SCMP: Quan chức Mỹ sẽ đến Bắc Kinh để đàm phán thương mại vào tuần tới
Các nhà đàm phán thương mại Mỹ sẽ đến Bắc Kinh để nối lại đàm phán vào tuần tới, dựa trên nguồn thông tin thân cận từ South China Morning Post (SCMP).
Một nguồn tin nói với tờ South China Morning Post (SCMP) rằng, các quan chức sẽ bàn luận nhiều về cách chính quyền Mỹ xử lý lệnh cấm cung ứng hàng hóa cho “gã khổng lồ” viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý trở lại bàn đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại đầy tốn kém này, sau khi hai nhà lãnh đạo tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào cuối tuần trước.
Sau cuộc gặp với ông Tập, ông Trump thông báo, ông sẽ trì hoãn áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và cho phép các nhà cung ứng Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei.
Đổi lại, Trung Quốc sẽ mua lượng lớn nông sản từ Mỹ, ông nói. Cả hai bên sẽ cố gắng tạo ra thỏa thuận thương mại cuối cùng để chấm dứt xung đột.
Các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh vào tuần tới sẽ quyết định thỏa thuận đình chiến thương mại “mong manh” này sẽ kéo dài bao lâu. Cho đến nay, các chuyên gia từ hai bên vẫn còn mù mờ về những gì hai nhà lãnh đạo đã đồng ý, nhất là trường hợp Huawei.
Bắc Kinh vẫn đang cân nhắc xem xét liệu Trung Quốc có lập tức mua đậu nành từ Mỹ hay không, một nguồn tin thân cận nói với SCMP.
* Sau hội nghị G20, Trung Quốc đòi Mỹ dẹp bỏ hết hàng rào thuế quan
* Trung Quốc sẽ không mua nông sản Mỹ nếu Washington “trở mặt” trong các cuộc đàm phán
Ông cho biết, Bắc Kinh muốn xem ông Trump có nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei như đã hứa hay không và nếu có thì sẽ nới lỏng bằng cách nào.
Nguồn tin này cho biết, Nhà Trắng có lẽ sẽ đưa ra thông báo trong vài ngày tới về những điều kiện mà các công ty Mỹ phải đáp ứng nếu muốn tiếp tục cung ứng hàng cho Huawei. Sau đó, Trung Quốc sẽ cam kết mua nông sản từ Mỹ.
Nếu các nhà đàm phán không thể giải quyết những vấn đề này, các cuộc đàm phán sẽ “đổ vỡ ngay lập tức”, trong đó Washington sẽ triển khai hàng rào thuế quan mới đối với các hàng hóa Trung Quốc, nguồn tin này cảnh báo.
Một nguồn tin từ Trung Quốc cũng xác nhận rằng các nhà đàm phán Mỹ sẽ đến Bắc Kinh vào tuần tới để đàm phán.
Thông báo của ông Trump về Huawei khiến nhiều quan chức Mỹ bất ngờ, nguồn tin từ Mỹ cho biết. Chính quyền Trump hiện đang cố gắng tìm cách triển khai quyết định này.
Tính tới ngày thứ Năm (04/07), các ràng buộc về Huawei vẫn còn có hiệu lực và không có doanh nghiệp Mỹ nào có thể cung ứng linh kiện và phần mềm cho Huawei nếu không có sự đồng ý từ Chính phủ.
Một số thượng nghị sĩ Mỹ chỉ trích thông báo của ông Trump và xem đây là một sai lầm. Tuy nhiên, Peter Navarro, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng cho biết, chỉ những con chip tiêu dùng công nghệ thấp mới được bán cho Huawei.
Nguồn tin cho biết chính quyền Mỹ vẫn đang tranh luận về cách nới lỏng các hạn chế. Cụ thể, họ đang cân nhắc xem có nên gia hạn thời hạn 90 ngày đối với lệnh cấm hay thiết lập một quy trình phê duyệt đặc biệt.
Ngay cả khi hai bên có thể đưa ra giải pháp, họ vẫn sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là tìm cách thu hẹp những khác biệt khác của họ và đưa ra một thỏa thuận cuối cùng.
Trong số các vấn đề vẫn phải giải quyết là Trung Quốc sẽ cải cách các doanh nghiệp Nhà nước và chính sách công nghiệp như thế nào để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty Mỹ.
Hôm thứ Năm (04/07), Trung Quốc đã khăng khăng cho rằng Mỹ phải lập tức dẹp bỏ tất cả hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc như là một phần của thỏa thuận thương mại, đòi hỏi chính quyền Donald Trump phải từ bỏ quan điểm giữ lại một số hàng rào thuế quan ngay cả sau khi đạt được thỏa thuận.
Trước đó, Mỹ đã tranh luận, các hàng rào thuế quan này chỉ nên được gỡ bỏ khi Trung Quốc có tiến triển về những mục tiêu đã nhất trí từ trước.
“Nếu cả hai bên có thể đạt được thỏa thuận, hàng rào thuế quan đã được áp đặt trước đó phải được loại bỏ hoàn toàn. Thái độ của Trung Quốc về vấn đề này rất rõ ràng và nhất quán”, ông Gao nói, đồng thời cho biết thêm rằng hai nhóm thương mại Mỹ-Trung đã liên lạc về việc nối lại các cuộc đàm phán.
Bất chấp những khó khăn, Trung Quốc vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận, một nguồn tin thân cận với Chính phủ Trung Quốc cho biết.
“Sẽ có một thỏa thuận tại một thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, mặc dù quá trình đàm phán sẽ rất khó khăn”, theo nguồn tin của Trung Quốc.
Hôm thứ Tư (03/07), ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc và châu Âu thao túng tiền tệ, lại thêm sự phức tạp vào các cuộc đàm phán.
“Trung Quốc và Châu Âu chơi trò chơi thao túng tiền tệ lớn và bơm tiền vào hệ thống của họ để cạnh tranh với Mỹ”, Tổng thống Mỹ đã viết trong một bài đăng trên Twitter.
“Chúng ta nên làm như vậy hoặc tiếp tục là những người ngu ngốc ngồi lại và lịch sự theo dõi khi các quốc gia khác tiếp tục chơi trò chơi của họ - như họ đã làm trong nhiều năm qua!”, ông Trump viết.
Bắc Kinh và Washington đã có 11 vòng đàm phán thương mại từ tháng 1/2019, nhưng các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào đầu tháng 5 và mỗi bên lại đổ lỗi cho bên kia về việc không đạt được thỏa thuận.
Căng thẳng còn leo thang trong tháng 5/2019 khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, tức cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm cho gã khổng lồ Trung Quốc - công ty hàng đầu thế giới về công nghệ 5G và là khách hàng lớn cho các công ty công nghệ Mỹ.
Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách tuyên bố sẽ tung ra một phiên bản tương đương về một danh sách thực thể không đáng tin cậy.
Nhưng sau cuộc gặp với ông Tập ở Osaka, ông Trump đã gây ngạc nhiên cho thị trường vào ngày thứ Bảy (29/06) khi tuyên bố sẽ cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei - miễn là các giao dịch này không gây rủi ro an ninh quốc gia.
Trump cũng nói rằng Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn nông sản của Mỹ, bắt đầu ngay lập tức.
Mặc dù theo thỏa thuận đình chiến thương mại, hai bên sẽ trì hoãn áp thuế bổ sung và nối lại các cuộc đàm phán, nhưng họ không đưa ra thời hạn để kết thúc các cuộc đàm phán.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|