Thứ Hai, 29/04/2019 14:19

Chỉ với 3 từ, ông Draghi đã giải cứu thành công đồng Euro (Kỳ 1)

Đó là một buổi sáng đẹp trời vào ngày 26/07/2012. Trên các thị trường tài chính, một cơn giông bão đen tối đang nhen nhóm, nhưng vào sáng thứ Năm hôm ấy, Luân Đôn vẫn cứ thế, chẳng hề quan tâm một chút nào. Khi ánh bình minh bắt đầu len lỏi qua từng ngõ ngách, cả thành phố bỗng bừng tỉnh trước ánh nắng rực rỡ. Ở Lancaster House – khu dinh thự tọa lạc giữa cung điện Buckingham và St. James, dòng người đang hối hả chuẩn bị cho một buổi hội nghị đầu tư do Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron tổ chức.

Chủ tịch ECB Mario Draghi

Tại buổi hội đàm, một vài tên tuổi lớn cùng nhau ngồi lại để bàn luận về những thách thức đang đe dọa tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có sự góp mặt của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) khi đó là Mervyn King.

Không khí u ám bao trùm cả buổi tọa đàm và mặc dù khi đó đồng Euro đang bị áp lực bủa vây vì cuộc khủng hoảng nợ Chính phủ kéo dài 3 năm đang nhấn chìm cả châu Âu, vậy mà chẳng ai lường trước được chuyện đó. “Chẳng ai ngờ đó lại là một sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn đến thế”, ông King hồi tưởng. “Quan trọng là phải hiểu được những gì xảy ra kế tiếp”.

Trò chuyện với những chuyên gia tại buổi hội đàm, ông Draghi trông có vẻ thoải mái đến lạ thường. Ông nói với họ: “Ông cứ nói tiếp đi. Tôi không muốn nói quá nhiều”. Và lúc đầu thì đúng là như vậy. Khi đứng trên bục phát biểu, ông bắt đầu nói với thính giả rằng đồng euro hiện giống như một con ong nghệ. Nó có thể bay ngược với các định luật vật lý, nhưng tại thời điểm này, nó phải cố mà “trở thành một chú ong thật sự”. Có lẽ, phép ẩn dụ trên khá quen thuộc với người Ý hoặc các nhà côn trùng học, nhưng lại là một điều khó hiểu với các thính giả. Tâm lý hoang mang bỗng lan rộng ra khắp cả khán phòng hôm ấy.

Ông Draghi nói tiếp, hiếm khi nhìn lại những ghi chép của ông. Khoảng 6 phút rưỡi trôi qua, ông bắt đầu cúi người xuống, thở thật mạnh, nắm chặt tay rồi nhấn giọng. “Nhưng tôi có một thông điệp khác muốn gửi tới các bạn”, ông nói tiếng Anh với chất giọng đặc sệt của người Ý. “Vì đó là nhiệm vụ của chúng tôi, ECB sẵn sàng bảo vệ đồng Euro bằng mọi cách (whatever it takes)”. Dừng lại một hồi, ông nói tiếp và chẳng hề nghi ngại về ý nghĩa của những lời nói ra: “Tin tôi đi, chỉ cần nhiêu đó là đủ”.

Whatever it takes (Bằng mọi cách). Sau 16 giây ngắn ngủi đó, phần còn lại của bài phát biểu dường như chẳng đọng lại điều gì cho thính giả. Nhưng 3 từ đó vẫn cứ khiến người ta ngẩn ngơ.

Sau đây là câu chuyện bí ẩn về khoảnh khắc đó – khoảnh khắc đã làm nên tên tuổi của ông Draghi tại ECB. Bài viết này được dựa trên các cuộc phỏng vấn với hàng tá sếp của các ngân hàng trung ương, chính trị gia và các quan chức từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Một số người đồng ý để lộ danh tính, nhưng một số khác lại không. Khi bước vào năm cuối của nhiệm kỳ Chủ tịch tại ECB, Mario Draghi cho biết ông không muốn bình luận trong bài báo này.

Câu chuyện về lời hứa cứu vớt đồng Euro của ông Draghi thực sự bắt đầu từ 1 tháng trước đó. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là nơi sẵn sàng chào đón mọi nhà đầu tư. Sự tồn tại của đồng tiền chung Euro – đối với ông Draghi cũng như nhiều người châu Âu khác – tượng trưng cho các nỗ lực của một thế hệ đã cố gắng mang lại hòa bình và thịnh vượng cho một lục địa bị xâu xé bởi hai cuộc chiến đẫm máu. Vào đầu mùa hè năm 2012, khi các thị trường tài chính đang còn hoài nghi liệu các quốc gia yếu ớt nhất của Eurozone có thể thanh toán hết nợ nần hay không khi mà một nền kinh tế châu Âu khác đã bước vào suy thoái, những nhược điểm của một đồng tiền chung cũng dần hiện rõ: 17 quốc gia độc lập, ngân sách rối rắm, quản trị không có sự đồng nhất và các nền kinh tế quá khác biệt.

Trước khung cảnh đó, những nhà lãnh đạo trong Hội đồng châu Âu (EC) đã tụ họp ở Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh bàn về khủng hoảng (lần thứ 19). Lờ mờ sáng ngày 29/06, họ xuất hiện cùng với một loạt cam kết về giám sát ngân hàng chung, điều phối ngân sách và một quá trình tạo lập chính sách kinh tế tập trung hơn. Họ chẳng làm gì khác ngoài chuyện lên kế hoạch để nghĩ ra một kế hoạch và trong khi một số nhà lãnh đạo trông có vẻ tuyệt vọng đưa ánh mắt cầu cứu tới ECB với hy vọng họ sẽ ngăn chặn thảm họa xảy ra thì ông Draghi dường như vẫn “bình chân như vại”. “Tôi thực sự hài lòng với kết quả” là những gì ông ấy nói. Thông điệp của ông gửi tới Hội đồng khá thẳng thắn: Cần phải hành động; sự can thiệp của ECB sẽ chẳng thể hiệu quả nếu không có sự gắn kết hơn về tài chính, kinh tế và chính trị giữa các quốc gia thành viên.

Đối với ông Draghi, kết quả hội nghị thượng đỉnh năm ấy ít nhất đã xác nhận về một điều gì đó mà ông vẫn gìn giữ kể từ khi nhậm chức từ 8 tháng trước đó. Mặc cho sự hoài nghi từ phía nhà đầu tư và làn sóng từ chức lan rộng ở khắp lục địa trước cuộc khủng hoảng dường như chẳng bao giờ dứt, các quốc gia thành viên của EU vẫn gắn kết số phận với Liên minh và với đồng Euro như thuở ban đầu. Ấy vậy mà thị trường vẫn chẳng hề chú ý tới những cam kết mơ hồ của EC. Suy đoán về sự vụn vỡ của đồng Euro cứ thế mà tiếp tục. Ông Draghi biết cần phải có điều gì đó mạnh mẽ hơn.

Trong vài tuần kế đó, ông cứ “đi đi lại lại” Frankfurt (nơi đặt trụ sở của ECB) và chu du khắp châu Âu, suy ngẫm về những phương án lựa chọn. Ông cứ hỏi mọi người mỗi khi có cơ hội. ECB có thể làm gì tại thời điểm đó? Tại sao ECB nên làm một điều gì đó? Làm sao biết được hành động đó sẽ thành công? Những người thân cận với ông Draghi cảm thấy có gì đó đang diễn ra, nhưng chỉ là họ không biết rõ nó là gì.

Nhà đầu tư đang trông ngóng một tín hiệu mạnh mẽ và ông Draghi biết điều đó nhờ những năm tháng làm việc ở Goldman Sachs trong những năm 2000, ông có cái nhìn sâu hơn về tâm lý trên thị trường. Klaas Knot, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, hồi tưởng lại cuộc trò chuyện với ông Draghi vào đầu tháng 7 năm đó: “Ông đang nghĩ cái quái gì vậy?”. Ông Draghi thẳng thắn trả lời: “Chưa có gì cụ thể, nhưng nó cần phải lớn”.

Và sẽ là như vậy. Whatever it takes (Bằng mọi cách). Đây không phải là những từ ngữ được đưa ra chỉ sau vài phút suy nghĩ, Stanley Fischer, từng là Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và là cố vấn của ông Draghi vì đã từng dạy ông Draghi khi còn đi học bằng thạc sĩ ở MIT vào những năm của thập niên 70, nhận định. “Chắc chắn là ông ấy đã nghĩ về điều đó trong một khoảng thời gian dài”, Fischer khẳng định. “Nhưng tôi chẳng thể ngờ là ông ấy lại bước ra và nói điều đó một cách quá rõ ràng và đơn giản đến thế. Đó quả là một bước đi bậc thầy”.

Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đang ngồi ở hàng ghế đầu tại Lancaster House, chỉ cách một bước chân với nơi ông Draghi đang phát biểu. Trong mắt bà, chỉ với tuyên bố đó, ông ấy có lẽ đã cứu rỗi đồng Euro. Lúc đầu, bản thân ông Draghi cũng chẳng tin vào điều đó. Khi vị Chủ tịch ECB rời khỏi khán trường, Jim O’Neill – người tại thời điểm đó là Chủ tịch của Sachs Asset Management – đã vỗ tay khen ngợi “nhận định cực kỳ quan trọng” của ông Draghi.

Một trong những người đầu tiên nhận được điện thoại từ ông Draghi sau bài phát biểu là Jens Weidmann. Với tư cách là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), Weidmann nằm trong số những nhà hoạch định chính sách có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong Hội đồng Thống đốc ECB. Ông cũng là một trong những người hoài nghi nhiều nhất về những bước đi chính sách bất thường. Chỉ cần thuyết phục thành công ông Weidmann, ông Draghi cũng thuyết phục được người dân Đức rằng tiền của họ sẽ có ích hơn chỉ tài trợ cho những chính phủ vô trách nhiệm trên bờ Địa Trung Hải. Trước những lời thuyết phục của ông Draghi, ông Weidmann phản ứng khá lãnh đạm và chỉ vài phút sau đó, ông lại la ó dữ dội khi rõ ràng là Chủ tịch ECB đang cân nhắc mua trái phiếu Chính phủ.

Về phần các thị trường, sự tán đồng quan trọng nhất không diễn ra cho tới ngày kế tiếp. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande vừa điện đàm về khủng hoảng và sau đó đưa ra tuyên bố chung. Trong tuyên bố này, họ lặp lại lời cam kết của ông Draghi. “Pháp và Đức gắn kết với sự toàn vẹn của khu vực đồng tiền chung châu Âu”, trích từ tuyên bố. “Họ quyết tâm bảo vệ đồng Euro bằng mọi cách”.

Từ đó trở đi, 3 từ của ông Draghi (Whatever it takes) góp phần định hình nên chính sách của ECB và ông Draghi cứ như thổi một làn gió mới vào giới tài chính khi ấy và tạo nên một thế hệ lãnh đạo NHTW chủ động hơn. Tại thời điểm đó, ông Draghi – cứ như thể là người bảo vệ đồng tiền chung – có lẽ chẳng còn cách nào khác ngoài dồn toàn lực từ nguồn cung tiền vô hạn của ECB để bảo vệ đồng Euro.

“Draghi hiểu rằng đồng Euro là một dự án mang đậm tính chính trị và ông đã góp công lớn trong việc cứu vớt đồng tiền này”, Wolf Klinz, thành viên của Quốc hội châu Âu, cho hay. “Cam kết làm bằng mọi cách của ông ấy là một bước đi đúng đắn, mặc dù sau đó ông có thể nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh hơn mức cần thiết”.

Đồng Euro vẫn còn đó và nền tảng của nó cũng ngày càng mạnh hơn: Các Chính phủ đã tạo ra một cơ quan giám sát ngân hàng chung dưới “ô dù” của ECB, xây dựng một quỹ cứu trợ vĩnh viễn để cứu vớt những ngân hàng và quốc gia đang gặp khó khăn, đồng thời trong quá trình vẽ ra “đường đi nước bước” để củng cố cho liên minh về kinh tế và tiền tệ.

Ngay cả khi triển khai các biện pháp mới, chẳng có gì đảm bảo đồng Euro sẽ tồn tại được. Càng làm lo ngại về nhập cư thêm phần trầm trọng, chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy và làm dấy lên nghi ngờ về chiến lược gắn kết nhiều hơn. Một số trong giới tinh hoa chính trị Đức cho biết, ít nhất ông Draghi cũng vun vén một phần cho làn sóng nổi dậy của chủ nghĩa dân túy. Ý tưởng rời xa đồng tiền chung châu Âu đã được bàn luận sôi nổi trong các chiến dịch tranh cử ở khắp châu Âu và khắp những đảng phái chính trị.

* Đón xem kỳ 2: Xuất thân nghèo khó và hành trình đầy gian truân để lên chức Chủ tịch ECB

Tuấn Kiệt (Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Đừng lao vào thị trường chứng khoán như con thiêu thân (06/05/2019)

>   Cổ phiếu nóng cũng giống như Ngọc Trinh (02/05/2019)

>   Tài phiệt John Law và bong bóng Mississippi Company tại Pháp, 1720 (kỳ 2) (03/05/2019)

>   Tài phiệt John Law và bong bóng Mississippi Company tại Pháp, 1720 (kỳ 1) (27/04/2019)

>   See’s Candies: Thương vụ bước ngoặt trong tư duy đầu tư của ngài Buffett (11/05/2019)

>   Biển xanh, cát trắng và cổ phiếu (25/04/2019)

>   Trader vụt mất cơ hội sinh lời 6,000% chỉ vì tiếng khóc của đứa trẻ (18/04/2019)

>   Kraft Heinz đã khiến nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett "mất mặt" như thế nào? (18/04/2019)

>   Phúc XO và chuyên gia chứng khoán có gì giống nhau? (17/04/2019)

>   Chuyện cân bằng lợi ích giữa cổ đông và nhân viên (18/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật