Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao ACV đầu tư hạng mục chính sân bay Long Thành
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vừa trình Quốc hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư nhiều hạng mục quan trọng.
Sơ đồ dự kiến nhà ga hành khách và đường băng số 1 cùng hệ thống đường lăn sân bay Long Thành giai đoạn 1 - Nguồn: ACV
|
Báo cáo do Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình Quốc hội, kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thông qua một số nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 gồm:
Chấp thuận hình thức đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành. Điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165ha lên khoảng 1.810ha. Điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.
Chấp thuận chủ trương bổ sung 2 tuyến đường bộ kết nối số 1 (dài 3,8km kết nối phía tây của sân bay với quốc lộ 51) và 2 (dài 3,5km, kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) vào dự án giai đoạn 1 để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết 94/2015/QH13.
Đáng chú ý, trong hình thức đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 111.000 tỉ đồng, tương đương 4,779 tỉ USD, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính. Cụ thể:
Hạng mục 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước gồm: hải quan, công an địa phương, công an cửa khẩu, cảng vụ hàng không, kiểm dịch y tế giao ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.
Hạng mục 2 - các công trình phục vụ quản lý bay gồm: đài chỉ huy và nhà điều hành bay, hệ thống thông tin - giám sát - dẫn đường và dịch vụ khí tượng, hệ thống quan trắc khí tượng tự động, văn phòng quản lý bay... giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp này.
Hạng mục 3 - các công trình thiết yếu của cảng hàng không gồm: các tuyến đường giao thông kết nối, đường và bãi đỗ ôtô…; đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay, hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác (ILS)...; nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, nhà để xe... giao cho ACV đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 4 - các công trình dịch vụ: Hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm, nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh…; hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu tới sân bay, khu bảo trì máy bay, khu công nghiệp hàng không... giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.
Phối cảnh mặt ngoài nhà ga hành khách sân bay Long Thành - Nguồn: ACV
|
Về phương án huy động vốn đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1, Chính phủ cho biết tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỉ USD, tương đương khoảng 98.014 tỉ đồng.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỉ đồng, tương đương 1,566 tỉ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư. Để phải vay khoảng 2,628 tỉ USD còn lại, vừa qua ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thỏa thuận hợp tác thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỉ USD, thời gian vay 15 năm, lãi suất trung bình dự kiến 5-5,5%/năm.
Về phương án huy động vốn của VATM, Chính phủ cho biết tổng số vốn doanh nghiệp này cần huy động là 3.225 tỉ đồng. Trong đó VATM đã cân đối được 2.125 tỉ đồng vốn chủ sở hữu và dự kiến vay thương mại của ngân hàng trong nước khoảng 1.100 tỉ đồng, với lãi suất tính toán dự kiến là 11%/năm.
Về điều chỉnh diện tích đất sân bay Long Thành giai đoạn 1 tăng từ 1.165ha lên 1.810ha, Chính phủ lý giải theo kiến nghị của tư vấn là nhằm xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của sân bay như: kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước...
Việc này cũng là để bổ sung diện tích phần san lấp mặt bằng để triển khai xây dựng đường băng thứ 2 trong tương lai thuận tiện hơn.
Việc điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng nhằm để có khu vực dùng riêng thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Phần đất 480ha dùng chung được sử dụng cho khai thác dân dụng khi nhu cầu tăng cao.
Việc đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất dùng cho sân bay Long Thành là 5.000ha đã được Quốc hội thông qua.
TUẤN PHÙNG
Tuổi trẻ