Thứ Tư, 28/08/2019 20:30

Bảy dấu hiệu cảnh báo suy thoái toàn cầu đang đến

Nền kinh tế toàn cầu đang đi vào suy thoái. Ít nhất, đó là nỗi sợ hãi sau nhiều tháng có dấu hiệu cảnh báo từ cỗ máy thương mại toàn cầu, vốn đã có nhiều trục trặc trong năm nay. Và đây là bảy manh mối cho thấy sau 10 năm tăng trưởng, xu hướng đó có thể bị đảo ngược.

Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung leo thang

Mười tám tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chiến dịch “Nước Mỹ trên hết” bằng một cuộc chiến chống bán phá giá thép. Vị Tổng thống Mỹ này đã áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép từ Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Canada và Mexico.

Kể từ đó, mọi sự tập trung đều dồn vào Trung Quốc. Ông Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh đã bán hàng hóa cho Mỹ với giá thấp hơn các đối thủ nhờ phá giá đồng tiền của họ. Như một hình phạt, ông đã áp thuế nhập khẩu đối với một loạt mặt hàng Trung Quốc và đe dọa sẽ mở rộng phạm vi bao gồm các máy chơi game, điện thoại di động và máy tính xách tay. Khó mà đo lường được tác động đó, nhưng hầu hết quốc gia đều báo cáo sự suy giảm trong thương mại kể từ khi thuế quan bắt đầu có hiệu lực.

Tăng trưởng của Mỹ chậm lại

Ông Trump được thừa hưởng một nền kinh tế khá tốt và sau đó kích thích thêm nó bằng cách giảm thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp. Tăng trưởng tuyệt vời của năm ngoái đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để hạ nhiệt mọi thứ.

Chi phí vay cao hơn, đợt giảm thuế kết thúc và cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, vốn đã làm tăng chi phí nhập khẩu, tất cả gộp lại ảnh hưởng đến việc sản xuất trong các ngành công nghiệp của Mỹ. Số liệu tuần trước cho thấy khu vực sản xuất của Mỹ đã suy giảm lần đầu tiên trong một thập niên vừa qua.

Sợ suy thoái kinh tế làm hỏng hy vọng tái đắc cử của ông, ông Trump đã chỉ trích Fed vì chậm cắt giảm lãi suất lần nữa. Tuần trước, US Steel, tập đoàn sản xuất thép mà Tổng thống Mỹ tin rằng sẽ ăn nên làm ra khi được bảo vệ khỏi hàng nhập khẩu châu Á và châu Âu giá rẻ, cho biết việc kinh doanh tệ đến nỗi họ sẽ sa thải công nhân và giá trị cổ phiếu của họ đã giảm về mức trước khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Suy thoái kéo dài ở Đức

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz làm tăng kỳ vọng về một gói thúc đẩy trị giá 50 tỷ Euro (45 tỷ Bảng) dành cho nền kinh tế Đức để chống lại suy thoái sắp xảy ra. Nền kinh tế này chỉ suy giảm một mức nhỏ trong quý 2 (0.1%), nhưng dự kiến ​​sẽ sụt giảm lớn hơn trong quý 3.

Hầu hết nhà phân tích tin rằng khoản tiền bổ sung của Bộ trưởng Scholz là quá ít và quá muộn để ngăn chặn hai quý tăng trưởng âm liên tiếp - mà theo định nghĩa, đó là suy thoái kinh tế. Sự đảo ngược tình thế vào năm tới phần lớn phụ thuộc vào sự phục hồi ở Trung Quốc, nơi Đức bán nhiều công cụ máy móc, thiết bị công nghiệp và xe hơi.

Khủng hoảng nợ ở Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu nhiều hơn cả Mỹ kể từ sau vụ sụp đổ tài chính năm 2008. Tuy nhiên, nước này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện.

Các ngành công nghiệp Nhà nước đã vay rất nhiều và người tiêu dùng cũng vậy. Các ngân hàng bị đè nặng bởi những khoản vay sẽ không bao giờ được hoàn trả. Mỗi lần Bắc Kinh cố gắng hạn chế cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp quá mức, nền kinh tế toàn cầu lại chao đảo, buộc các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải nới lỏng tín dụng một lần nữa.

Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp chỉ đạt 4.8%, mức thấp nhất trong 30 năm qua. Bắc Kinh muốn nền kinh tế trở nên độc lập hơn, bằng cách thay đổi từ sản xuất sang dịch vụ, nhưng đó là một chặng đường dài.

Brexit

Sự bất ổn xung quanh tương lai của Vương quốc Anh và việc liệu quốc gia này có còn tồn tại trong khối thương mại lớn nhất thế giới hay phải tự bơi một mình đã làm hỏng đầu tư và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, hầu hết nhà kinh tế đều tin rằng thiệt hại sẽ nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo một sự ra đi như thế sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu, vì Anh là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới sau Pháp.

Argentina, Iran, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela

Một loạt quốc gia đang suy thoái hoặc bị giảm tăng trưởng gần đây. Iran phải đối mặt với sự phong tỏa của Mỹ và không thể bán dầu hoặc tiếp cận thị trường tài chính dễ dàng. Argentina bị đè nặng bởi các khoản nợ khổng lồ và Venezuela, dù nắm giữ trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, đang bị khủng hoảng chính trị và kinh tế.

Các nhà đầu tư quốc tế không lo lắng nhiều về các quốc gia này, vốn đã bị rào cản về tài chính trong những năm qua, nhưng trường hợp của Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ thì đặt ra vấn đề lớn hơn. Hai quốc gia này hội nhập nhiều hơn vào thị trường khu vực và quốc tế, điều đó có nghĩa là nếu có một vụ vỡ nợ thì tác động sẽ lớn hơn nhiều.

Sự hốt hoảng trên thị trường tài chính

Những dấu hiệu từ các thị trường tiền tệ quốc tế hiện rất khác nhau. Thị trường chứng khoán ở Mỹ và Đức vẫn ở mức cao nếu xét theo lịch sử, nhưng thị trường trái phiếu thì hốt hoảng hơn.

Các nhà đầu tư cho Chính phủ Mỹ vay tiền thông qua thị trường trái phiếu đã bán những khoản vay ngắn hạn của họ với số lượng lớn vì tin rằng sẽ có một cuộc suy thoái sắp xảy ra, giống như trước khi xảy ra vụ sụp đổ tài chính năm 2008. Theo nhiều nhà phân tích, thị trường trái phiếu không bao giờ nói dối, đặc biệt là về con đường của nền kinh tế Mỹ, càng khiến nhiều người suy đoán nền kinh tế Mỹ có thể gặp rắc rối vào đầu năm tới.

Vị cứu tinh có thể là Fed, nơi có thể cắt giảm lãi suất về mức zero, cho phép các công ty và hộ gia đình mắc nợ thở phào nhẹ nhõm. Dù vậy, cơ quan này sẽ hoãn lại quyết định cuối cùng đến thời điểm mà những khoản nợ xấu đạt tới mức cả các ngân hàng lẫn Chính phủ không thể đương đầu mà thôi.

Nhã Thanh (Theo Guardian)

FILI

Các tin tức khác

>   Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trở lại đà tăng, nhưng triển vọng vẫn ảm đạm (27/08/2019)

>   Ông Trump: Ngoài tiến tới thỏa thuận, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác (27/08/2019)

>   Liệu Mỹ và Trung Quốc có điện đàm về thương mại trong đêm 25/08? (26/08/2019)

>   Quan chức Mỹ: “Nếu Trung Quốc đồng ý với quan hệ công bằng với Mỹ, chúng tôi sẽ lập tức ký vào thỏa thuận đó” (26/08/2019)

>   Ông Trump: Trung Quốc đã gọi và yêu cầu nối lại đàm phán thương mại (26/08/2019)

>   Phó Thủ tướng Lưu Hạc: Trung Quốc kịch liệt phản đối bước leo thang căng thẳng của Mỹ (26/08/2019)

>   Ông Trump: “Tôi có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia” (26/08/2019)

>   Nhà Trắng: Ông Trump hối tiếc vì không áp thuế cao hơn với Trung Quốc (26/08/2019)

>   Ông Trump có những cách nào để ép các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc? (26/08/2019)

>   Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật có thể sẽ được ký vào tháng 9 (25/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật