Thứ Bảy, 12/10/2019 08:51

Mở rộng trung tâm TP.HCM

Cây cầu đi bộ qua sông nối từ trung tâm TP.HCM sang Thủ Thiêm không chỉ mở rộng không gian vùng lõi đô thị mà sẽ trở thành biểu tượng của TP, kết nối hiện tại và tương lai.

Mở rộng trung tâm TP.HCM
Trung tâm Q.1 nhìn từ hướng Thủ Thiêm (Q.2). Ảnh: Độc Lập

Trung tâm “cổ” nối đô thị mới

Trong ký ức của người Sài Gòn, Thủ Thiêm là vùng đất của đầm lầy với tên gọi là xóm Tàu Ô. Đây là nơi cư ngụ của nhóm hải tặc người Hoa trốn nhà Thanh sang cư ngụ.

Đến thế kỷ 18, để quản lý việc đi lại giữa đôi bờ sông Sài Gòn từ các khu vực khác về trung tâm, đồn binh Thủ Thiêm được ra đời. Tên gọi Thủ Thiêm cũng khai sinh từ đó. Cư dân tại vùng đất Thủ Thiêm ngày ấy chủ yếu sinh sống nhờ vào ruộng đồng. Một bộ phận khác lại chọn nghề chở đò nối đôi bờ làm kế sinh nhai.


Năm 1996, Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM, xác định xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bên bờ đông sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha. Nằm ở vị trí chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử quận 1 một đoạn ngắn, đối diện sông Sài Gòn, bán đảo này được chọn là trung tâm tổng hợp mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố hơn 10 triệu dân cùng lượng lớn khách vãng lai và được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế, trở thành đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng giao thông cách trở, Thủ Thiêm vẫn chưa thể đột phá.

Chỉ cách đây hơn 10 năm thôi, Thủ Thiêm vẫn còn nguyên sơ là vùng đầm lầy, dân cư hoang vắng. Chị bạn tôi kể, năm 2000, cả nhà chị từ Đà Nẵng chuyển về Sài Gòn sinh sống và làm việc. Lúc ấy tiền không có, cả nhà phải lay lắt thuê trọ chuyển hết quận này qua quận khác, loanh quanh cố bám lấy khu trung tâm để kiếm việc làm. Sau 3 - 4 năm tích góp vẫn không đủ tiền mua được căn nhà nhỏ, nhà chị được người quen giới thiệu qua Thủ Thiêm mua đất, cất nhà.

“Hồi đó đi lại khó khăn, từ Thủ Thiêm qua trung tâm TP chỉ có phương tiện duy nhất là phà. Cầu Sài Gòn ở tít mãi hướng Bình Thạnh, xa, cũng không muốn qua ở. Nhưng làm gì có tiền. Khu Thủ Thiêm bấy giờ được coi là khu người nghèo nên đất đai rẻ lắm”, chị này nhớ lại.

Ấy vậy mà chỉ sau 1 thập niên, chị “chớp mắt” cái thành tỉ phú. Căn nhà hơn 70 m2 lúc làm chỉ hơn 100 triệu cả tiền đất và tiền xây, nay có người trả gần triệu USD chưa bán. Năm 2007, cầu Thủ Thiêm hoàn thành, cư dân từ Bình Thạnh bắt đầu di chuyển dần qua phía Q.2, nhưng vẫn chưa nhiều.

Chỉ đến khi hầm vượt sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) chính thức thông xe, khu vực này mới bắt đầu bước sang trang mới. Hàng loạt dự án nhà ở cao cấp mọc lên thần tốc, đường sá được xây mới, mở rộng sạch đẹp… Thủ Thiêm lột xác từ vùng đầm lầy hoang sơ thành khu “đất vàng” chỉ người có tiền, rất nhiều tiền mới dám mơ tới.

Tiếp tục từng bước hình thành khu đô thị vệ tinh mới phía đông, UBND TP liên tiếp khởi động loạt tuyến giao thông kết nối. Cầu Thủ Thiêm 2 từ giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1) nối khu đô thị đang triển khai thi công. Cầu Thủ Thiêm 3 và 4 sẽ nối Q.4, Q.7 với Khu đô thị Thủ Thiêm cũng sẽ được đầu tư.

Sau 8 năm lên kế hoạch và ý tưởng, đến tháng 8 vừa qua, UBND TP đã thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan về kế hoạch tổ chức tuyển chọn và nhiệm vụ thiết kế tổ chức tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn” kết nối trung tâm Q.1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, dự kiến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, người dân TP.HCM sẽ có cây cầu đi bộ vượt sông đầu tiên, nối từ trung tâm “cổ” (cuối đường Nguyễn Huệ, giao với Tôn Đức Thắng) đến khu đô thị mới.

Biểu tượng của thành phố

 Xóa rào cản cảnh quan đôi bờ

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh, CEO và KTS chủ trì của Công ty MIA Design Studio, nhận định dù chỉ cách trung tâm TP một con sông, nhưng Thủ Thiêm xưa giờ chưa thể phát triển xứng tầm, cảnh quan hai bên bờ sông vì thế cũng không được chỉnh trang, quy hoạch đồng bộ.
TP chỉ quan tâm quy hoạch đô thị, chỉnh trang bờ đông. Giao thông không thuận tiện, các nhà đầu tư cũng chưa nhìn thấy tiềm năng để đầu tư vào phía bờ bên kia. Một khi có hạ tầng kết nối, khu đô thị này sẽ phát triển nhanh chóng, tạo sự cân bằng cảnh quan kiến trúc đôi bờ. Thủ Thiêm phát triển cũng là cơ hội để mở rộng vùng lõi đô thị hiện hữu, thực hiện hóa dần chủ trương giãn dân, giảm áp lực vùng nội đô TP.

Theo ông Mạnh, thông thường nhắc đến kết nối, mọi người sẽ chỉ nghĩ tới xây cầu cho xe cộ qua lại, không mấy ai ưu tiên cầu đi bộ. Tuy nhiên thực tế cầu đi bộ có vai trò rất quan trọng. Ở các nước phát triển, cầu đi bộ bắc qua sông rất phổ biến. Lợi thế sông nước, cảnh quan đôi bờ là những yếu tố thuận lợi để hình thành nên một công trình kiến trúc đẹp, mang tính thẩm mỹ, có thể trở thành điểm du lịch. Ngoài ra, cầu đi bộ còn thúc đẩy người dân có thói quen đi bộ, đi xe đạp tập thể dục, ngắm cảnh, vừa có lợi cho giao thông, vừa bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý cần có kế hoạch tổ chức giao thông ở hai đầu cầu vượt, bởi không thể có chuyện người dân đi xe đến đầu cầu bên này, gửi xe, đi bộ qua đầu cầu bên kia rồi lại bắt xe đi tiếp.
Theo ông Sơn, việc xây cầu đi bộ chỉ thu hút được người dân khi khoảng cách và thời gian đi bộ là ngắn nhất. Do vậy, cầu có thể tổ chức hoạt động dịch vụ thương mại dọc tuyến để người dân nghỉ ngơi đồng thời tạo nguồn thu; có mái che mưa nắng, thảm trượt song hành (tapis roulant - giống như kết nối các cổng lên máy bay tại nhà ga sân bay Singapore), để phục vụ cho lưu lượng người đi bộ cao và rút ngắn thời gian đi bộ. Đồng thời, ở phía bờ Q.1 xây dựng tuyến xe buýt điện mini chạy vòng quanh trục Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Hàm Nghi - bến Bạch Đằng; còn phía bờ Q.2 xây trung tâm xe buýt công cộng kết hợp các khu vực giữ xe để khuyến khích lượng người từ phía hai đầu đại lộ đông - tây gửi xe cá nhân, và dùng phương tiện công cộng đi vào trung tâm TP.

Theo nhiệm vụ tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, ở phía Q.1, chân cầu nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chân cầu đặt tại công viên bờ sông khu A, phía nam quảng trường trung tâm.

Ngoài chức năng chính dành cho người đi bộ, cầu phía nam có thêm làn cho người đi xe đạp. Người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai có thể sử dụng kết hợp băng chuyền, ram dốc, thang máy để di chuyển. Trong đề bài thi tuyển, UBND TP.HCM yêu cầu hình dáng cây cầu có tính mỹ thuật cao và là một tác phẩm nghệ thuật trên không gian mặt nước. Ở khu vực chân cầu, phương án thiết kế cần tổ chức không gian làm bãi đậu xe và các công trình hỗ trợ phục vụ như nhà vệ sinh, quầy nước. Đặc biệt, cầu phải được thiết kế thuận tiện cho xe cứu hộ, cứu nạn di chuyển khi xảy ra sự cố.

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty V.Arichi, nhận định cầu là một bộ phận không thể tách rời của giao thông, và giao thông các loại cũng không thể tách rời đô thị. Tại VN, hầu hết các TP có được lợi thế sông nước bao quanh đều xây dựng những cây cầu bắc ngang qua sông như một điểm nhấn, một biểu tượng của vùng đất. Đơn cử như Đà Nẵng nổi tiếng với TP cầu có chủ đề, Huế có nhiều cầu di sản và mỹ thuật, Hội An có Chùa Cầu nổi tiếng... Cầu bắc qua sông hay cầu cạn đã đi vào văn hóa, âm nhạc nhưng mãi đến giờ cầu mới được đi vào kiến trúc tại TP.HCM, khi lần đầu tiên lãnh đạo TP quan tâm đến kiểu dáng của cầu, tổ chức thi tuyển thiết kế, dù chỉ là cầu đi bộ. Đây là cơ hội để TP xây dựng nên một kiệt tác kiến trúc mới, một biểu tượng mới.

Tuy nhiên, vị KTS này lưu ý về yếu tố thời tiết, TP.HCM mưa nắng bất chợt, việc đi bộ dưới trời nắng hay mưa gây khó khăn sẽ làm giảm tính hiệu quả của công trình. Bằng chứng là hàng loạt cây cầu bộ hành đang bị bỏ hoang, nhếch nhác... Do đó, việc thêm ý đầu bài có mái che và hai đầu cầu quảng trường và phố đi bộ cần thêm vòm cây xanh để tạo ra sự tươi mát, những góc cầu có thể uốn lượn tạo không gian để nghỉ ngơi, hóng mát trên cầu sẽ rất thú vị.

Nhìn ra thế giới, có rất nhiều cây cầu dành cho người đi bộ và xe đạp được thiết kế độc đáo đã xây dựng nên thương hiệu cho cả vùng đất, trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách bốn phương. Trong đó, không thể không nhắc tới cầu Moses (Halsteren, Hà Lan) được xây dựng dưới một con hào, làm hoàn toàn bằng gỗ chống thấm kết hợp kim loại, mang đến cảm giác như là đi bộ qua dòng nước... Hay cầu Arganzuela (Madrid, Tây Ban Nha) bắc qua sông Manzanares, có chiều dài 274 m, với hai đường xoắn ốc bằng kim loại, tầm nhìn xuyên qua mỗi khi đi ngang qua cây cầu... Cầu Puente de La Mujer (Buenos Aires, Argentina) với cấu trúc mềm mại và uốn lượn, như một cặp đôi đang nhảy tango, được chia thành hai phần cố định và một phần chuyển động ở giữa cho phép quay quanh một khối cấu trúc tháp màu trắng như thể đang nhảy múa... tạo ấn tượng rất mạnh với du khách.

Tại Singapore, người ta ấn tượng với cây cầu Henderson nối hai ngọn đồi Mout Faber và Telok Blagah Hill, cây cầu cách mặt đất đến 36 m... mô phỏng hình dạng nhấp nhô của một ngọn sóng, uốn lượn và xoắn dọc theo suốt chiều dài 274 m của cầu. Kết cấu vòm thép và hệ chống bằng gỗ có tên là “Slats of yellow balau”, một loại gỗ cứng xây dựng. Sàn được lát bằng gỗ balau với độ bền cao. Trên cầu là những hốc khuất và hốc hình vỏ sò, nơi người đi bộ có thể ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh...

Cầu Webb (Melbourne, Úc), bắc qua sông Yarra, mang hình dáng chiếc sọt đánh bắt cá được sử dụng bởi người bản địa, được xây dựng từ vật liệu tái chế từ cây cầu trước là Rail Webb Dock... cũng là ý tưởng thú vị.

Hay cầu đi bộ BP (Chicago, Mỹ) nằm trong công viên thiên niên kỷ, được thiết kế bởi Frank Gehry, cây cầu hiện đại, uốn lượn hài hòa giữa lòng công viên, còn có chức năng như một rào chắn chống lại âm thanh tiếng ồn giao thông từ khu vực Columbus Drive....

Cầu Thiên niên kỷ (London, Anh), cầu treo bằng thép qua sông Thames, một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn chính của London, với cấu trúc từ 2 đường cong parabol, khi kéo lên 40 độ sẽ tạo ra một khoảng không đủ để thuyền bè thấp hơn 25 m đi qua, việc quay cầu có thể mất khoảng 5 phút, được điều khiển bởi 6 pit tông thủy lực chia đều ở 2 bên. Do sự chuyển động và hình dáng độc đáo của cây cầu, nên còn được gọi là cầu chớp mắt hay cầu nháy mắt....

Cầu Cirkelbroen (Copenhagen, Đan Mạch), nghĩa là “Cầu tròn”, được thiết kế bởi ông Iceland Olafur Eliasson, nghệ sĩ người Đan Mạch, chiếc cầu này có thể xoay được, giúp các tàu lớn, tàu nhỏ có thể qua lại thuận tiện phía dưới cầu...

“Về đầu bài, TP đặt ra các tiêu chí đã tương đối đầy đủ, hợp lý. Tuy nhiên, với một cây cầu nối phố đi bộ, trung tâm cổ của TP qua quảng trường của trung tâm mới Thủ Thiêm, cần phải tính đến là một biểu tượng của TP trong tương lai. Thiết kế của những cây cầu này cũng có thể gợi nên cảm hứng để các KTS sáng tạo, thiết kế cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn. Với không gian sông nước hữu tình, ý nghĩa kết nối hiện tại và tương lai, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn sẽ là một tác phẩm của TP, do chính kiến trúc sư VN thiết kế kết hợp điêu khắc, tạo nên một thương hiệu cho TP.HCM”, KTS Nguyễn Ngọc Dũng kỳ vọng.

Đình Sơn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Ba tuyến giao thông kết nối với sân bay Long Thành (12/10/2019)

>   Cầu Mỹ Thuận 2 về miền Tây dự kiến khởi công vào đầu năm 2020 (11/10/2019)

>   Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao ACV đầu tư hạng mục chính sân bay Long Thành (11/10/2019)

>   Dời ga Nha Trang lấy quỹ đất? (11/10/2019)

>   Tuần tới, phát hồ sơ tuyển nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam (10/10/2019)

>   Đưa đường băng số 2 Sân bay Cam Ranh vào khai thác (10/10/2019)

>   Mở rộng xa lộ Hà Nội dự kiến 3 năm, giờ 10 năm chưa xong, ai chịu trách nhiệm? (10/10/2019)

>   Sân bay Long Thành: Đường chờ... sân bay (09/10/2019)

>   Vốn cho dự án BOT: Siết chặt việc thẩm định các dự án vay (09/10/2019)

>   Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 5 địa phương (09/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật