Trung Quốc đang dần gầy dựng sự tự lực về công nghệ
Thị trường chứng khoán toàn cầu leo dốc nhờ thông tin Mỹ-Trung đình chiến thương mại và nối lại đàm phán bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần trước ở Osaka. Thế nhưng, các chuyên viên phân tích cho biết Trung Quốc đã và đang thích nghi dần với bối cảnh kinh doanh đang thay đổi và mối quan hệ thương mại (đặc biệt là lĩnh vực công nghệ) sẽ không bao giờ trở lại như cũ.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết đình chiến về thuế quan và khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại – bị chững lại từ đầu tháng 5/2019. Đúng như dự đoán, thị trường chứng khoán toàn cầu liền tăng vọt trong ngày thứ Hai (01/07) nhờ thông tin trên.
Mặc dù chưa có thêm thông tin chi tiết về thỏa thuận thương mại tiềm năng Mỹ-Trung, nhưng ông Trump đề xuất ông có thể nới lỏng lệnh cấm bán hàng cho “gã khổng lồ” công nghệ Huawei của Trung Quốc. Trước đó, Mỹ gọi Huawei là mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Điều này trông có vẻ tốt nhưng khi xem xét kỹ hơn, bạn sẽ thấy nhiều vấn đề, các chuyên viên phân tích lưu ý.
“Khả năng nới lỏng một phần lệnh cấm đối với Huawei đã làm giảm bớt căng thẳng, mặc dù thông tin chi tiết vẫn còn chưa thấy đâu”, nhóm nghiên cứu kinh tế của Goldman Sachs cho biết trong báo cáo sau cuộc họp Trump-Tập.
Những chuyên gia theo dõi sát sao cuộc chiến thương mại và nhất là tác động của nó tới môi trường công nghệ cho rằng mặc cho điều gì sẽ diễn ra trong các cuộc đàm phán hiện tại, mối quan hệ kinh doanh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thay đổi và có thể là theo chiều hướng xấu đi.
“Mọi người sẽ vui mừng khi các cuộc đàm phán được khởi động lại”, ông Hans-Paul Burkner, Chủ tịch Boston Consulting Group, nói với CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên (Trung Quốc) hôm thứ Hai (01/07). “Nhưng rõ ràng, người ta vẫn cho rằng xung đột sẽ tiếp tục và doanh nghiệp sẽ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và suy nghĩ lại về cách rãi danh mục đầu tư ra khắp thế giới để ít bị tổn thương hơn”.
Ông dự đoán rằng rồi sẽ có sự dịch chuyển đáng kể về hoạt động sản xuất từ Trung Quốc đến các nơi khác trên thế giới, cả các công ty Trung Quốc và công ty quốc tế. Ông cũng dự đoán, có khả năng xuất hiện kỷ nguyên của “hai thế giới công nghệ tách biệt”, nếu các công ty công nghệ Trung Quốc và Mỹ chấm dứt một kỷ nguyên cung cấp hàng hóa lẫn nhau.
“Lý tưởng nhất là chúng tôi tạo ra một sân chơi bình đẳng và chúng tôi có thể làm việc với nhau và cạnh tranh với nhau trên khắp thế giới. Nhưng vẫn có khả năng là sẽ có hai thế giới công nghệ thực sự, một thế giới của Trung Quốc và một thế giới của Mỹ. Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra nhưng điều đó không phải bất khả thi”.
Cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng giữa Mỹ và Trung Quốc đã được nhiều người xem là một cuộc chiến về công nghệ. Thật vậy, một động cơ rõ ràng đối với ông Trump là những hành vi thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những ràng buộc đặt ra đối với việc bán hàng hóa Mỹ tới các công ty Trung Quốc xét cho cùng là đang giúp Trung Quốc bằng cách buộc họ phải đẩy mạnh sự đổi mới.
Henrik Naujoks, Đối tác của công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company, nói với CNBC hôm thứ Hai (01/07) rằng Trung Quốc đang đạt được bước tiến lớn trong cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ.
Trong khi đó, Ben Harburg, Đối tác quản lý MSA Capital, mô tả sự nhượng bộ rõ ràng của ông Trump đối với Huawei sẽ cho công ty công nghệ này thời gian để phát triển năng lực sản xuất chip và hệ điều hành của riêng họ.
“Một lượng vốn lớn và tài năng sẽ được tận dụng để gầy dựng sự tự lực và thiết lập hệ sinh thái công nghệ song song tại đây (ở Trung Quốc) mà không phụ thuộc vào các hệ điều hành và chip của Mỹ”, ông Ben nói với CNBC hôm thứ Hai.
Xét cho cùng, các công ty Mỹ đang thất thế trong thế giới ngày càng thay đổi này vì các công ty Trung Quốc sẽ nhập nguồn linh kiện tại địa phương và bán hàng hóa tại Trung Quốc cùng các thị trường mới nổi, ông Ben nói.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|