Thấy gì từ làn sóng di cư ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn Hàn Quốc?
Khi hạ cánh tại Australia vào năm 2017 để tham dự hội thảo, một chính trị gia cấp cao của ủy ban quốc phòng Hàn Quốc đã được chào đón bởi Julie Bishop (tại thời điểm đó là Ngoại trưởng Australia). Lúc đó, bà Julie Bishop mang theo câu hỏi hóc búa: “Làm sao để đối phó trước mối đe dọa từ Trung Quốc?”.
Bà Bishop đã đề cập đến cách Trung Quốc đối xử với các công ty Hàn Quốc trong lúc căng thẳng giữa hai nước leo thang sau khi Seoul đồng ý với yêu cầu từ phía Mỹ trong việc cho phép triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đất Hàn Quốc vào năm 2016.
Tập đoàn Lotte – một trong những tập đoàn chaebol có sức ảnh hưởng tới nền kinh tế Hàn Quốc – đã bán mảnh đất ở Seongju cho Chính phủ Hàn Quốc và để họ thiết lập hệ thống THAAD ở đây. Trong khi cả Washington và Seoul đều nói rằng hệ thống này nhằm chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên thì Bắc Kinh coi THAAD là một rủi ro tới an ninh, vì radar của hệ thống này có phạm vi giám sát các cơ sở quân sự gần đó của Trung Quốc.
Sau khi triển khai hệ thống này, làn sóng tẩy chay các cửa hàng bán lẻ của Lotte xuất hiện ở khắp Trung Quốc, trong đó giới truyền thông Nhà nước đóng vai trò là người cổ vũ tích cực. Bắc Kinh đã áp lệnh trừng phạt lên Lotte và kế hoạch mở rộng ở Trung Quốc cũng phải tạm dừng theo lệnh từ Chính phủ nước này.
Nhiều chuyên viên phân tích cho rằng những nỗ lực của các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc nên được xem là tài liệu nghiên cứu quan trọng dành cho các chính quyền và doanh nghiệp phương Tây về rủi ro chính trị của việc làm ăn tại Trung Quốc.
Thế nhưng, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã dần rút khỏi Trung Quốc trong vài năm trở lại đây – trước cả khủng hoảng từ THAAD – và họ cũng kiểm soát được việc rời đi.
Họ rời đi để tránh lặp lại tình trạng khủng hoảng chính trị đã hủy hoại hoạt động kinh doanh của Lotte tại Trung Quốc và tránh hàng rào thuế quan từ phía Mỹ.
Ngoài ra, họ còn rời đi vì các công ty Trung Quốc dần trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều trong một thị trường mà các công ty Hàn Quốc từng xem là mảnh đất màu mỡ và đầy hứa hẹn trong hơn 1 thập kỷ qua. Đây là một điều có thể dễ dàng xảy ra với các công ty phương Tây đang muốn nhắm tới thị trường tiêu dùng “béo bở” của Trung Quốc. Tại thời điểm này, các công ty Mỹ mới xem xét tới việc rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang các quốc gia có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thấp hơn, nhưng các tập đoàn Hàn Quốc đã xem xét tới việc này từ vài năm trước.
“Dưới một góc nhìn nào đó, tất cả mọi vấn đề mà các công ty Hàn Quốc phải đối mặt từ năm 2017 có thể tưởng không hay, nhưng ai ngờ lại hay không tưởng. Điều này có nghĩa là họ đã bắt đầu chuyển dịch chuỗi cung ứng trước các công ty khác khoảng hai năm”, Andrew Gilholm, giám đốc phân tích Trung Quốc và Hàn Quốc tại công ty tư vấn Control Risks, cho hay.
Một tập đoàn chaebol khác là Samsung Electronics đã xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam trong năm 2008 và sự hiện diện lâu dài ở quốc gia này đã giúp Samsung xây dựng chuỗi cung ứng của các công ty Hàn Quốc. Cũng nhờ đó, các công ty Hàn Quốc khác cũng dễ dàng thiết lập cơ sở ở Việt Nam.
Kết quả là khoản đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng lên mức 1.97 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, vượt cả khoản đầu tư của nước này ở Trung Quốc là 1.6 tỷ USD, dựa trên số liệu từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc.
Tính cả thảy, trong năm 2018, tổng khoản đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam lên tới 3.2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam cũng tăng lên 48.6 tỷ USD, gấp 121 lần so với năm 1992 – thời điểm hai quốc gia thiết lập mối quan hệ ngoại giao và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
“Chúng tôi từng trải qua một vài tình huống tệ nhất ở Trung Quốc trong vài năm qua và biết được rằng rủi ro chính trị nơi đó sẽ không biến mất chỉ sau 1 đêm”, một cựu giám đốc quản lý Lotte Shopping – công ty chuyên bán lẻ của Tập đoàn Lotte – cho hay.
“Trung Quốc có thể thông qua tất cả điều luật để đảm bảo sự an toàn của khoản đầu tư nước ngoài và quyền của các công ty đa quốc gia, nhưng khả năng họ thay đổi khi xuất hiện một cuộc xung đột chính trị khác là quá cao… Chúng tôi không thể chịu nổi rủi ro đó nữa”.
Trung Quốc cuối cùng cũng gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Lotte trong tháng 4/2019 và chính quyền Thẩm Dương cũng cho phép Lotte tiếp tục phát triển dự án khu mua sắm và giải trí Lotte Town trị giá tới 2.6 tỷ USD trong tháng 5/2019.
Thế nhưng, một nguồn tin thân cận cho biết, Lotte đang dự tính bán khu phức hợp này sau khi xây dựng hoàn tất, vì họ không muốn tiếp tục hoạt động bán lẻ ở Trung Quốc. Một phát ngôn viên của Lotte từ chối nhận định, cho biết tình hình rất phức tạp.
Một mặt, mong muốn rời khỏi Trung Quốc của Tập đoàn Lotte cho thấy sự bất ổn trên thị trường, nhưng mặt khác, quyết định hoàn tất xây dựng dự án trước khi rời đi cho thấy họ không sẵn lòng “qua cầu rút ván”, các chuyên viên phân tích cho biết.
Samsung là một tập đoàn Hàn Quốc đang giảm bớt quy mô sản xuất ở Trung Quốc sau khi họ đóng cửa cơ sở sản xuất ở Thâm Quyến trong tháng 5/2018 và kế đó là đóng cửa nhà máy ở Thiên Tân vào tháng 12/2018.
Nhà máy sản xuất điện thoại di động cuối cùng của Samsung ở Huệ Châu (Trung Quốc) cũng đang đi đến bờ vực đóng cửa và triển khai chương trình nghỉ hưu tự nguyện cho nhân viên. Samsung cũng đang cân nhắc chuyển một số hoạt động sản xuất tivi từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo một nguồn tin nội bộ của Samsung.
Tuy nhiên, họ cũng rất cẩn trọng trong chiến lược rời khỏi Trung Quốc, Jason Wright, nhà sáng lập của công ty Argo Associates và đã đưa lời khuyên cho nhiều công ty Hàn Quốc muốn rời khỏi Trung Quốc, cho hay. Samsung vẫn là nhà cung ứng vi mạch lớn cho các công ty Trung Quốc như Huawei và nếu họ rời đi một cách tiêu cực, điều này có thể hủy hoại hoạt động kinh doanh hiện tại của Samsung.
“Samsung trả khá hào phóng trong các gói nghỉ hưu tự nguyện mà họ cấp cho các nhân viên từng làm việc trong các nhà máy đã đóng cửa”, Wright cho biết. “Samsung rất chú ý tới các vấn đề tiềm ẩn xoay quanh từ việc đóng cửa nhà máy”.
Bên cạnh rủi ro chính trị và hàng rào thuế quan, thị phần về một vài sản phẩm của Samsung tại Trung Quốc đại lục đã giảm mạnh vì sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc. Chẳng hạn, thị phần điện thoại thông minh của Samsung tại Trung Quốc giảm từ 20% (năm 2013) xuống còn 0.8% trong năm 2018, theo công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics.
Trong cùng kỳ, họ đã chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc một cách “tinh tế và ít ai chú ý tới”, theo Julien Chaisse, Giảng viên luật thương mại tại Đại học Thành phố Hồng Kông và là người đưa ra lời khuyên cho các công ty (có cả Lotte) về kế hoạch chuyển tới Việt Nam.
Khi xuất hiện thông tin Apple đang cân nhắc chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc, các chuyên gia cũng chứng kiến những vấn đề giống với Samsung. Doanh số bán iPhone tại Trung Quốc giảm 30% trong quý 1/2019, theo công ty nghiên cứu Canalys. Trong khi đó, điện thoại thông minh nằm trong số những mặt hàng có khả năng bị Mỹ áp thêm thuế 25%, mặc dù Mỹ đã hoãn áp thuế này sau thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào cuối tuần trước.
Ngoài ra, hai công ty xe hơi Hàn Quốc là Kia và Huyndai cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Tổng thị phần của hai công ty tại Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 2.7% trong năm 2018, từ mức 10% vào đầu thập kỷ này. Cả hai công ty đang thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc.
“Trước đây, Trung Quốc là một thị trường quá tuyệt vời, nhưng đối với Hàn Quốc, giờ Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, đó thực sự là thay đổi đáng chú ý trong 5 năm qua. Trước đây, Trung Quốc không thể cạnh tranh thực sự với Hàn Quốc trong hầu hết lĩnh vực”, ông Wright nói từ Argo Associates.
Giảng viên Chaisse của Đại học Thành phố Hồng Kông đã theo dõi làn sóng tháo chạy của các công ty Hàn Quốc từ năm 2014, trước cả sự kiện THAAD và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ông thấy rằng một vụ kiện trọng tài phức tạp tại các tòa án giải quyết tranh chấp của Liên Hợp Quốc là bước ngoặt trong mối quan hệ Trung-Hàn. Sau vụ đó, các công ty Hàn Quốc ở Trung Quốc phải đối mặt với một môi trường ngày càng thù địch.
Được đệ đơn kiện trong năm 2014 và giải quyết dứt điểm vào năm 2017, vụ kiện nổi lên sau khi công ty Ansung Housing của Hàn Quốc bị buộc phải bán một khu nghỉ dưỡng golf mà họ đang phát triển ở Trung Quốc sau một thay đổi trong luật bất động sản của Trung Quốc.
Ansung đã đưa vụ việc ra một hội đồng trọng tài, cáo buộc Trung Quốc vi phạm hiệp ước đầu tư Trung-Hàn. Công ty đã thắng nhưng lại mở ra một sự thay đổi trong cách thức ứng xử đối với các công ty Hàn Quốc.
“Theo tôi, mặc dù trường hợp của Hàn Quốc khá độc đáo vì nhiều lý do, nhưng nó nhấn mạnh tới những gì sẽ xảy ra với nhiều công ty nước ngoài khác đang hoạt động tại Trung Quốc”, Chaisse cho hay.
Tôi nghĩ, sẽ sớm thôi, các công ty châu Âu cũng sẽ xem xét lại việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc. Mỗi lần sẽ là một câu chuyện khác nhau: Các quốc gia khác nhau, các công ty khác nhau, trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau và mức độ rút vốn có thể khác nhau”.
Nhưng những công ty hiện đang né tránh thuế quan chiến tranh thương mại có thể không có kế hoạch dài hạn như các công ty như Samsung và Lotte, ông Gilholm từ Control Risks cho biết.
“Về lâu dài, tôi nghĩ rằng các công ty Hàn Quốc chuyển ra khỏi Trung Quốc đã dễ dàng hơn bởi vì họ không phải làm điều đó trong hoàn cảnh đầy áp lực và bị xem xét kỹ lưỡng như một công ty bắt đầu chuyển mọi thứ tại thời điểm này”, ông nói.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|