Toan tính gì khi thông xe cao tốc 12.000 tỷ nhưng chưa thể sử dụng
Được đầu tư trên 12.000 tỷ đồng và đã tổ chức lễ thông xe cuối tháng 9 nhưng đến nay phương tiện chưa thể lưu thông trên đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có ép tiến độ, chạy theo thành tích hoặc sớm mong hoàn thiện hồ sơ hoàn công để qua mặt các cơ quan quản lý, toan tính việc khác thì mới có chuyện đó.
Tuy đã thông xe nhưng những ngày qua, việc thi công trên tuyến cao tốc vẫn ngổn ngang. Ảnh: A.Trọng
|
Sau lễ thông xe ngày 29/9, dự án lại quây rào, cấm phương tiện qua lại. Ở ngay đầu tuyến phía Bắc Giang, khi vừa đi hết cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, thay vì chạy tiếp vào cao tốc mới thông xe để đi hướng Lạng Sơn người tham gia giao thông tại đây gặp ngay hàng rào và biển báo công trường ngăn không cho đi thẳng.
Nhiều phương tiện phải đi vòng để ra Quốc lộ 1 cũ. Bên trong hàng rào, 2 làn cao tốc rộng 6 làn xe (4 làn ô tô, 2 làn dừng khẩn cấp) vắng bóng phương tiện (trừ xe công trường, xe công vụ). Suốt chiều dài 64km cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, mặc dù mặt đường đã thảm nhựa, kẻ sơn chia làn hoàn chỉnh nhưng vắng bóng phương tiện qua lại.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được khởi công năm 2015 với tổng mức đầu tư 12.189 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là đại diện nhà đầu tư thực hiện. Dự án bao gồm 2 hợp phần thi công. Hợp phần tăng cường mặt đường QL1, dài 110 km; hợp phần cao tốc, đoạn Bắc Giang - thành phố Lạng Sơn, dài 64 km. Sau khi khởi công, đến năm 2017, dự án gặp khó khăn về mặt quản trị, quản lý, năng lực tài chính. Đặc biệt một trong các lãnh đạo của liên danh dự án bị khởi tố vì vi phạm pháp luật làm dự án bị đình trệ, chậm tiến độ 2 năm.
Đến tháng 6/2017, dự án phải thay nhà đầu tư khác là Tập đoàn Đèo Cả, từ đây dự án cũng được Chính phủ đồng ý chuyển giao cho UBND tỉnh Lạng Sơn thay Bộ GTVT quản lý dự án.
Dự án chưa được nghiệm thu về chất lượng
Trả lời PV Tiền Phong về việc trên, đại diện nhà đầu tư là Cty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, tuy hai làn cao tốc chính đã xong nhưng hai đường gom bên dưới tại nhiều đoạn chưa hoàn thành nên cao tốc chưa thể cho phương tiện qua lại.
Tại hiện trường dự án đoạn đi qua huyện Lạng Giang (Bắc Giang), đường gom tại đây đang thi công dở dang do còn khoảng 5 hộ dân chưa chịu bàn giao nhà và đất nằm trong phạm vi thi công. Tiếp đó, tại đoạn đường gom đi qua huyện Hữu Lũng, đại diện nhà đầu tư cho biết, nhiều người dân thường ra cản trở thi công với lý do dự án làm nứt tường, ảnh hưởng nhà của họ…
Tuy nhiên, thông tin với PV Tiền Phong ngày 11/10, đại diện Hội đồng NTNNCCTXD cho biết, theo quy định, để được đưa vào sử dụng, công trình xây dựng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định về an toàn, chất lượng, sau đó mới được thông xe.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là công trình trọng điểm nằm trong quy hoạch hệ thống đường cao tốc quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên Hội đồng NTNNCCTXD có nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định về chất lượng công trình.
Tuy nhiên, cả trong quá trình triển khai dự án cũng như khi hoàn thành tuyến cao tốc, Hội đồng NTNNCCTXD đã nhiều lần kiểm tra, thẩm định chất lượng công trình nhưng đến nay nhiều hạng mục dự án vẫn chưa xong, chưa hoàn chỉnh về hồ sơ kỹ thuật nên chưa thể nghiệm thu về chất lượng.
Chỉ rõ một số hạng mục chưa hoàn thành và chưa có hồ sơ chất lượng, đại diện cơ quan thẩm định nhà nước cho biết, đến thời điểm 29/9 (ngày thông xe), dự án vẫn còn các hạng mục chưa xong, gồm: đường gom hai bên, hạng mục đảm bảo an toàn, các trạm thu phí… Với hạng mục đảm bảo an toàn, tại thời điểm thông xe, dự án còn khoảng 1.000 mét hộ lan, điện chiếu sáng, biển báo, mắt phản quang… thi công, lắp đặt chưa xong..
PGS.TS Nguyễn Quang Đạo, giảng viên khoa Cầu đường - Đại học Xây dựng, cho rằng, nguyên tắc trong xây dựng là sau khi hoàn thành tất cả hồ sơ kỹ thuật, công trình sẽ được cho động thổ hoặc khởi công. Sau một thời gian thi công, dự án thực hiện thủ tục cuối cùng là thông xe. Thông có nghĩa là thông tuyến, thông đường, và sau thông xe thì đương nhiên phương tiện phải được lưu thông.
Nhóm PV Thời sự
Tiền phong