Google và Facebook xây dựng hệ thống cáp quang bao phủ châu Phi
Google và Facebook đang xây dựng hệ thống cáp ngầm dưới biển bao phủ toàn bộ lục địa Đen, dọc theo bờ biển Đông, Tây Phi và ven biển Địa Trung Hải.
Người dân châu Phi truy cập Internet. Nguồn: Reuters
|
Google và Facebook đang xây dựng hệ thống cáp ngầm dưới biển bao phủ toàn bộ lục địa Đen, dọc theo bờ biển Đông, Tây Phi và ven biển Địa Trung Hải.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của Google cho biết công ty này đang tự xây dựng tuyến cáp mới từ Bồ Đào Nha, qua đường ven biển Tây Phi, xuống tới Cape Town, Nam Phi với nhiều điểm kết nối tại các quốc gia dọc theo bờ biển và chi nhánh đầu tiên ở Nigeria.
Google cho biết tuyến cáp này sẽ có dung lượng mạng lớn gấp 20 lần so với tuyến cáp mới nhất được công ty xây dựng tại châu Phi. Đây sẽ là tuyến cáp ngầm đầu tiên sử dụng chuyển mạch quang ở cấp độ sợi quang, thay vì các phương pháp chuyển mạch truyền thống bằng bước sóng.
Thiết kế cho phép đơn giản hóa rất nhiều việc phân bổ dung lượng cáp, tạo điều kiện linh hoạt trong điều chỉnh tại các điểm tiếp nối trong trường hợp cần thiết.
Hệ thống cáp dưới biển này do Công ty Các mạng cáp ngầm Alcatel lắp đặt và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021.
Google cung cấp hoàn toàn kinh phí cho dự án này, nên công ty có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tối ưu hóa số lượng các bên đàm phán.
Tuyến cáp dưới biển thứ 14 này của Google có tên gọi là Equiano - đặt theo nhà văn Nigeria Olaudah Equiano, bị bắt cóc khi 11 tuổi, bị bán tới Mỹ làm nô lệ trong những năm 1750, sau đó tới Anh gây dựng phong trào xóa bỏ nô lệ.
Trong khi đó, Facebook phối hợp với hai hãng dịch vụ viễn thông MTN và Vodacom đang xây dựng hệ thống cáp ngầm dưới biển với tên gọi Simba, nhân vật chính của bộ phim hoạt hình “Vua sư tử.”
Chi tiết chính xác về hệ thống cáp Simba chưa được Facebook tiết lộ, nhưng tuyến cáp này được kỳ vọng sẽ kết nối liên lạc giữa một số quốc gia ven biển phía Đông, phía Tây châu lục và Địa Trung Hải.
Kết hợp của các hệ thống cáp này sẽ góp phần tăng băng thông tới châu Phi và sẽ giảm giá dữ liệu Internet.
Đình Lượng
Vietnam+
|