Người Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản vì biện pháp kiểm soát xuất khẩu
Lời kêu gọi người dân Hàn Quốc tẩy chay Nhật Bản trải dài từ các loại hàng hóa như xe hơi, bia và cả đồ mỹ phẩm đang ngày càng lan rộng, trong đó còn có một lời kiến nghị trực tuyến thúc giục Seoul phải “trả đũa” Tokyo vì các nguyên liệu công nghệ cao mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật gặp phải nhiều rào cản. Lời kêu gọi trên đã thu hút được 17,000 người ủng hộ chỉ trong vòng 4 ngày.
* Hàn Quốc dọa đáp trả lại biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản
Một người biểu tình phản đối quyết định kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản ở bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul
|
Lời kiến nghị trên được đăng trên trang web Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc vào ngày thứ Hai (01/07) sau khi Nhật Bản thông báo lệnh cấm lên ba mặt hàng nguyên liệu chính được các công ty Hàn Quốc sử dụng để làm ra màn hình điện thoại thông minh và chip, phía Seoul lên án động thái này là hành động “trả thù kinh tế toàn diện” trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang trở nên căng thẳng.
Việc tẩy chay này có thể làm ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch Nhật Bản, xét đến 7.5 triệu người dân Hàn Quốc du lịch sang Nhật Bản vào năm 2018, được cho là đã chi tiêu số tiền lên đến 5.5 tỷ USD. Tuy nhiên, một nhân viên cấp cao của một trong những hãng du lịch lớn nhất Nhật Bản JTB nói rằng phải mất một khoảng thời gian thì việc tẩy chay mới có thể gây tác động đến ngành du lịch Nhật Bản.
“JTB không làm ăn gì nhiều với khách du lịch người Hàn đến Nhật và chúng tôi chưa thấy tác động nào cả”, nhân viên trên nói. “Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp khó khăn suốt vài năm nay rồi, nhưng ngay cả như vậy thì số người Hàn Quốc đến đây du lịch vẫn ổn định suốt thời gian đó. Chúng tôi không tin rằng chúng tôi cần phải thực hiện bất cứ kế hoạch dự phòng nào”.
Nhật Bản là nguồn nhập khẩu hàng hóa quan trọng thứ hai của Hàn Quốc chỉ sau Trung Quốc. Mỗi năm, lượng hàng hóa mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật lên đến 54.2 tỷ USD. Trong tổng số hàng hóa mà Hàn nhập khẩu từ Nhật, các loại máy móc chiếm hơn 7% và các loại mạch tích hợp chiếm 5.2%. Các mặt hàng quan trọng khác có thể nói đến thiết bị chụp ảnh trong phòng thí nghiệm, tấm nhựa thô, hóa chất, sắt cán nóng và xe hơi.
Năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 40,000 chiếc xe hơi từ Nhật Bản trong khi đó hầu như không xuất khẩu gì sang Nhật Bản.
Không có gì ngạc nhiên khi lời kêu gọi tẩy chay đã khiến nhiều công ty lớn của Nhật Bản có trụ sở tại Hàn Quốc phải đứng ngồi không yên. Phát ngôn viên của công ty Toyota chỉ mới xác nhận rằng công ty “hiện đang tiếp tục quan sát tình hình”. Trong khi đó, Fast Retailing, công ty sở hữu nhãn hiệu Uniqlo liên doanh với Hàn Quốc, từ chối bình luận về vụ việc này.
Phát ngôn viên của công ty mỹ phẩm Kanebo đánh giá thấp các ảnh hưởng có khả năng xảy ra.
“Chúng tôi có hai nhãn hiệu đang được bán trên thị trường Hàn Quốc, nhưng trong chiến lược quảng bá thương hiệu thì chúng tôi không dùng bất cứ chữ ‘Nhật Bản’ hay ‘Tokyo’ nào cả, vậy nên khả năng cao là người tiêu dùng sẽ không biết được mỹ phẩm mà họ mua là hàng hóa Nhật Bản”, Makiko Takahashi cho biết.
“Đồng thời, khách hàng của chúng tôi chủ yếu là những người trẻ tuổi và họ có vẻ ít quan tâm đến các vấn đề lịch sử hoặc chính trị hơn là những người có tuổi, vì vậy chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lời kêu gọi tẩy chay các nhãn hiệu Nhật Bản”.
Nhật Bản vẫn chưa đáp ứng lời mời tham gia Hội nghị thượng đỉnh ba nước Đông Bắc Á của Trung Quốc, hội nghị này được ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc thay phiên tổ chức. Năm 2019 này, Trung Quốc sẽ là quốc gia tổ chức sự kiện và Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ có mặt, nhưng hiện vẫn chưa thấy Nhật Bản đưa ra cam kết tham gia. Đồng thời, còn có nhiều lo ngại về tương lai của thỏa thuận chia sẻ trí tuệ Hàn-Nhật vốn sẽ được đánh giá lại vào tháng 08/2019.
Hàn Quốc cho biết họ sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu và Bộ trưởng Tài chính của Hàn Quốc Hong Nam-ki cũng cảnh báo sẽ “có những biện pháp đáp trả” vào ngày thứ Năm (04/07).
“Chúng tôi tin rằng động thái của Nhật Bản rõ ràng là một hành động trả đũa về kinh tế”, ông Hong phát biểu trên kênh phát thanh của Hàn Quốc, cảnh báo rằng hành động của Tokyo sẽ gây ảnh hưởng đến cả hai quốc gia. “Nếu như vấn đề này không được giải quyết, thì chắc chắn rằng Hàn Quốc sẽ cần phải yêu cầu WTO đưa ra phán quyết. Nhưng để WTO đưa ra được phán quyết thì sẽ mất một khoảng thời gian dài, vậy nên đó không phải là giải pháp duy nhất”.
Một bài xã luận được đăng trên tờ báo Chosun của Hàn Quốc đã cảnh báo rằng hành động của Nhật Bản có nguy cơ “làm rung chuyển nền tảng hợp tác kinh tế song phương kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai nước”.
“Mặc dù có nhiều mâu thuẫn và xích mích xảy ra kể từ khi hai bên bình thường hóa mối quan hệ vào năm 1965, nhưng sự hợp tác kinh tế chặt chẽ chưa từng bị phá vỡ”, ban biên tập của tờ báo cho biết. “Cả hai quốc gia đều đang ngồi chung một thuyền… Nếu như một bên bị tổn hại, thì bên còn lại chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Vào ngày thứ Tư (03/07), Hàn Quốc cho biết quốc gia này đã lên kế hoạch đầu tư 1 ngàn tỷ Won (tương đương 855 triệu USD) mỗi năm cho việc nghiên cứu nguyên vật liệu, bộ phận và thiết bị của ngành công nghiệp sản xuất chip với mục đích giảm bớt việc phụ thuộc vào Nhật Bản. Ngoài ra, không rõ Seoul đang có sẵn những biện pháp trả đũa nào, vì bất cứ hành động kiềm chế xuất khẩu hay tăng thuế quan đều sẽ vi phạm nguyên tắc của WTO.
“Nhật Bản có nhiều ‘bài tẩy’ để chống lại Hàn Quốc hơn so với các ‘lá bài’ mà Hàn Quốc có dựa trên quy mô kinh tế và Seoul biết rõ thực tế này”, Giáo sư Lee Won-deok của Đại học Kookmin, cho biết. “Đó là lý do vì sao Seoul không đủ khả năng để leo thang trong cuộc tranh chấp này”.
“Trả đũa sẽ chỉ dẫn đến hành động trả đũa tiếp theo và cái vòng luẩn quẩn trả đũa lẫn nhau này sẽ chỉ làm tổn hại đến cả hai bên. Tôi hy vọng rằng hai quốc gia sẽ ngưng việc này lại và giải quyết vấn đề một cách êm thấm hơn”, ông Lee nói.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|