Giáng sinh của những nhà sản xuất đồ chơi đang bị hủy hoại bởi thương chiến Mỹ-Trung
Các nhà máy Trung Quốc thường sẽ ở trong giai đoạn bận rộn nhất vào quý 3 của các năm, đó là thời điểm họ tiến hành sản xuất mọi món đồ chơi từ búp bê Barbie đến những chiếc xe tải thu nhỏ cho đúng thời hạn để kịp vận chuyển đến Mỹ trước khi mùa mua sắm quan trọng nhất bắt đầu. Thế nhưng, năm nay lại khác.
Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho hoãn việc áp thuế quan lên 160 tỷ USD các mặt hàng như đồ chơi và điện thoại thông minh của Trung Quốc để khiến mùa Giáng sinh trở nên dễ thở hơn đối với các nhà bán lẻ ở Mỹ, nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Nguyên nhân vì những công ty bán đồ chơi lớn như Walmart Inc. đã cho chất đống số hàng đồ chơi tồn kho do không chắc chắn chiến tranh thương mại sẽ diễn biến như thế nào, dựa theo một cán bộ trong ngành.
“Chúng tôi là một trong những người phải chịu gánh nặng”, Justin Yu, Giám đốc ngoại thương tại Pinghu Mijia Child Product Co. – công ty sản xuất xe đồ chơi và xe hai bánh dành cho trẻ em ở Chiết Giang, Trung Quốc. “Mức độ ảnh hưởng chắc chắn rất lớn”.
Ông Yu hiện đang lên kế hoạch tìm khách hàng mới ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi để bù đắp lại khoản lỗ từ Mỹ. Công ty của ông Yu đang xem xét đến việc cắt giảm tầm quan trọng của thị trường Bắc Mỹ đối với doanh thu của họ để tránh việc bị ảnh hưởng bởi thuế quan trong tương lai. Ông Yu nói công ty đã gửi số hàng trị giá 25 triệu USD đến các nhà bán lẻ ở Mỹ, trong đó có cả những công ty như Target Corp. và Walmart.
Các công ty bán lẻ bắt đầu điên cuồng mua vào từ 1 năm trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu leo thang – khối lượng hàng vận chuyển từ châu Á đến Bắc Mỹ tăng 7.9% trong nửa cuối năm 2018, dựa theo dữ liệu của Bloomberg. Mức tăng trưởng đó đã chậm lại đáng kể trong năm 2019 – chỉ tăng 0.2% trong nửa đầu năm – bởi vì các kho hàng của Mỹ đều đã đầy nhóc hàng hóa mua từ năm 2018.
Và để chỉ ra sự tiếp tục sụt giảm trong khối lượng hàng hóa, lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 6.5% trong tháng 07/2019 so với cùng kỳ năm 2018, tính theo đơn vị USD.
Điều đó có nghĩa là những người mua sắm ở Mỹ có khả năng sẽ thấy ít sản phẩm mới hơn trong các cửa hàng suốt mùa lễ Giáng sinh 2019 vì các công ty bán lẻ hạn chế nhập hàng mới để giảm lượng hàng tồn kho xuống mức bình thường, Rahul Kapoor, Trưởng phòng nghiên cứu và phân tích tại công ty HIS Maritime & Trade ở Singapore, cho biết.
“Sẽ không còn bất cứ kệ hàng nào bị bỏ trống”, ông Kapoor nói. “Mức độ hàng tồn kho đang rất cao”.
Vào giữa tháng 08/2019, ông Trump đã cho hoãn kế hoạch tăng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc như mặt hàng điện thoại thông minh, máy tính xách tay và đồ chơi trẻ em cho đến ngày 15/12/2019, ông Trump nói rằng lệnh trì hoãn này đã được thực hiện “vì vậy, chuyện thuế quan sẽ không gây ảnh hưởng gì đến mùa mua sắm cho Giáng Sinh”. Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau đó, ông Trump đã “đập vào mặt” lĩnh vực bán lẻ với tin tức mới: Mức thuế quan mới sẽ còn cao hơn con số dự định ban đầu để trả đũa việc Trung Quốc đe dọa sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Ông Yu, Giám đốc thương mại tại một công ty ở Chiết Giang, nói rằng việc trì hoãn tăng thuế quan là tin tức tích cực, nhưng kể từ khi việc tăng thuế quan bắt đầu có hiệu lực, ông dự đoán công ty ông sẽ thua lỗ. Ông cũng mong khách hàng của công ty ông sẽ đề nghị chia phí thuế quan ra cho bên mua, bên sản xuất và cả bên trung gian – dù việc này có thể làm ảnh hưởng đến giá của nhà sản xuất.
Ngành vận chuyển gặp hạn
Một ngành công nghiệp khác cũng đang bị ảnh hưởng là ngành vận chuyển, ngành này đang cắt giảm nguồn lực bởi vì lượng hàng hóa cần chuyển giảm mạnh. CMA, CGM và SA, ba công ty vận chuyển container lớn nhất thế giới, sẽ giảm bớt 2 tàu chuyển hàng phục vụ tại khu vực châu Á-Âu ngay từ đầu tháng 09/2019. Orient Overseas Container Line Co., thuộc sở hữu của công ty vận chuyển lớn nhất Trung Quốc, cũng đã tạm dừng một số dịch vụ chuyển hàng đến Mỹ và châu Âu từ tháng 07/2019.
Cơn ác mộng chưa dừng lại, thêm vào đó khối lượng hàng hóa đang suy giảm khiến chi phí vận chuyển giảm theo với tốc độ cao. Tỷ lệ vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường thương mại lớn đã giảm 7.4% trong năm 2019, riêng tỷ lệ vận chuyển hàng đến Mỹ đã giảm đến 26%, dựa theo Chỉ số Container Thế giới Drewry.
“Mùa mua sắm cao điểm này đang gặp phải nhiều trắc trở”, Um Kyung-a, Chuyên gia phân tích ngành vận chuyển tại Shinyoung Securities Co. tại Seoul, cho biết. “Một vài công ty vận chuyển chắc hẳn đã không thể trang trải nổi chi phí”.
Cổ phiếu của công ty Orient Overseas đã giảm 33% trong vòng 6 tháng qua, cổ phiếu của công ty cùng ngành Shipping Holdings Co. cũng giảm 19% và công ty A.P. Moller-Maersk A/S – dây chuyển vận chuyển lớn nhất thế giới – cũng bị giảm 6.8%.
Một mối quan tâm nữa là việc chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2020, làm tổn hại đến những người tiêu dùng đang háo hức đi mua sắm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 07/2019 cũng đã trích dẫn chiến tranh thương mại như một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu khi tổ chức này hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2019 và năm 2020, trong khi công ty Goldman Sachs cũng cho biết sự lo ngại chiến tranh thương mại sẽ gây ra một cuộc suy thoái ở Mỹ đang ngày càng tăng lên.
“Mặt nhu cầu đang trở nên đáng lo ngại hơn nhiều trong năm 2020”, ông Kapoor nói. “Chuyện này không thể trôi qua dễ dàng được”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|