Thứ Sáu, 05/07/2019 16:24

Nhà đầu tư toàn cầu đổ xô mua trái phiếu, lợi suất trái phiếu xuống thấp kỷ lục

Lợi suất trái phiếu Chính phủ ở hầu hết nền kinh tế lớn đang dao động gần mức thấp nhất mọi thời đại trong vài ngày qua, cho thấy nhà đầu tư đang lo sợ suy thoái gần đến.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức và Pháp kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp kỷ lục trong tuần này, cả hai đều rơi xuống dưới mức 0% sau những nhận định của Klaas Knot – quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hà Lan – làm dấy lên kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ với mục tiêu thúc đẩy lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lợi suất trái phiếu đã giảm thêm khi xuất hiện khả năng tân Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ duy trì lập trường “bồ câu” để thúc đẩy nền kinh tế châu Âu.

Lợi suất trái phiếu thường dịch chuyển ngược chiều với giá trái phiếu. Trong ngày thứ Năm (04/07), lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm – một chỉ số tham chiếu quan trọng cho trái phiếu châu Âu và được nhiều nhà đầu tư xem là kênh trú ẩn an toàn – đã giảm xuống -0.398%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm giảm xuống -0.12%, trái phiếu Chính phủ Bỉ kỳ hạn 10 năm rơi xuống dưới mức 0 lần đầu tiên trong lịch sử và trái phiếu Chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức 1.67%, thấp nhất trong 14 tháng.

Trong những thời điểm bất ổn và môi trường thị trường đầy thách thức, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển khoản đầu tư của họ từ các tài sản rủi ro cao sang các kênh trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu Chính phủ. Động thái này thể hiện sự bất ổn đang diễn ra đối với nền kinh tế Eurozone – xuất phát từ sự suy thoái ở Đức, qua đó làm gia tăng sự lo lắng xung quanh Brexit và căng thẳng thương mại toàn cầu.

John Higgins – Chuyên gia kinh tế thị trường trưởng tại Capital Economics – dự báo trong một báo cáo hôm thứ Ba (02/07) rằng ngay cả khi lợi suất trái phiếu Eurozone ở mức thấp nhất mọi thời đại thì vẫn có khoảng trống để đà tăng tiếp tục. Ông Higgins dự kiến ECB sẽ giảm lãi suất tiền gửi bớt 10 điểm cơ bản xuống -0.5% vào tháng 9/2019 và thông báo tiếp tục chương trình mua tài sản ròng trong tháng 10, đồng thời từ chối loại trừ khả năng nới lỏng định lượng (QE).

“Nhìn chung, chúng tôi nghi ngờ rằng các nhà đầu tư vẫn chưa phản ánh quy mô của các giao dịch mua trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ mà chúng tôi dự đoán”, theo ông Higgins. Các nhà phân tích Capital Economics đang dự báo rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm sẽ kết thúc năm với mức giảm khoảng -0.5% và dự báo các trái phiếu Chính phủ khác trong khu vực Eurozone sẽ giảm tương tự.

Nỗi lo về đà giảm tốc

Nỗi lo về sự giảm tốc kinh tế ở châu Âu đã trở nên trầm trọng hơn sau khi chính phủ Mỹ hôm thứ Hai (01/07) đe dọa sẽ áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng hóa EU vì một tranh chấp kéo dài về trợ cấp máy bay. Các sự kiện tiếp theo vào ngày thứ Tư (03/07), như việc đề cử bà Lagarde vào chức lãnh đạo ECB, chỉ làm gia tăng tâm lý hốt hoảng.

Các cuộc khảo sát PMI chỉ ra rằng nền kinh tế Anh có thể rơi vào tình trạng suy thoái lần đầu tiên kể từ cuối năm 2012.

Ở Mỹ, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 2%, ở mức 1.9532% trong ngày thứ Năm (04/07). Trước đó, lợi suất này đã tăng sau khi Mỹ và Trung Quốc tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại.

Hầu hết nhà phân tích hiện dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Chủ tịch Fed Jerome Powell báo hiệu rằng Fed có thể thực hiện ít nhất một đợt giảm lãi suất nếu điều kiện tiếp tục xấu đi.

Đứng đầu trong số các nỗi lo của Fed là nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, lạm phát liên tục không đạt được mục tiêu 2% của Fed và các hàng rào thuế quan đã áp đặt giữa Mỹ và các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc. Ông Mario Draghi gần đây cũng gợi ý về việc ECB nới lỏng chính sách nếu lạm phát Eurozone tăng không đủ mạnh. Cả hai nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương đều phải đối mặt với kỳ vọng lạm phát giảm mạnh và căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang.

Các ngân hàng trung ương lớn đã quay ngoắt về quan điểm chính sách, từ “diều hâu” sang “bồ câu”, vì tăng trưởng chậm lại, lạm phát thấp và bất ổn chính trị - những yếu tố khiến các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro và biến động mạnh. Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và ECB đều loại trừ khả năng nâng lãi suất.

ECB đã hạ dự báo tăng trưởng trước đó trong năm nay. Nền kinh tế Eurozone phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhưng khi nền kinh tế Đức suy yếu, Ý bước vào suy thoái và Brexit sa vào bế tắc, cũng như chiến tranh thương mại, nhà đầu tư đang ngày càng sợ hãi.

Biến động thị trường đạt đỉnh vào tháng 5/2019 khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ và Trung Quốc) trải qua nhiều giai đoạn leo thang và áp đặt thuế quan, gây ra nhiều đợt bán tháo nhanh chóng về các tài sản rủi ro.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Ấn Độ đề xuất nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài (05/07/2019)

>   Chứng khoán châu Á tăng nhẹ, chờ đợi báo cáo việc làm từ Mỹ (05/07/2019)

>   Công ty Hàn Quốc vội vã dự trữ nguyên vật liệu vì căng thẳng thương mại với Nhật Bản (05/07/2019)

>   Người Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản vì biện pháp kiểm soát xuất khẩu (05/07/2019)

>   SCMP: Quan chức Mỹ sẽ đến Bắc Kinh để đàm phán thương mại vào tuần tới (05/07/2019)

>   Trung Quốc sẽ không mua nông sản Mỹ nếu Washington “trở mặt” trong các cuộc đàm phán (05/07/2019)

>   Hàn Quốc dọa đáp trả lại biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản (05/07/2019)

>   Sau hội nghị G20, Trung Quốc đòi Mỹ dẹp bỏ hết hàng rào thuế quan (04/07/2019)

>   Thấy gì từ làn sóng di cư ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn Hàn Quốc? (04/07/2019)

>   Hộ chiếu nước nào quyền lực nhất thế giới? (04/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật