Trung Quốc gieo rắc hoài nghi về đàm phán thương mại
Bắc Kinh khiến thế giới phải nghi ngờ về việc liệu các cuộc đàm thương mại Mỹ-Trung có được nối lại hay không, vì Bộ Ngoại giao Trung Quốc gặp mâu thuẫn với lời tuyên bố mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu rằng Trung Quốc đang tìm cách để quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ và truyền thông Mỹ còn nói rằng hai quốc gia chỉ giữ liên lạc ở “mức độ kỹ thuật”.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (từ trái qua)
|
Thị trường tăng điểm vào ngày thứ Hai (26/08) khi ông Trump cho biết Trung Quốc đã gọi điện cho “những người đứng đầu của chúng ta” – Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin – vào chiều Chủ Nhật (25/08) với mục đích “quay lại bàn đàm phán” để giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 1 năm qua giữa hai quốc gia.
Cả hai bên đều được mong chờ sẽ lên tiếng vào ngày thứ Ba (27/08), dựa theo tuyên bố trước đó của Bộ Thương mại Trung Quốc sau khi cuộc gọi điện cuối cùng của họ diễn ra vào ngày 13/08/2019.
Nhưng kể từ đó, không thấy bất cứ tín hiệu nào cho thấy mặt trận trên có gì tiến bộ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần nữa cho biết vào ngày thứ Ba (27/08) rằng họ không biết gì về cuộc điện thoại đã diễn ra vào cuối tuần trước.
“Tôi chưa từng nghe qua việc đó”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết khi được hỏi về cuộc gọi mà Mỹ đề cập.
“Trung Quốc và Mỹ nên giải quyết những tranh chấp thương mại thông qua nói chuyện trực tiếp. Chúng tôi đã tiến hành 12 vòng tư vấn cấp cao và các đội ngũ làm việc cho cả hai bên đều đang giữ liên lạc với nhau”.
“Thật đáng tiếc khi Mỹ thông báo về quyết định sẽ áp thêm thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc. Áp lực tối đa như vậy sẽ làm tổn thương cả hai bên và không hề có tính xây dựng chút nào”.
Hu Xijin, Tổng Biên tập báo Global Times, cũng viết trên Twitter rằng cả hai bên vẫn duy trì liên lạc ở “mức độ kỹ thuật”, điều đó có nghĩa là “không có ý nghĩa gì đặc biệt như Tổng thống Trump đã nói đến”.
Một bài báo, được cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) xuất bản vào ngày thứ Ba (27/08), có đề nghị rằng nước Mỹ đừng đánh giá thấp quyết tâm đánh trả của Trung Quốc.
“Trung Quốc đã nói là sẽ làm”, trích từ bài báo, ý nói đến các biện pháp thuế quan của Bắc Kinh. “Bất cứ nỗ lực nào nhằm thúc ép Trung Quốc đưa ra nhượng bộ thông qua việc đặt áp lực cực độ đều là vô ích”.
Những câu hỏi được đặt ra xoay quanh tình trạng thực sự của các cuộc đàm phán thương mại – liệu các cuộc đàm phán cấp cao đã được nối lại và liệu Trung Quốc có háo hức tiến đến thỏa thuận hay đó chỉ là một biện pháp của ông Trump nhằm xoa dịu thị trường – tình trạng đàm phán vẫn giữ nguyên như sau khi hai quốc gia thay phiên đe dọa áp thuế quan mới lên hàng hóa của nhau trong tuần trước, làm giảm hy vọng sẽ có một thỏa thuận thương mại xuất hiện trong thời gian ngắn sắp tới.
Sự hoang mang về tình trạng mối quan hệ Mỹ-Trung càng trở nên sâu hơn khi vào tuần trước, ông Trump gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “kẻ thù”, thế nhưng sau đó vào ngày thứ Hai (26/08), ông Trump lại ca ngợi ông Tập là một “nhà lãnh đạo xuất sắc”.
“Xin thứ lỗi, nhưng đó là cách tôi đàm phán”, ông Trump cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa diễn ra tại Biarritz, Pháp.
Tuần trước, Trung Quốc nói họ sẽ áp thuế quan trả đũa từ 5-10% lên số hàng hóa trị giá 75 tỷ USD của Mỹ. Chính quyền của ông Trump đáp trả bằng cách thông báo sẽ tăng thuế quan từ 25% lên 30% áp lên lô hàng trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc, và thuế quan áp lên lô hàng trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc cũng sẽ tăng từ 10% lên thành 15%.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh, cho biết vào ngày thứ Hai (26/08) tại một Hội nghị công nghệ Trung Quốc rằng sự leo thang của chiến tranh thương mại không phải là mối quan tâm của bất cứ ai.
“Chúng tôi sẵn lòng giải quyết vấn đề thông qua các vòng đàm phán và hợp tác với thái độ bình tĩnh và kiên quyết phản đối sự leo thang của chiến tranh thương mại”, ông Lưu Hạc cho biết.
Ông Trump, nổi tiếng với lối nói quá, trích dẫn lời nhận xét của ông Lưu như bằng chứng cho rằng Trung Quốc muốn có một thỏa thuận thương mại. Khi nói chuyện với các phóng viên, ông Trump cũng đã xác định sai độ thâm niên của ông Lưu khi nói rằng ông Lưu là chính trị gia đứng thứ 2 ở Trung Quốc chỉ sau ông Tập.
Mặc dù ông Lưu là Phó Thủ tướng và là phụ tá hàng đầu về kinh tế của ông Tập nhưng ông Lưu không nằm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan gồm bảy thành viên ưu tú chuyên đưa ra các quyết định – và ông Lưu còn có vị trí thấp hơn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Phó Chủ tịch nước (Vice-President) Trung Quốc Vương Kỳ Sơn.
“Đó là Phó Chủ tịch (Vice-chairman) Trung Quốc – anh có biết người nào chức cao hơn ông ấy nữa không, ngoài Chủ tịch Tập?” ông Trump hỏi. “Ngài Phó Chủ tịch (Vice-chairman) Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố thể hiện rằng ông ấy muốn tiến đến thỏa thuận, muốn nghe một cuộc điện thoại, thưa anh, ông ấy muốn tất cả việc đó đấy”.
Trong hệ thống chính trị Trung Quốc không có vị trí nào gọi là Phó Chủ tịch (Vice-chairman) cả.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, cuộc gọi cấp cao cuối cùng giữa các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra vào ngày 13/08/2019 giữa ông Lưu, ông Lighthizer và ông Mnuchin.
Trong suốt Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Pháp, ông Trump cũng từng cho biết có lẽ ông có suy nghĩ khác về việc cho chiến tranh thương mại leo thang. Thư ký báo chí của Nhà Trắng, Stephanie Grisham, sau đó lên tiếng rằng lời nhận xét của ông Trump “rất khó để hiểu” và rằng ông ấy thấy tiếc vì đã không nâng thuế quan áp lên Trung Quốc cao hơn chút nữa.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|