trường chứng khoán ngắn hạn khó có thể thay đổi nhanh, thậm chí còn có phần hạn chế do thị trường tài chính cũng là đối tượng bị kiểm soát.
Trong báo cáo đánh giá nhanh về vấn đề này, CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 6,000 - 7,000 tỷ đồng. KBSV cho biết, dư nợ tín dụng của việc vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng (VNĐ) đối các lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 25% - 30% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Với ước lượng tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng thêm khoảng 300,000 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm (tăng trưởng tín dụng = 14%) tác động của việc hạ lãi suất cho vay 0.5 điểm %, với giả định sẽ diễn ra trên diện rộng ở toàn bộ khối lượng cho vay trong 2 tháng cuối năm đối với lĩnh vực ưu tiên, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí lãi vay đáng kể như trên.
KBSV cho rằng thị trường chứng khoán cũng sẽ được tác động tích cực trong ngắn hạn. Theo thống kê, trong 8 lần NHNN hạ trần lãi suất huy động/cho vay (giao đoạn 2012-2014), chỉ số VN-Index đã tăng trung bình 0.6% ngay sau khi thông tin hạ lãi suất được công bố và tăng trung bình 1.9% sau khi thông tin được công bố một tuần.
NHTM sẽ không chịu nhiều tác động
Ở phía ngân hàng, tiếp nối chủ trương và xu hướng cắt giảm lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0.25% với các lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 (gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO)) thì chính sách mới này điều chỉnh thẳng và khối ngân hàng thương mại, động thái mới nhất Vietcombank (VCB) áp dụng giảm 0.5 điểm % lãi suất cho vay, “phát súng” tiên phong này kéo theo các ngân hàng khác tiến hành điều chỉnh lãi suất cho vay tạo mặt bằng giá vốn thấp hơn, cho nên nhằm duy trì biên lợi nhuận NIM, các ngân hàng sẽ đồng thời sẽ hạ lãi suất huy động đầu vào, như định hướng và quy định của NHNN.
Từ đó, ông Chi nhận định các công cụ điều hành lãi suất gần đây sẽ không có tác động lớn đến lợi nhuận các ngân hàng thương mại, bởi đích đến là các lĩnh vực ưu tiên cũng như hạ giá thành cho các doanh nghiệp vay vốn.
Theo KBSV hạ trần lãi suất huy động của các kỳ hạn dưới 6 tháng không không tác động trực tiếp đến các NHTM nhiều. Cụ thể, theo KBSV lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường và vẫn đang duy trì tương đối cao (tính đến ngày 18/11, lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5.5% - 8.15%) để có thể đáp ứng yêu cầu từ quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và lộ trình áp dụng Basel II.
Tuy nhiên, nếu xét riêng đối với các NHTM nhỏ, việc hạ trần lãi suất lần này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lượng vốn huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng). Cụ thể, áp lực tăng lãi suất ở nhóm NHTM nhỏ - nhằm bổ sung thanh khoản giai đoạn cuối năm, kéo theo việc tăng lãi suất ở nhóm NHTM lớn để giữ thị phần. Việc hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn trước mắt đang tác động chủ yếu đến nhóm NHTM nhỏ này và qua đó phần nào giúp giải quyết vấn đề trên.
Tuy nhiên, KBSV cho biết vẫn cần theo dõi thêm động thái của các NHTM lớn (sau VCB), để có thể đánh giá toàn diện về xu hướng hạ lãi suất.
Chí Kiên - Như Xuân
FILI
|