Kraft Heinz đã khiến nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett "mất mặt" như thế nào?
Hôm 22/2/2019, cổ phiếu Kraft Heinz khiến giới đầu tư ở Phố Wall hốt hoảng bằng cú giảm 28%, đánh dấu phiên lao dốc tồi tệ chưa từng có của cổ phiếu này. Đương nhiên, một phiên giảm giá cổ phiếu như vậy gây thiệt hại không hề nhỏ cho tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett - cổ đông chính của hãng thực phẩm đóng gói nổi tiếng.
Từ ngày 30/9/2015 đến ngày 22/2/2019, cổ phiếu Kraft Heinz đã sụt 50,9%, cho thấy khoản đầu tư của ông Buffett đã sụt 11,7 tỷ USD.
|
Berkshire Hathaway nắm hơn 325,6 triệu cổ phiếu Kraft Heinz vào thời điểm ngày 31/12/2018. Lượng cổ phiếu này tương đương cổ phần 26,7%, đưa Berkshire Hathaway trở thành cổ đông kiểm soát của Kraft Heinz. Trong danh mục đầu tư cổ phiếu của Berkshire Hathaway, cổ phiếu Kraft Heinz chiếm 8% tổng giá trị.
Chiến lược của Buffett có luôn đúng?
Nếu Berkshire Hathaway vẫn giữ nguyên lượng cổ phiếu Kraft Heinz nói trên, thì phiên giảm ngày 22/2 của cổ phiếu này đã gây ra cho tập đoàn khoản thiệt hại 4,4 tỷ USD.
Nhưng đó vẫn chưa phải là toàn bộ câu chuyện: từ ngày 30/9/2015 đến ngày 22/2/2019, cổ phiếu Kraft Heinz đã sụt 50,9%, cho thấy khoản đầu tư của ông Buffett đã sụt 11,7 tỷ USD. Trong đó, riêng khoản lỗ mà Berkshire Hathaway hứng chịu trong 2018 từ cổ phiếu này là 11,3 tỷ USD.
Con số thiệt hại nhiều tỷ USD cũng chưa phải là tất cả. Tệ hơn, khoản thua lỗ này minh chứng một điều rằng chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu (buy-and-hold) của ông Buffett không phải lúc nào cũng đúng. Nhiều nhà đầu tư bấy lâu tin tưởng vào trường phái đầu tư giá trị của ông Buffett có thể có thêm một lý do để hoài nghi, đặc biệt là gần đây "nhà tiên tri xứ Omaha" cũng vấp phải thất bại trong việc nắm giữ cổ phiếu hãng công nghệ Apple.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới phiên giảm nói trên của cổ phiếu Kraft Heinz là báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2018 gây thất vọng, tuyên bố giảm mạnh cổ tức, thông báo về việc công ty đang bị nhà chức trách Mỹ điều tra sổ sách kế toán, và đánh tụt giá trị tài sản một khoản 14,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của vấn đề không phải chỉ có vậy. Những năm gần đây, Kraft Heinz dường như tập trung quá nhiều vào việc cắt giảm chi phí mà quên đi điều quan trọng nhất mà một công ty thực phẩm phải làm: sản xuất ra những sản phẩm hấp dẫn mà người tiêu dùng thực sự muốn mua và ăn. Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng Kraft Heinz có thể đã và đang "lạc lối" trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm - một ngành tưởng chừng rất "ngon ăn" vì cung cấp mặt hàng thiết yếu, nhưng đồng thời có mức độ cạnh tranh rất cao.
Kraft Heinz, công ty thực phẩm và đồ uống lớn thứ 5 thế giới, ra đời cách đây gần 4 năm khi Heinz - công ty được Berkshire Hathaway và công ty cổ phần tư nhân 3G Capital mua lại vào 2013 - sáp nhập với Kraft. 3G đưa một trong những thành viên của mình là ông Bernardo Hees vào vị trí Tổng giám đốc (CEO) của Heinz sau thương vụ mua lại, và hiện ông Hees là người đứng đầu Kraft Heinz.
Sau khi "về chung một nhà" Kraft Heinz đã nhanh chóng bắt tay vào việc cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận. Công ty thậm chí còn hy vọng có thêm một thương vụ nữa để có thể tiết kiệm chi phí nhiều hơn.
Năm 2017, Kraft Heinz chào mua tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever của Anh-Hà Lan với giá hơn 140 tỷ USD nhưng bị Unilever "cự tuyệt". Kể từ đó, Kraft Heinz "xuống dốc không phanh", và nhiều nhà quan sát nhanh chóng chỉ ra rằng nguyên nhân là công ty không có sự thích nghi nhanh chóng với thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng.
Trong khi người tiêu dùng ngày càng chuộng những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe (healthy food) và thực phẩm hữu cơ (organic food), thì Kraft Heinz vẫn mải mê sản xuất các món từ phô mai và thịt. Trên thực tế, các đối thủ của Kraft Heinz đều đã mạnh tay thâu tóm các hãng thực phẩm lành mạnh và hữu cơ trong những năm gần đây, như General Mills mua Annie's vào 2014 hay Smart Balance mua thương hiệu thực phẩm không chứa gluten của Udi trong năm 2018.
Nếu ngay từ đầu, Kraft Heinz thức thời hơn và tìm kiếm những công ty thực phẩm lành mạnh hoặc hữu cơ để mua lại, thì mọi chuyện có lẽ đã khác. Giờ đây, cơ hội để Kraft Heinz sửa sai có lẽ không còn nhiều.
Xu hướng mới của ngành thực phẩm
Từ trước "cú sốc" mà Kraft Heinz gây ra cho nhà đầu tư vào hôm 22/2, nhiều nhà phân tích ở Phố Wall đã lo ngại về sức ép ngày càng lớn đối với công ty này và nhiều công ty thực phẩm khác.
Giá cả thực phẩm ở Mỹ đang có xu hướng rẻ hơn do những hãng bán lẻ khổng lồ như Amazon/Whole Foods, Walmart và Target ngày càng mở rộng mảng kinh doanh thực phẩm. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận của những công ty nhỏ hơn như Kraft Heinz suy giảm.
Tương tự như những sản phẩm thực phẩm đóng gói chứa nhiều calories của Kraft Heinz, đồ uống có ga Coca-Cola giờ đây cũng không còn được ưa chuộng như trước.
Buffett nổi tiếng là một người thích uống Coca-Cola, và cổ phiếu công ty này cũng nằm trong top đầu danh mục của Berkshire Hathaway, nhưng ngày càng có nhiều người tiêu dùng quay lưng với loại đồ uống chứa nhiều đường này. Trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, các tổ chức bảo vệ sức khỏe toàn cầu liên tục ra cảnh báo về đồ uống có ga, cho rằng những sản phẩm này làm gia tăng tỷ lệ béo phì. Đối mặt với xu hướng này, Coca-Cola đã phải đa dạng hóa danh mục sản phẩm, sản xuất nhiều hơn các mặt hàng nước hoa quả, cà phê và nước suối.
Hôm 14/2/2019, Coca-Cola đưa ra cảnh báo lợi nhuận u ám, khiến giá cổ phiếu công ty sụt 8%, chạm đáy 10 năm. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tuần, hai công ty mà ông Buffett xem là cổ phiếu "con cưng" lần lượt gây ra những cú sốc lớn. Điều này phản ánh một thực tế rằng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống toàn cầu đang trải qua những thay đổi rất lớn, mà ngay cả một nhà đầu tư sừng sỏ như ông Buffett cũng không thể hiểu hết được xu hướng.
Có lẽ chính vì điều này mà trong những năm gần đây, Berkshire không còn đầu tư nhiều vào các công ty hàng tiêu dùng. Năm ngoái, công ty này mua thêm cổ phiếu các công ty tài chính và công nghệ lớn.
Cũng cần nói thêm rằng khoản đặt cược của ông Buffett vào Kraft Heinz không phải là quá tệ, dù giá cổ phiếu công ty giảm sâu.
Vào năm 2016, ông Buffett công bố số tiền bỏ ra để đầu tư vào Kraft Heinz là 9,8 tỷ USD, tương đương mức giá 30 USD/cổ phiếu. Sau cú giảm ngày 22/2, giá trị cổ phần của Berkshire Hathaway trong Kraft Heinz vẫn là 11,4 tỷ USD. Ngoài ra, tập đoàn này đã nhận 2,3 tỷ USD cổ tức từ Kraft Heinz trong 2016, đưa tổng mức lợi nhuận đã đạt được lên 41%.
Kiều Nguyễn
VNECONOMY
|